Nông dân thời 4.0 & khát vọng làm giàu

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:35 19/01/2023 Minh Thu
Với khát vọng làm giàu ngay trên chính mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, rất nhiều nông dân Hà Nam đã thay đổi tư duy, nền nếp làm ăn cũ để tìm kiếm cho mình cơ hội phát triển mới.

“Vạn sự khởi đầu nan”- rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, nhưng với tư duy mới, ý chí làm giàu, cộng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và hội nông dân các cấp, sự vận dụng linh hoạt các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nhiều nông dân đã khởi nghiệp thành công và trở thành nguồn lực quan trọng góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn ở Hà Nam.

Rời phố về quê làm nông dân

Đó là câu chuyện của chị Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Nam       (Hanamilk), xã Mộc Nam (Duy Tiên). Một trong số những nông dân tiêu biểu của Hà Nam thuộc thế hệ 8X, một phụ nữ mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám đánh đổi cuộc sống ổn định ở thành phố để về quê thực hiện ước mơ của mình.

Chị Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nam, xã Mộc Nam (Duy Tiên).

Được biết, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, có một việc làm và thu nhập ổn định cùng một gia đình nhỏ hạnh phúc ở Hà Nội nhưng chị lại lựa chọn “rời phố về quê” để khởi nghiệp với mong muốn góp phần tạo thêm sinh kế cho người nông dân và xây dựng nên những giá trị tốt đẹp hơn cho gia đình và cộng đồng... Năm 2014, chị chính thức bắt tay vào thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa, biến ước mơ thành hiện thực và chị chính là một trong những người nông dân đầu tiên của tỉnh đăng ký tham gia thực hiện dự án với tổng diện tích được giao là 6 ha. Thời điểm đầu khởi nghiệp, bản thân chị cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn, ngoài nhu cầu vốn đầu tư lớn thì kỹ thuật chăm sóc và chăn nuôi bò sữa thực sự là một thử thách lớn. Dù đã tự học hỏi rất nhiều nhưng do chưa có kinh nghiệm nên 2-3 năm đầu việc chăn nuôi bò sữa thực sự khó khăn, bò ốm chết, sữa sản xuất ra bị hỏng phải bỏ đi nhiều.

Dây chuyền sản xuất sữa chua nếp cẩm với thương hiệu Hanamilk của Công ty cổ phần Sữa Hà Nam.

Chị Trần Thị Thanh Thoan chia sẻ: Là người đi sau, kinh nghiệm chăn nuôi cũng như kinh nghiệm thương trường còn hạn chế, nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, sự quyết tâm của bản thân thì rất dễ bỏ cuộc. Với nhiệt huyết và quyết tâm của bản thân, sự đồng cam cộng khổ của người lao động trong công ty, sau gần 10 năm gắn bó với bò sữa, vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức, chị đã thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo dựng nên thương hiệu Hanamilk, tạo sinh kế cho nhiều lao động địa phương và lan tỏa những giá trị tích cực tới cộng đồng. Năm 2019, công ty đã có 3 sản phẩm được công nhận OCOP, đều xếp hạng 4 sao cấp tỉnh, gồm: Sữa chua nếp cẩm, sữa chua và sữa tươi thanh trùng. Các sản phẩm này đều được chế biến từ nguồn sữa bò tươi trong trang trại bò sữa của doanh nghiệp tại Khu trang trại bò sữa kiểu mẫu (Công ty TNHH FrieslandCampina Hà Nam) thuộc xã Mộc Bắc. Đây chính là cơ sở quan trọng để doanh nghiệp của chị tiếp tục phát triển và tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hiện nay, sản phẩm sữa Hanamilk đã có mặt tại trên 300 hệ thống siêu thị, cửa hàng khắp các tỉnh thành khu vực miền Bắc và miền Trung. Vào những tháng cao điểm, công ty cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn/ngày. Theo chị Thoan, thời gian tới, công ty sẽ vẫn tiếp tục nâng cao chất lượng các dòng sản phẩm để duy trì và mở rộng thị phần.

