Thị trường hàng hóa ổn định sau Tết

Thương mại - Dịch vụ 06:18 08/02/2023 Nguyễn Oanh
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đời sống sinh hoạt, nhu cầu mua sắm của người dân trở lại nhịp sống bình thường. Thị trường tiêu dùng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến do nguồn cung được bảo đảm.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công thương, tình hình thị trường Tết năm nay cơ bản ổn định, hầu hết các mặt hàng không có sự biến động lớn. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai nhiều chương trình khuyến mại, chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú về chủng loại và số lượng nhằm kích cầu người dân mua sắm hàng hóa dịp Tết. Trước đó, để giữ ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là một số mặt hàng thiết yếu, Sở Công thương đã triển khai thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tổ chức đón Tết Quý Mão 2023. Theo đó, trong suốt dịp Tết Nguyên đán, sở đã theo dõi sát diễn biến thị trường, tình hình cung-cầu hàng hóa, dịch vụ, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo đảm ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp Tết.

Cùng với đó, đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối lớn trên địa bàn tỉnh tăng cường dự trữ hàng hóa với số lượng tăng 30% so với dịp Tết Nguyên đán 2022. Các mặt hàng dự trữ gồm gạo tẻ, gạo nếp, thịt lợn, thịt bò, bánh, kẹo, nước giải khát, dầu thực vật, muối, rau, củ, quả, trái cây... Trong kỳ nghỉ Tết, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với lĩnh vực giá, chất lượng sản phẩm, việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, kinh doanh xăng dầu và hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Nhờ đó, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh dịp trước, trong và sau Tết cơ bản ổn định, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Vinmart, Trung tâm thương mại Vincom, thành phố Phủ Lý.

Qua tìm hiểu thực tế tại một số chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Phủ Lý, như chợ Bầu và chợ các phường Châu Sơn, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo… cho thấy, từ sáng mùng 2 Tết, các mặt hàng rau xanh, củ, quả và thủy, hải sản đã được nhiều tiểu thương bày bán trở lại và rất “hút” khách. Ngoài ra, theo phong tục truyền thống, người dân thường đi lễ dịp đầu năm mới nên các mặt hàng, như hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ việc đi lễ cũng được nhiều người tìm mua. So với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023, các loại thực phẩm công nghệ, như đường, muối, bột ngọt, sữa… không tăng giá trong những ngày đầu năm mới. Giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò, thủy hải sản, rau, củ, quả các loại có sự tăng giá nhẹ với mức tăng từ 5-15% (tuỳ mặt hàng).

Tuy nhiên, từ khoảng mồng 6 tháng Giêng, giá bán hầu hết các mặt hàng này đều đã giảm dần và hiện đang giữ ổn định so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Cụ thể, hiện giá thịt lợn nạc dao động từ 100-110 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ từ 115-125 nghìn đồng/kg, thịt bò loại 1 giá từ 250-260 nghìn đồng/kg; thịt gà công nghiệp làm sẵn giá 65-70 nghìn đồng/kg; cá trắm, cá chép có giá 60-70 nghìn đồng/kg, tôm có giá 350-450 nghìn đồng/kg…

Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, các chợ đều chủ động phương án về nguồn hàng, bảo đảm hoạt động kiểm tra, niêm yết giá, an toàn vệ sinh thực phẩm cho thị trường sau Tết. Chị Lại Thị Yến, một tiểu thương kinh doanh mặt hàng thủy, hải sản tại chợ Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) cho biết: Sau Tết, số tiểu thương trở lại kinh doanh tại các chợ chưa nhiều, trong khi đó, người dân thường có xu hướng mua mặt hàng thủy, hải sản để cải thiện bữa ăn cho gia đình. Vì vậy, đối với các loại thủy, hải sản từ mùng 2 đến mùng 6 Tết, giá bán tăng 10-15% so với thời điểm trước Tết. Trong đó, cá chép, cá trắm tăng từ 60 lên 70 nghìn đồng/kg; tôm loại trên 30 con/kg tăng từ 350 lên 420 nghìn đồng/kg… Thời điểm này, giá bán đã cơ bản ổn định so với thời điểm trong năm.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2023, phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại phục vụ khách hàng đến hết ngày 30 Tết và mở cửa trở lại từ ngày mùng 4 Tết. Theo đại diện các siêu thị, trung tâm thương mại, sức mua những ngày sau Tết không cao, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng thực phẩm, rau, củ, quả. Các siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng bảo đảm cho thị trường sau Tết, cũng như tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mại, kích cầu sau thời gian nghỉ Tết.

Ông Cao Minh Dương, Quản lý hệ thống siêu thị Vinmart+ tại Hà Nam cho biết: Các cửa hàng của Vinmart+ mở cửa bán hàng trở lại từ mùng 4 Tết. Siêu thị cũng đã nhập hàng mới về bán sau kỳ nghỉ Tết, đồng thời triển khai chương trình khuyến mại mới cho dịp đầu năm áp dụng từ ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 1/2 dương lịch). Về cơ bản, giá cả các mặt hàng, nhất là mặt hàng thiết yếu vẫn giữ ở mức ổn định, không có sự biến động so với ngày thường trong năm.

Có thể thấy, trong dịp Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để chuẩn bị nguồn hàng hóa đa dạng, phong phú. Giá cả các mặt hàng được giữ vững ổn định chính là tín hiệu vui trong việc bình ổn thị trường. Có được những kết quả đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp đầu cơ găm hàng, tăng giá đột biến và vi phạm về buôn bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, sự hưởng ứng của doanh nghiệp, đơn vị phân phối hàng hóa trong việc tham gia chương trình dự trữ, bình ổn thị trường, còn có sự đóng góp của chính người tiêu dùng. Thói quen mua sắm của người dân đã thay đổi tích cực, không còn tâm lý mua hàng tích trữ trong dịp Tết đến, Xuân về khiến hàng hóa bị khan hiếm cục bộ dẫn đến tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá bán lên cao như những năm trước đây. 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Gần 29.000 người được giải quyết việc làm mới năm 2024

Lao động - Việc làm  |  18:17 29/12/2024

Năm 2024, nhờ thực hiện tốt chính sách tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, quản lý các tổ chức dịch vụ việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 29.000 người, vượt 15,7% kế hoạch, trong  đó có gần 13.000 lao động nữ.

Tổng Bí thư Tô Lâm dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nghệ An

Chính trị  |  18:05 29/12/2024

 Sáng 29/12, nhân dịp Năm mới 2025 và hướng tới Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn công tác Trung ương đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An).

Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Nam đẩy mạnh chuyển đổi số

Tài chính - Ngân hàng  |  17:20 29/12/2024

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho khách hàng là những mục tiêu Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Hà Nam đã và đang thực hiện nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý và tăng trưởng nguồn vốn tín dụng chính sách.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC