Lan tỏa khát vọng làm giàu trong cán bộ hội viên cựu chiến binh

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:24 25/04/2023 Minh Thu
Với phương châm: lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu phát triển, tạo thương hiệu; phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay để thích ứng với những biến động của nền kinh tế thị trường, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã thực sự lan tỏa sâu rộng, khơi dậy ý chí, tinh thần vượt khó làm giàu; thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong mỗi hội viên. Đó chính là nguồn lực quan trọng để hội CCB các cấp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

Từ những chủ trương, định hướng đúng, trúng

Vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; đặc biệt là những thách thức của đại dịch Covid-19, những năm qua hội CCB các cấp trong tỉnh luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “cựu nhưng không cũ”, tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đi vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả. Trên cơ sở bám sát nghị quyết đại hội đại biểu hội CCB các cấp, Thường trực Hội CCB tỉnh đã chủ động tổ chức học tập, nâng cao nhận thức cho hội viên về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và địa phương; xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh và bền vững, vươn lên làm giàu hợp pháp của cán bộ, hội viên.

Hội CCB tỉnh tổ chức lớp tập huấn đào tạo nghề cho hội viên. Ảnh: Nguyễn Xuân

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, vận động hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ nguồn lực và chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương để xây dựng, phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, có năng suất, sản phẩm chất lượng, khả năng cạnh tranh cao, gắn với bảo vệ môi trường; kết hợp phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn. Theo đó, hội đã phối hợp hướng dẫn các doanh nghiệp do CCB làm chủ, tranh thủ thời cơ, môi trường thuận lợi, phát huy lợi thế, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, khoa học và công nghệ, thị trường, sản xuất sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và chương trình vay vốn ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nam; phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường “cựu nhưng không cũ”

 Có thể khẳng định, sau hơn 6 năm (2016-2022) triển khai thực hiện, phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều CCB đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp, tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế của địa phương. Nói như ông Đoàn Minh Tân, Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bảng: Phong trào đã thực sự có sức lan tỏa sâu rộng, khơi dậy ý chí, tinh thần vượt khó làm giàu; thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh trong mỗi hội viên. Với phương châm: lấy chất lượng, hiệu quả làm mục tiêu phát triển, tạo thương hiệu; phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay để thích ứng với những biến động của nền kinh tế thị trường; giúp hội viên nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, tạo việc làm; đóng góp vào an sinh xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo, tri ân đồng đội... Phong trào đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận và đánh giá cao.

Được Hội CCB hỗ trợ CCB Nguyễn Xuân Đô, Chi hội CCB thôn Yên Mỹ, xã  Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên đầu tư nuôi cá lồng cho thu nhập ổn định. Ảnh: Xuân Tuân

Hiện, toàn tỉnh đã xây dựng được 109 mô hình 5+1 (5 hội viên khá, giàu giúp 1 hội viên thoát nghèo); 90 doanh nghiệp vừa và nhỏ do hội viên hội CCB làm chủ, thu hút, giải quyết việc làm cho 2.500 lao động; thành lập được 29 HTX và gần 3.000 tổ hợp tác sản xuất, trang trại, gia trại, cùng hơn 1.200 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại... Thông qua phong trào, nhiều CCB đã vượt khó, năng động, sáng tạo vươn lên làm giàu, thực sự trở thành điểm tựa cho các phong trào thi đua ở địa phương. Điển hình như: CCB Nguyễn Tiến Chức (Thanh Nghị), Phạm Ngọc Nam, Nguyễn Văn Bình (Kiện Khê), Thanh Liêm; CCB Trần Huy Trường, Thôn 1 Đồng Thủy, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân hay CCB Phạm Chí Khang, xóm 4, Đọi Tam, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên... Theo báo cáo đánh giá của Hội CCB tỉnh, hiện toàn tỉnh có 1.191 mô hình CCB được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; trong đó, có 131 hộ cấp tỉnh, 38 hộ cấp trung ương, tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm, tỷ lệ hộ khá, giàu tăng mạnh qua các năm, chiếm gần 70%.

Tiếp tục khơi dậy và lan tỏa ý chí thoát nghèo, làm giàu chính đáng

Đánh giá về kết quả của phong trào, ông Nguyễn Như Phiến, Chủ tịch Hội CCB tỉnh đã có những nhận định: Không chỉ đem lại đời sống khấm khá cho hội viên, phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã có những đóng góp tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, các phong trào thi đua, các cuộc vận động, các chương trình nhân đạo từ thiện... Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào, trên cơ sở quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội VI của Hội CCB Việt Nam, thời gian tới, các cấp hội CCB trong tỉnh cần phát huy vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp, động viên hội viên rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ hiểu biết chính sách, pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Mô hình trang trại  đa canh của CCB Trương Văn Đương, thôn Trung Hiếu Hạ, xã Thanh Hải (Thanh Liêm) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Xuân Lộc

Theo đó, Hội CCB tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo hội cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phổ biến cho hội viên chủ trương, định hướng, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương; kiến thức kinh tế, văn hóa, khoa học, kỹ thuật,... Qua đó, nâng cao nhận thức, năng lực vận dụng của hội viên vào phát triển kinh tế bền vững; khích lệ, động viên hội viên tận dụng thời cơ, phát huy tiềm năng, vượt khó khăn, thách thức, làm giàu chính đáng.

Cùng với việc chú trọng phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh; phát triển mô hình kinh tế gia đình, trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội các cấp tiếp tục tạo điều kiện để hội viên tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm hỗ trợ theo mùa vụ, phục vụ thị trường địa phương, trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức, hướng dẫn hội viên sản xuất theo chuỗi giá trị, nhân rộng mô hình liên kết trong sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa trong nước và quốc tế. Tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi, theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển đa dạng ngành nghề để mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm,... tạo nguồn lực quan trọng để hội CCB các cấp thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của địa phương.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC