Cuộc sống đổi mới, tư duy đổi mới. Cùng với hàng loạt các chủ trương về phát triển đô thị, thực hiện đô thị hóa, về sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính, nhiều làng quê vốn mộc mạc, chân chất qua nhiều thế kỷ nay bỗng như có một phép nhiệm màu làm thay đổi một cách nhanh chóng về cả diện mạo và phong thái bấy lâu. Làng rũ bỏ “chiếc áo nâu” cũ kỹ, để khoác lên mình “bộ cánh mới”, cách tân và hiện đại hơn. Nhiều làng quê đã trở thành một phần của phố thị.
Người dân trong làng “bung” ra tìm mọi cách làm ăn. Người mở cửa hàng buôn bán, làm dịch vụ; người chạy chợ; người vào công ty; lại có người dân quê đi làm giúp việc, trông trẻ đến cả tháng, thậm chí vài tháng mới về thăm nhà. Cũng nhìn thấy rõ, khi kinh tế phát triển, có đồng ra, đồng vào, nhà nào cũng muốn cuộc sống được cải thiện. Nhà tranh, nhà cấp bốn lụp xụp được thay bằng nhà mái bằng, nhà cao tầng khang trang, kiên cố. Trước đây, cả làng chỉ có 1-2 nhà khá giả mới sắm được ti vi, đài cát-sét. Vậy mà giờ đây, hầu như các nhà trong làng đều đã có các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Nhiều nhà có xe máy “xịn”, thậm chí có nhà còn sắm được cả ô tô con và cứ thứ bảy, chủ nhật, cả nhà lại đánh xe vi vu lên phố ăn uống, mua sắm… Rồi đường làng, ngõ xóm được “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hết cảnh đường đất ngập ngụa, lầy lội. Đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi được trải đến tận cổng nhà, việc đi lại thật thuận tiện.
Cũng như nhiều vùng quê khác, trước đây quê tôi cũng đơn sơ, bình dị với lũy tre, mái đình, giếng nước đầu làng; với con đường làng bằng gạch đỏ xếp nghiêng, nhẵn mòn theo năm tháng; với những nếp nhà ngõ trước, ngõ sau chẳng cách trở; với những con người chân chất, gần gũi… Cuộc sống thay đổi, nếp sống, nếp nghĩ của con người từ khi làng và xã xây dựng thành công nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, những thứ vốn thuộc về thôn quê cũng dần có những thay đổi.
Ông bà tôi cũng như thế hệ những ông già, bà cả thuở làng chưa lên phố bất chợt như thấy mình trở nên lạc lõng trong một “thế giới” mới. Trong làng, cũng vẫn là anh em họ hàng, nhìn đâu cũng là người nhà và những mối quan hệ dòng tộc dây mơ rễ má, vậy nhưng chẳng còn quá gần gũi được như xưa. Nhà vẫn liền nhau, có nhà vẫn chung ngõ nhưng giờ bị ngăn cách bởi những bức tường gạch cao ngập đầu người. Những bức rào tre, giậu dâm bụt với những sợi tơ hồng vương giăng đã trở thành dĩ vãng. Thành ra, “gần nhà mà xa ngõ”, khiến việc đến thăm nom, trò chuyện với nhau không còn được như xưa.
Người làng đã ít nhiều ảnh hưởng cách sống của phố thị, cũng vội vàng, cũng tất bật hơn. Ngay cả trong gia đình, thời gian ngồi chơi, nói chuyện của ông bà, bố mẹ, con cháu cũng dần ít hơn, chỉ gói gọn trong bữa cơm, rồi ai về phòng người đó, ai cũng có việc riêng phải làm. Người già thường cả nghĩ, ông bà hay chép miệng thở dài, than cuồng chân cẳng, than có ấm chè xanh mới hãm ngon quá mà không biết mời ai uống cùng, ca cẩm chả biết có đau ốm gì không mà lâu không thấy ông này, bà nọ sang chơi…
“Làng lên phố”, “làng thành phố”, dù vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, còn những thói tục đầy tính làng xã, nhưng ngày càng chịu ảnh hưởng và mang nhiều dáng dấp của phố thị. Ai đó đi xa lâu ngày nay trở về thăm quê, chắc không quá ngỡ ngàng với sự thay đổi nhanh của làng, nhưng ắt trong lòng cũng có chút bâng khuâng, nhung nhớ. Bởi sâu thẳm trong tâm hồn, trong trái tim mỗi người hình ảnh làng quê bình yên, đầm ấm của cảnh vật, sự giản dị, gần gũi và hồn hậu của con người chẳng bao giờ phai nhạt. Họ vui vì quê hương đổi mới, vì cuộc sống đã thay da đổi thịt, người dân quê cũng năng động, nhạy bén. Nhưng niềm vui chợt chùng xuống khi giờ đây nếp quê ở một nơi gọi là làng trong phố giờ đã phôi pha ít nhiều…
Năm 2024, nhờ thực hiện tốt chính sách tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, quản lý các tổ chức dịch vụ việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 29.000 người, vượt 15,7% kế hoạch, trong đó có gần 13.000 lao động nữ.
Sáng 29/12, nhân dịp Năm mới 2025 và hướng tới Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng là những mục tiêu Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hà Nam đã và đang thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.