Với dáng người thư sinh, khuôn mặt khôi ngô, khá tự tin trong giao tiếp, nhìn Phạm Thế Anh chững trạc và trưởng thành hơn so với độ tuổi 14 của em. Rất cởi mở, Thế Anh chia sẻ: Ngay từ nhỏ em đã được bố mẹ cho theo các lớp năng khiếu tại Trung tâm Văn hoá tỉnh Hà Nam. Lúc đó, Thế Anh chủ yếu theo học ở các lớp: Thanh nhạc, Piano, khiêu vũ và hội họa chứ chưa từng làm quen với nhạc cụ dân tộc. Tình cờ vào năm sinh nhật khi em 10 tuổi, bà nội có tặng cho em một cây sáo. Lúc đó, với em nó là một đồ chơi yêu thích. Thế rồi, sau một lần theo bố đến Nhà hát Chèo Hà Nam xem các cô các chú biểu diễn, em thực sự bị cuốn hút bởi những âm hưởng cất lên từ tiếng sáo và cứ thế say sưa nghe các cô chú chơi nhạc.
Về đến nhà, em cũng thử lấy cây sáo ra thổi đủ kiểu mà không thể có được những âm thanh như các cô, các chú nghệ sỹ biểu diễn. Để lý giải câu hỏi vì sao em thổi lại không kêu, ngay ngày hôm sau, em bắt đầu lên youtube để tìm hiểu kỹ thuật chơi sáo trúc. Càng tìm hiểu em càng đam mê và bén duyên với nhạc cụ truyền thống này từ bao giờ không biết… Được biết chỉ sau hai ngày mày mò tìm hiểu và học theo, Thế Anh đã bắt đầu điều khiển được âm thanh từ cây sáo trúc và bài đầu tiên em thổi được đó là “Bèo dạt mây trôi”, bài mà bà nội vẫn ru em ngủ lúc nhỏ nên em muốn học để thổi tặng bà. Cũng qua youtube mà em được các thầy Mão, thầy Hoàng Anh, thầy Đinh Linh và đặc biệt là thầy Bùi Công Thơm, giảng viên sáo trúc của Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam hướng dẫn, giúp đỡ và chỉ bảo tận tình. Mặc dù, học trực tuyến nhưng Thế Anh luôn được các thầy động viên, hỗ trợ trong suốt thời gian đầu chập chững bước chân vào “làng sáo trúc”.
Đến nay, sau gần 4 năm kiên trì tập luyện, những kĩ thuật khó nhất trong sáo như đánh lưỡi kép, kĩ thuật luyến, nhả, rồi các quãng cao em đều xử lý khá thành thạo. Những bài được coi là khó trong sáo trúc như: Trên đường chiến thắng, Lý hoài Nam, Anh vẫn hành quân…em đã rất tự tin khi biểu diễn. Con đường nghệ thuật của em cũng khá thuận lợi khi nhận được sự cổ vũ, động viên của gia đình, các thầy cô giáo Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), nơi em đang theo học văn hóa. Ngoài ra, em còn nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các nghệ sỹ, nhạc sỹ của Hà Nam như: Nhạc sỹ Sỹ Thắng, NSƯT Huy Toàn, Nghệ sỹ Hạnh Sáo… những đồng nghiệp của bố em, đạo diễn Phạm Thế Công, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Nam.
Khi được hỏi, những kỷ niệm đáng nhớ nhất khi theo đuổi bộ môn này, Thế Anh vui vẻ cho biết: Đó là năm lớp 6, nhân dịp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường THCS Lê Hồng Phong có tổ chức cuộc thi văn nghệ cấp trường, em được đại diện cho lớp tham gia. Với bài sáo trúc “Giấc mơ trưa” của nhạc sỹ Giáng Son em đã đạt giải Nhất. Đó chính là giải thưởng đầu tiên của em và cũng là động lực quan trọng để em tiếp tục nuôi dưỡng đam mê này…
Theo chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong, Thế Anh là một cậu bé rất ngoan ngoãn, lễ phép và học tốt; đặc biệt, khi biết Thế Anh có năng khiếu chơi sáo trúc nên nhà trường cũng luôn quan tâm tạo điều kiện để em được tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện của tỉnh cũng như tham gia nhiều hội thi, hội diễn trong cả nước.
Đặc biệt, hè năm 2022, khi Thư viện tỉnh Hà Nam dàn dựng chương trình để tham gia Hội thi Cán bộ thư viện giỏi toàn quốc do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, khi vở diễn giới thiệu cuốn sách “Một thời hoa lửa” được xây dựng, Thế Anh đã vinh dự được mời tham gia đóng vai người thiếu niên anh hùng Nguyễn Xuất Hiện…Thế Anh tâm sự: Khi nhận vai, ban đầu em cũng rất lo sợ vì chưa bao giờ tham gia một cuộc thi lớn như thế, lại diễn cùng các nghệ sỹ của Nhà hát Chèo Hà Nam nên rất run, mà vai diễn của em vừa phải múa, diễn kịch và thổi sáo nữa. Nhưng được các cô, các chú của nhà hát quan tâm hướng dẫn, uốn nắn nên em đã hoàn thành vai diễn. Được biết, chương trình của Thư viện tỉnh Hà Nam đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trao giải Nhất toàn đoàn và Thế Anh đã được Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nam trao tặng Giấy khen. Cũng theo cô giáo Hoàng Thị Hiếu, vừa qua, Thế Anh đã được trao giải Đặc biệt khi tham gia cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” cấp thành phố, và giải Nhất cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Hà Nam năm 2022. Tiết mục của em là một trong ba tiết mục được lựa chọn đại diện cho tỉnh Hà Nam tham dự cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc. Là một cậu bé hoạt bát và có nhiều sở trường trong lĩnh vực nghệ thuật nên năm 2022, Thế Anh cũng được chọn làm đại diện của trường tham dự “Hội thi Đại sứ văn hoá đọc” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức và em đã vinh dự được trao 02 giải thưởng, đó là giải “Kịch bản khuyến đọc hay nhất”, và giải Khuyến khích cho phần thi viết…
Chững trạc, tự tin, chỉn chu và rất cầu tiến trong lĩnh vực nghệ thuật, từ khâu luyện tập đến khâu chọn bài. Nếu ai đã từng xem Thế Anh biểu diễn bài độc tấu sáo trúc “Trên đường chiến thắng” của cố nhạc sỹ Đinh Thìn đều có chung một cảm nhận như vậy. Bởi đây là một bản nhạc viết riêng cho sáo trúc, trong bài sử dụng rất nhiều kĩ thuật khó của sáo trúc, yêu cầu người chơi ngoài năng khiếu thì phải có kĩ thuật, có thời gian nhất định đã làm quen với sáo thì mới có thể thể hiện được.
Với một tình yêu âm nhạc rất lớn, lại được thừa hưởng tài năng từ người cha, đạo diễn Phạm Thế Công, tin rằng ước mơ được đứng trên sân khấu lớn để biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và quốc tế của cậu bé Thế Anh (học sinh lớp 8E, Trường THCS Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.