“Có chí làm quan, có gan làm giàu”

Nếu như chị Trần Thị Thanh Thoan lựa chọn chăn nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn VietGAP để thực hiện giấc mơ lớn của bản thân thì anh Nguyễn Trọng Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) lại mạo hiểm chọn mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo để khởi nghiệp. Xuất phát điểm là một kỹ sư xây dựng, nhưng vì gánh nặng mưu sinh, năm 2010, anh quyết định từ bỏ công việc của một kỹ sư xây dựng sang Hàn Quốc làm kinh tế. Tại đó, anh được phân công vào làm ở một công ty chuyên sản xuất các loại nấm, trong đó có sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. Được tiếp xúc với qui trình sản xuất nấm hiện đại, là người ưa học hỏi và nhanh nhạy, anh đã nhanh chóng nắm được qui trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo. Năm 2015, hết hợp đồng lao động, anh về nước, sau khi nghiên cứu, nắm bắt được nhu cầu và xu hướng của thị trường trong nước, đầu năm 2016, được sự ủng hộ của gia đình, anh quyết định khởi nghiệp bằng dự án đầu tư sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại xã Công Lý. Với số vốn tích lũy được hơn 1 tỷ đồng, anh đầu tư xây dựng nhà xưởng, nhập máy móc thiết bị phục vụ việc nuôi cấy giống nấm nhập từ nước ngoài về.

Chị Đỗ Thị Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức, xã Công Lý, huyện Lý Nhân (người bên trái ảnh) kiểm tra sản phẩm tại phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo.

Mặc dù, đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm về nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo sau những năm làm việc ở Hàn Quốc, cộng với những kiến thức học hỏi bên Thái Lan và một số cơ sở sản xuất trong nước, nhưng thời điểm mới đầu tư, việc nuôi cấy và trồng nấm của anh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thấy được sự quyết tâm của chồng, năm 2017, chị Đỗ Thị Phương, vợ anh đã quyết định từ bỏ công việc dạy học để cùng anh nuôi dưỡng khát vọng làm giàu. “Thuận vợ thuận chồng tát Biển Đông cũng cạn”, những khó khăn ban đầu đã từng bước được tháo gỡ. Sản phẩm đạt chất lượng cao, giá cả hợp lý nên đã nhanh chóng được người tiêu dùng lựa chọn. Sau khi sản xuất đi vào ổn định, cùng với việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm, lĩnh vực marketing cũng được công ty đặc biệt quan tâm. Nhiều hoạt động truyền thông, chăm sóc khách hàng, tư vấn giới thiệu sản phẩm, xây dựng website đã được thực hiện một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.

Với những nỗ lực đó, năm 2018, sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, hệ thống đại lý bắt đầu hình thành tại nhiều địa phương trong tỉnh và vươn tới một số thị trường lớn, như: Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Bắc Ninh… Năm 2019, công ty đã đạt giải Nhất trong cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hà Nam lần thứ nhất và có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Asia năm 2019 tại Singapore với chủ đề “Hợp tác thương mại Việt Nam - Singapore”. Năm 2020, sản phẩm trà đông trùng hạ thảo của công ty đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao. Năm 2021, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tặng Bằng khen cho cá nhân anh Nguyễn Trọng Bằng vì có thành tích trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, sản phẩm đông trùng hạ  thảo của Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức đã được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2022.

Theo chia sẻ của chị Đỗ Thị Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Dược thảo Minh Đức, sau hai năm nỗ lực vượt khó, vững vàng bước qua đại dịch Covid-19, sản phẩm của công ty đã tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với doanh số bình quân đạt khoảng 400-500 triệu đồng/tháng. Năm 2023, tiếp tục với mục tiêu đa dạng hóa các loại sản phẩm, mở rộng đối tượng, hướng tới người tiêu dùng có thu nhập trung bình, công ty sẽ tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ vào qui trình sản xuất, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, áp dụng chính sách tặng sản phẩm cho khách hàng nhằm tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.

Dám nghĩ, dám làm - biến ước mơ thành hiện thực

Sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nghiệp, trước khi tham gia phát triển kinh tế tại địa phương, anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch  Bảo An (Vĩnh Trụ, Lý Nhân) vốn làm nghề lái xe tải chuyên chở hàng hóa ở Đà Lạt. Cuộc sống của người lao động làm thuê ở nơi đất khách quê người khó khăn vô cùng, làm hết tâm sức cũng chỉ đủ trang trải những chi tiêu sinh hoạt tối thiểu trong cuộc sống. Vì vậy, sau rất nhiều lần đấu tranh tư tưởng, anh đã mạnh dạn từ bỏ công việc cũ để về quê lập nghiệp. Năm 2012, được sự hỗ trợ của gia đình, anh Hiếu đã đứng ra thuê lại đất ruộng của hơn chục hộ gia đình anh em làng xóm với tổng diện tích 3 mẫu rồi tiến hành cải tạo, quy hoạch trồng cây dong, đao, ớt, gấc. Bắt đầu khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, mọi thứ đối với anh đều rất mới mẻ, khó khăn, thậm chí có cả thất bại, nhưng anh không nản lòng, tiếp tục vừa làm, vừa học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Anh Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An (Vĩnh Trụ, Lý Nhân) kiểm tra sản phẩm trước khi xuất hàng.

Sau 3 năm gây dựng, với sự kiên trì, quyết tâm, chịu khó tìm tòi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu của thị trường... anh Hiếu đã gặt hái được những thành công ban đầu. Mô hình trang trại trồng cây ăn quả, cây cảnh của anh ngày càng mở rộng và phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đồng thời tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên với mức thu nhập 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.

Từ thực tế sản xuất, qua tìm hiểu và nắm bắt được tâm lý cũng như nhu cầu nông sản sạch của người tiêu dùng ngày càng cao, trên cơ sở nền tảng đã có, anh đã vận động các thành viên tham gia góp đất để thành lập HTX kiểu mới, tạo thành quy mô sản xuất lớn, bỏ lối canh tác cũ truyền thống, lạc hậu, manh mún, tiến đến một nền nông nghiệp công nghệ cao để có chỗ đứng trên thị trường và được thị trường chấp nhận.

Chính vì thế, giữa năm 2018, HTX Nông sản sạch Bảo An đã được thành lập. Anh Hiếu được tập thể HTX tin tưởng đề bạt vị trí Giám đốc HTX. Với qui trình sản xuất an toàn, sản phẩm nông sản của anh đã dễ dàng tiếp cận được với các thị trường lớn. Hiện, ngoài lượng nông sản sạch cung cấp cho các cửa hàng rau sạch trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận, như: Ninh Bình, Nam Định và Thành phố Hà Nội, HTX Nông sản sạch Bảo An đã ký hợp đồng với Công ty VinEco là công ty chuyên cung cấp rau vào hệ thống VinMart, mở ra một hướng đi ổn định cho các thành viên trong HTX và mang lại thu nhập ổn định. Hiện tại, ngoài việc liên kết tiêu thụ với các vùng rau an toàn trong tỉnh như: Cát Lại, Hưng Công, Hạ Vĩ… HTX Bảo An đã mở rộng liên kết với các vùng rau an toàn ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc, như: Hà Tĩnh, Mộc Châu (Sơn La)… nâng sản lượng tiêu thụ bình quân hằng tháng lên 70 tấn rau các loại. Vào thời kỳ cao điểm, sản lượng tiêu thụ của HTX đạt tới 120 tấn/tháng. Với uy tín về chất lượng và sản lượng, HTX Nông sản sạch Bảo An là HTX đầu tiên đưa được sản phẩm vào hệ thống siêu thị VinMart với sản lượng lớn, chiếm tới 70% tổng sản lượng tiêu thụ của HTX, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động nông thôn với mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng. 

Với những nỗ lực và đóng góp của bản thân, rất nhiều giấy khen, bằng khen và giải thưởng đã được trao cho cá nhân anh Trần Ngọc Hiếu. Anh xứng đáng là “nông dân trẻ” tiêu biểu dám nghĩ, dám làm, dám bứt phá khỏi tư duy “lũy tre làng” để thực hiện giấc mơ lớn, làm giàu bằng nghề nông.

Thay lời kết

Đây chỉ là ba trong số những nông dân tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi của Hà Nam những năm qua. Thực tế phong trào đã chứng minh, những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Đảng, Nhà nước đã được Hà Nam vận dụng linh hoạt và thiết thực. Nhiều giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được triển khai thực hiện hiệu quả. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường; góp phần nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, hiện cả tỉnh đã xuất hiện trên 46 nghìn hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Rất nhiều thương hiệu nông sản Hà Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên thương trường và được người tiêu dùng đánh giá cao.

Nói như ông Tạ Văn Đạt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của Hà Nam những năm qua đã góp phần quan trọng thay đổi phương thức, tập quán và tư duy sản xuất cũ, nhỏ, lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và xây dựng thương hiệu. Đây chính là tiền đề quan trọng để Hà Nam xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhằm khai thác tối đa tiềm năng thế mạnh của từng vùng, từng địa phương; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo của người nông dân; xây dựng nông dân Hà Nam thực sự là lực lượng nòng cốt trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới./.                              

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC