Những cựu chiến binh tiêu biểu trên “mặt trận” phát triển kinh tế

Người tốt - Việc tốt 06:26 24/04/2023 Xuân Tuân

Thành công từ mô hình VAC

Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trang trại VAC, cựu chiến binh (CCB) Trần Huy Trường, Thôn 1 Đồng Thủy, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân phấn khởi chia sẻ: Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tôi lên đường nhập ngũ vào quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, bị thương tại mặt trận Quảng Nam, năm 1976 tôi được phục viên về địa phương, hiện đang hưởng chế độ thương binh 1/4. Khi về địa phương, bản thân và gia đình gặp nhiều khó khăn, kinh tế không ổn định, thu nhập hằng năm trông vào 2 vụ lúa và cây rau màu, tôi đã mạnh dạn bàn với gia đình đầu tư xây dựng lò gạch thủ công, nhưng khi Nhà nước có chủ trương không cho phát triển các lò gạch thủ công vì ô nhiễm môi trường, năm 2011, tôi đã chuyển hình thức làm kinh tế sang đầu tư vào phát triển trang trại theo mô hình VAC.

Phát huy phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, hưởng ứng phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, với tinh thần tự lực, tự cường khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, CCB Trần Huy Trường đã thường xuyên trao đổi với cán bộ, hội viên CCB để học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mở rộng diện tích canh tác. Với diện tích gần 2 ha, đất đấu thầu của địa phương, ông đã đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi cá, trồng cây ăn quả, trang trại thường xuyên có từ 70 đến 100 con lợn nái, 900 đến 1.000 con lợn thịt cho thu nhập bình quân từ 500 đến 700 triệu đồng/năm; tạo việc làm ổn định cho 10 đến 12 lao động là con em CCB ở địa phương.

Không chỉ làm kinh tế, ông còn tích cực tham gia đóng góp cùng địa phương thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cụ thể: ông đã ủng hộ lắp đặt đường điện chiếu sáng của thôn 5 triệu đồng, ủng hộ mua sắm trang thiết bị tại Nhà văn hóa thôn 3,5 triệu đồng, tặng Trường Tiểu học xã Nhân Thịnh 01 chiếc tivi trị giá 10 triệu đồng, ủng hộ các cháu thiếu niên, nhi đồng dịp Tết Trung thu hằng năm hơn 2 triệu đồng, ủng hộ các phong trào văn hóa, thể thao của xã, của Hội CCB.

Với những kết quả đã đạt được, nhiều năm qua CCB Trần Huy Trường đã được các cấp, ngành khen thưởng, đặc biệt đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 - 2021.

Người tiếp lửa cho làng nghề truyền thống

Sinh ra trong một gia đình có nghề truyền thống nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ phục viên trở về địa phương, với vai trò là trưởng xóm, lại là Chủ tịch Hiệp hội làng nghề truyền thống Đọi Tam, CCB Phạm Chí Khang, xóm 4, Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên luôn trăn trở làm thế nào để giữ gìn và phát huy làng nghề truyền thống ở địa phương. Vì vậy, cùng với việc triển khai làm hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét phong tặng thêm 3 nghệ nhân, 24 thợ giỏi, ông đã cùng Ban chấp hành hiệp hội lập tờ trình các cấp hỗ trợ kinh phí mua máy uốn tang trống, máy dập lốc trong dây chuyền sản xuất trống đoàn đội, máy trong dây chuyền sản xuất thùng rượu, bồn tắm gỗ... Với cương vị là người đứng đầu tổ chức xã hội nghề nghiệp bản thân ông luôn tích cực vận động hội viên học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, cải tiến mẫu mã sản phẩm. Nhiều sản phẩm của hiệp hội có mặt tại thị trường trong nước, quốc tế như: giàn trống định âm, các loại trống của các dân tộc, câu lạc bộ đàn hát dân ca, các sản phẩm phục vụ dân sinh bồn tắm, thùng mát-xa ngâm chân, thùng xông hơi, thùng rượu gỗ sồi, thùng gạo phong thủy… Hằng năm, sản phẩm của hiệp hội luôn được đánh giá cao khi tham gia tại các hội chợ, các liên hoan du lịch các làng nghề Việt Nam.

Nghệ nhân CCB Phạm Chí Khang, xóm 4, Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên đang hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Lộc

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, năm 2019, để lưu giữ và quảng bá sản phẩm làng nghề, nhà truyền thống của thôn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ kinh phí xây dựng, trị giá 740 triệu đồng. Ngoài phần hỗ trợ của cấp trên ông đã cùng ban vận động tuyên truyền, huy động thêm nguồn lực từ các thành viên trong hiệp hội, các mạnh thường quân trong nước, người Việt Nam định cư tại nước ngoài, các gia đình làm nghề truyền thống ủng hộ kinh phí. Đến nay, công trình đã xây dựng xong đang trong giai đoạn hoàn thiện; đây sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ và quảng bá sản phẩm cho du khách mỗi khi về Tiên Sơn.

Làm giàu trên đất đồng chiêm

Nhận thấy nếu chỉ gieo trồng cây lúa hiệu quả kinh tế không cao, năm 2014, CCB Trần  Đức Mạnh, thôn An Tâm, xã An Ninh, huyện Bình Lục đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn và trồng cây ăn quả với diện tích 1.200m2. Từ năm 2015 việc chăn nuôi thuận lợi do giá lợn hơi cao, không có dịch bệnh mỗi năm CCB Trần Đức Mạnh xuất chuồng từ 2 đến 3 lứa lợn với khoảng từ 80 – 100 tấn lợn hơi, thu lãi từ 250 – 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian từ năm 2016 đến năm 2018, do giá lợn hơi trên thị trường biến động xuống thấp, dịch lở mồm long móng và dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến các hộ chăn nuôi. Có thể nói, đây là khoảng thời gian mà người chăn nuôi lợn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều trang trại nuôi lợn bị phá sản. Gia đình CCB Trần Đức Mạnh trong thời gian này cũng gặp không ít khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, nhờ chủ động được nguồn vốn và dự tính, dự báo trước được tình hình nên trong thời gian khi dịch bệnh bùng phát, gia đình ông không tái đàn mà thu hẹp quy mô chăn nuôi lợn đồng thời chuyển hướng sang chăn nuôi gà, vịt thương phẩm. Tháng 2/2019 gia đình chuyển hướng đầu tư xây dựng xưởng gỗ lát sàn, sản xuất đồ gỗ gia dụng như giường, tủ, bàn, ghế... vừa xuất khẩu, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân trong xã và các địa phương lân cận. Thu hút thường xuyên 12 lao động là con em của CCB và người dân địa phương vào làm việc với mức thu nhập từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, trừ chi phí gia đình thu lợi nhuận từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Xưởng sản xuất đồ gỗ gia dụng của gia đình CCB Trần  Đức Mạnh, thôn An Tâm, xã An Ninh, huyện Bình Lục. Ảnh: Lộc Nguyễn

Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, ông tập trung phát triển đàn lợn nái nuôi tại trang trại để lấy nguồn con giống tại chỗ phát triển nuôi lợn thịt. Cùng với đó, ông kết hợp đầu tư mua các đàn lợn đã qua kiểm dịch của các địa phương thuộc các tỉnh phía Nam về nuôi tại trang trại với thời gian nuôi ngắn từ 30 - 40 ngày rồi suất bán ra thị trường. Bình quân mỗi năm gia đình chăn nuôi từ 4 - 6 lứa lợn quay vòng. Với cách làm trên trong thời gian 3 năm từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2021 ngoài thu nhập ổn định của xưởng gỗ lát sàn, riêng chăn nuôi lợn sau khi khấu trừ chi phí CCB Trần Đức Mạnh thu về từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình ông vẫn tiếp tục duy trì mô hình chăn nuôi vừa phát triển nuôi lợn thịt, lợn giống tại trang trại, kết hợp với kinh doanh lợn thịt. Bình quân 1 tháng xuất ra thị trường khoảng 20 - 25 tấn lợn hơi.

Chia sẻ thành công trong chăn nuôi, CCB Trần Đức Mạnh cho biết: Trong quá trình tổ chức chăn nuôi, gia đình luôn chú trọng công tác vệ sinh môi trường. Định kỳ gia đình đều tổ chức phun khử chuồng trại và tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Chất thải của lợn và nước vệ sinh khi rửa chuồng trại được gia đình thu gom xử lý qua 2 hầm biogas vừa không gây ô nhiễm môi trường xung quanh đồng thời tránh được nguồn gây bệnh cho đàn lợn. Đặc biệt, phải bám sát những dự tính, dự báo về tình hình dịch bệnh, cũng như về giá cả thị trường để có hướng đầu tư phát triển hợp lý.

 Không chỉ chịu khó, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, làm giàu cho gia đình, bản thân ông còn thường xuyên giao lưu với các hộ chăn nuôi trong xã để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những cách làm hay trong chăn nuôi. Đặc biệt, hằng năm, gia đình ông luôn gương mẫu, tích cực tham gia đóng góp kinh phí cho các phong trào của địa phương với số tiền hàng chục triệu đồng.

Có thể khẳng định, từ phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, nhiều CCB đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tháng 1/2025, Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại

Môi trường - Đô Thị  |  17:52 22/12/2024

Dự báo, trong tháng 1/2025, ở Bắc Bộ không khí lạnh có xu hướng hoạt động mạnh, khả năng xuất hiện nhiều ngày rét đậm, rét hại. Nguy cơ kèm theo sương muối và băng giá gây ảnh hưởng lớn đến vật nuôi, cây trồng và sức khỏe của người dân, đặc biệt khu vực vùng núi phía bắc.

Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thành 134/158 nhiệm vụ năm 2024

Môi trường - Đô Thị  |  14:08 22/12/2024

Sáng 22/12, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức tổng kết công tác chuyên môn năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chỉ đạo hội nghị.

Ban CHQS thành phố Phủ Lý gặp mặt gia đình quân nhân

Quốc phòng  |  12:50 22/12/2024

Sáng 22/12, Đảng ủy, Ban CHQS thành phố Phủ Lý tổ chức gặp mặt gia đình quân nhân đang công tác tại đơn vị nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC