Thơ phong trào và phong trào thơ ở Hà Nam qua góc nhìn của nhà thơ Vũ Quần Phương

Văn học - Nghệ thuật 06:27 28/03/2023 Giang Nam
Nhà thơ Vũ Quần Phương có duyên với văn nghệ sỹ Hà Nam bấy lâu nay. Trong một số lần về Hà Nam nói chuyện về thơ, ông rất thẳng thắn nói rằng: “Người làm thơ Hà Nam hôm nay phải coi chuyện thưởng thức cái hay cái đẹp của văn chương là nhiệm vụ của mình. Nghĩa là, các câu lạc bộ phải hướng tới việc đào tạo đội ngũ thưởng thức văn chương, đào tạo độc giả rồi hãy nghĩ đến việc đào tạo tác giả”. Thơ ra đời theo tháng, theo tuần, tạo thành phong trào làm thơ của người cao tuổi. Nhưng tỷ lệ nghịch với số lượng thơ là chất lượng thơ chưa thực sự có gì nổi trội…

Đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng nhà thơ Vũ Quần Phương, tác giả của những câu thơ nổi tiếng “Áo đỏ em đi giữa phố đông/ Cây xanh như cũng ánh theo hồng/ Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh đứng thành tro em biết không?”… vẫn xuất hiện đều ở các diễn đàn thơ, văn học nghệ thuật lớn. Vài lần ông về Hà Nam, nói chuyện về thơ ca, phong trào văn học nghệ thuật. Nhìn quanh thấy toàn những người cao tuổi, ông nói “Thơ thì không có tuổi, nhưng người làm thơ đều đã có tuổi…”. Thế mà thơ tình của các cụ nhiều lắm. Cũng vật vã yêu đương trên trời dưới biển. Cũng trăng, sao, mây núi dập dờn trong chiêm bao và đời thực. Đời sống thi ca của các tác giả Hà Nam thể hiện qua những tập thơ mới xuất bản dồi dào, phong phú. Bước lên diễn đàn thơ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Hà Nam, nhà thơ Vũ Quần Phương nói: “Tôi định cà khịa với các bạn! Các bạn bảo thơ của ta phát triển, tôi bảo chưa có thời kỳ nào nước ta chỉ bán sách chứ không bán thơ như bây giờ. Là vì, in thơ ra, bán không được, đem cho. Rồi thành ra người ta bảo: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ”. Như thế này thì nền thơ phát triển hay không phát triển đây? Các cụ làm thơ được, rất đáng hoan nghênh! Nhưng các cụ thưởng thức thơ, đọc thơ thì ít lắm…”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương nói chuyện, trao đổi với hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam về thơ.

Câu chuyện về thơ, phong trào thơ, chất lượng thơ từ đây… Nhà thơ Vũ Quần Phương nói rằng, muốn làm được thơ thì phải học cách thưởng thức thơ đã. Như ông, vốn xuất thân là một bác sỹ, năm 30 tuổi ông chuyển hướng sang nghiên cứu văn chương, rồi làm thơ. Đến bây giờ mới có những bài thơ được độc giả nhớ đến. Ông phải bỏ cả sự nghiệp y học của mình để dấn thân vào lĩnh vực “cơm áo chẳng đùa với khách thơ”.

Hiện nay, ở Hà Nam có hàng chục câu lạc bộ thơ ra đời và tồn tại, mừng lắm. Nhà thơ Vũ Quần Phương khẳng định: “Đất Hà Nam là đất văn chương, nơi có bề dày văn hóa truyền thống, với những di tích lịch sử lâu đời, gắn liền với sự tồn tại và phát triển văn hóa, con người Hà Nam từng thời kỳ; nơi có những danh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật…Cho nên, việc các câu lạc bộ thơ ra đời và phát triển cũng là xuất phát từ mạch nguồn, truyền thống ấy”. Và, thơ phát triển theo năm tháng, theo phong trào. Mỗi địa phương có một vài câu lạc bộ thơ ca. Mỗi năm, ai có tiền sẽ in thơ mình rồi đem tặng.

Nhưng sự thật, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: “Người ta chỉ đọc thơ mình chứ không đọc thơ người khác. Thành ra mới có chuyện anh tặng thơ cho người ta, người ta cầm để đó, bỏ đó chứ nào có biết anh viết gì đâu mà góp ý, mà sửa cho nhau. Thông thường, nếu đã yêu thơ, hiểu thơ, khi nghe người khác đọc thơ, hoặc được tặng thơ anh phải đọc thì anh mới biết nó hay thế nào, dở thế nào”.

Thế mới có chuyện, tại diễn đàn Hội thảo nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” tổ chức tại Tam Chúc - Hà Nam vào những ngày cuối năm 2022, nhà thơ Vũ Quần Phương đã thốt lên “Bóng đá thật kỳ diệu, còn thi ca thì kỳ lạ”. Ở vùng đất Hà Nam nổi tiếng thi ca này, năm nào chẳng có hội viên Hội VHNT được giải thơ, văn của các hội chuyên ngành.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thẳng thắn chia sẻ: Cần đổi mới hoạt động các câu lạc bộ thơ, trong giao lưu cần trao đổi, đọc thơ của nhau, bình thơ của nhau thì mới khá được. Người làm thơ hôm nay phải coi chuyện thưởng thức cái hay cái đẹp của văn chương là nhiệm vụ của mình. Nghĩa là, các câu lạc bộ phải hướng tới việc đào tạo đội ngũ thưởng thức văn chương, đào tạo độc giả rồi hãy nghĩ đến việc đào tạo tác giả. Tôi đây, phải bỏ nghề bác sỹ từ năm tôi 30 tuổi. Cả đời tôi học hỏi, cống hiến cho VHNT tôi mới làm được văn chương! Trong số những người làm thơ ở các câu lạc bộ thơ hiện nay, nhiều người từng là cán bộ, lãnh đạo trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, quân đội… nghỉ hưu. Thơ là đời, là tiếng lòng bật lên nhờ cảm xúc dâng trào. Nhưng để nó đúng khuôn, đúng mẫu, đúng thể thức, giọng điệu của nó, người làm thơ phải hiểu những điều cơ bản về luật lệ, ngôn ngữ, thi pháp.

Điều mà nhà thơ Vũ Quần Phương muốn gửi gắm ở đây chính là chất lượng phong trào. Muốn phong trào tốt phải có nhân tố, có hạt nhân tốt. Muốn có hạt nhân tốt phải đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm, phát huy. Ngoài các trại sáng tác do các hội địa phương tổ chức dành cho các hội viên, các câu lạc bộ cần tổ chức những hoạt động thiết thực nâng cao năng lực của thành viên. Không nhất thiết ai vào câu lạc bộ cũng phải làm được thơ. Nhà thơ Phạm Lê trước đây từng nói, nếu không làm được thơ thì làm người thưởng thức thơ cũng giá trị lắm chứ! Bởi vì, muốn thưởng thức được thơ phải có trình độ, có năng khiếu, có nhận thức cơ bản về nghệ thuật thơ ca. Trở lại câu chuyện làm thơ làm phong trào, người làm thơ nghĩ đơn giản gieo mấy vần thôi cũng thành thơ. Có tứ đấy, nhưng không có vần, có điệu, có cấu trúc thơ thì đọc cũng chẳng ra gì.

Mong rằng, phong trào thơ ca Hà Nam tiếp tục phát triển xứng với mạch nguồn và truyền thống văn hóa của vùng đất này, chứ không phải là phát triển những nhà thơ, câu lạc bộ thơ phong trào để dần dần làm mất đi vẻ lấp lánh, đẹp đẽ của thi ca.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên

Người đại biểu nhân dân  |  19:23 02/12/2024

Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn đoạt giải Nhất Cuộc thi “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024

Văn học - Nghệ thuật  |  17:08 02/12/2024

Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.

Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng ngành Tòa án tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Chính trị  |  16:11 02/12/2024

Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC