Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, trên thực tế, hầu hết văn bằng, chứng chỉ đã được cấp đúng quy định, được sử dụng đúng mục đích trong quá trình học tập, làm việc của người được cấp văn bằng, chứng chỉ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả cũng như làm giả văn bằng, chứng chỉ, phôi văn bằng, chứng chỉ.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, hàng năm trong chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của năm học và các hội nghị, tập huấn về quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đều nhấn mạnh việc phải quản lý chặt chẽ văn bằng, chứng chỉ.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác minh, xử lý các vụ việc liên quan đến làm giả văn bằng, chứng chỉ.
Bộ GD&ĐT đã tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/1/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (được sửa đổi bởi Nghị định số 127/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021), trong đó có quy định về xử phạt vi phạm về làm giả, mua bán văn bằng, chứng chỉ.
Theo đó, đã tăng mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật; bổ sung chế tài về buộc hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ đối với hành vi cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ không đúng quy định của pháp luật.
Công khai thông tin văn bằng, chứng chỉ Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản quy định mẫu văn bằng, chứng chỉ; rà soát, sửa đổi và ban hành Quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ (Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT); đối với chứng chỉ ngoại ngữ, đã cho dừng việc cấp chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C và thay bằng việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam để quản lý chặt chẽ hơn nội dung này.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong việc cấp phát văn bằng, chứng chỉ; xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức của ngành sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, văn bằng không hợp pháp...
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bằng, chứng chỉ; xây dựng phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ.
Quy định các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng chứng chỉ phải công khai thông tin văn bằng, chứng chỉ lên trang thông tin điện tử giúp các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc xác minh văn bằng, chứng chỉ, coi đây là giải pháp cơ bản, quan trọng để khắc phục tình trạng mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Văn bằng, chứng chỉ được dán tem chống giả Đối với việc quản lý, cấp phôi văn bằng, chứng chỉ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, đối với các cơ sở giáo dục đại học, thực hiện Luật Giáo dục đại học 2018, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ in, quản lý, cấp phát, sử dụng phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ cho các cơ sở giáo dục đại học, đồng thời chịu trách nhiệm về các biện pháp chống làm giả văn bằng, chứng chỉ, báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD&ĐT, cơ quan chủ quản và công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trước khi sử dụng.
Đối với các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục do Sở GD&ĐT quản lý, Bộ GD&ĐT cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ theo số lượng do các cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ đăng ký (trên cơ sở số liệu báo cáo đầy đủ các thông tin về số lượng người học tốt nghiệp, cấp chứng chỉ đã được phê duyệt và minh chứng kèm theo; số lượng phôi bằng đề nghị cấp; số lượng phôi đã được cấp đợt trước, số lượng phôi đã sử dụng để cấp cho người học; số lượng phôi phải hủy do ghi sai nội dung; số lượng phôi bị hư hỏng, bị mất trong quá trình bảo quản, lưu trữ).
Các phôi văn bằng, chứng chỉ do Bộ GD&ĐT phát hành đều được dán tem bảo hiểm chống giả; toàn bộ hồ sơ cấp phát phôi văn bằng, chứng chỉ được lưu trữ tại kho lưu trữ của Bộ, phục vụ hiệu quả cho việc xác minh.
Sáng 27/12, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/7/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Chiều 26/12, Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC) khu vực Bắc Bộ đã tổ chức chi trả quyền lợi bảo hiểm tai nạn và sức khỏe con người – BIC Bình An cho thân nhân khách hàng N.T.A tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) Hà Nam.
Với những kết quả đã đạt được, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.