Những năm gần đây, thôn Duyên Hà, xã Phú Phúc (Lý Nhân) nổi tiếng với nghề trồng hoa. Trên diện tích 90 ha đất bãi của thôn, có đến 18 ha (chiếm 20% diện tích) được người dân chuyển đổi sang trồng hoa. Trong đó chủ yếu là hoa huệ, chiếm 80% diện tích; còn lại là các loại hoa: cúc, loa kèn… Sản phẩm hoa của làng Duyên Hà được xuất bán chủ yếu tại thị trường các tỉnh, như: Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên…
Khu đất bãi rộng 1 mẫu của bác Lê Quý Diên, thôn Duyên Hà được chuyển đổi trồng hoa từ cách đây hơn 20 năm. Trên diện tích này, bác Diên lựa chọn trồng toàn bộ hoa huệ vào chính vụ (từ tháng 4 trở đi). Sau khi một phần diện tích trồng huệ thu hoạch xong, vào khoảng tháng 8 bác chuyển sang trồng 4 sào hoa loa kèn. Phần diện tích còn lại, bác tiếp tục thu hoa huệ đến khoảng tháng 12 và để giống huệ cho vụ trồng năm sau. Sản phẩm hoa được bác Diên trực tiếp mang đi bán cho các đại lý tại chợ đầu mối, không qua khâu trung gian nên giá trị thu nhập luôn cao. Bác Diên tâm sự: Trồng hoa không quá vất vả, nặng nhọc, chỉ cần sự cần cù, tỷ mỷ hơn các loại cây trồng khác trong quá trình chăm sóc. Cây hoa đem lại thu nhập chính cho gia đình, tương đương với lương công nhân trẻ đi làm cho doanh nghiệp và hơn nữa là mình được gắn bó với đồng ruộng, quê hương.
Cũng như bác Diên, nhiều gia đình ở thôn Duyên Hà coi trồng hoa là nghề chính. Trên các cánh ruộng, kể cả trong vườn nhà, vào các vụ trồng chính, đâu cũng thấy bóng dáng các loại hoa huệ, cúc, loa kèn… Như hộ anh Lê Quý Viễn, có 8 sào trồng hoa cả trong vườn nhà và trên đất bãi. Để có sản phẩm hoa thu hoạch quanh năm, anh Viễn bố trí trồng 2 sào hoa huệ, 4 sào hoa cúc và 2 sào loa kèn. Trong đó, hoa cúc chủ yếu được trồng để thu vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán. Tuy cây hoa cúc, loa kèn việc chăm sóc đòi hỏi nhiều công, nhưng cho giá trị cao gấp 1,5 – 2 lần hoa huệ… Nghề trồng hoa đem lại nguồn thu chính cho gia đình, giúp anh Viễn có điều kiện xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng trong nhà.
Nghề trồng hoa tại Duyên Hà đã khai thác hiệu quả vùng đất bãi ven sông Hồng. Đối với hoa huệ, mỗi năm người trồng thu bình quân đạt 7 triệu đồng/sào, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận đạt 5,5 triệu đồng. Riêng hoa huệ, người dân chỉ phải đầu tư mua giống vụ đầu tiên, sau đó tự để giống cho những vụ sau. Hoa cúc, loa kèn cho giá trị cao hơn đạt trên 10 triệu đồng/sào/năm, lợi nhuận đạt gấp khoảng 1,5 lần hoa huệ… Được biết, diện tích đất bãi của thôn Duyên Hà trước đây chủ yếu được người dân trồng các cây truyền thống, như: Ngô tẻ lấy hạt, đay, chuối..., cho giá trị kinh tế không cao, giá cả bấp bênh. Nhất là cây đay, sản xuất khá vất vả, ở thời điểm thu hoạch, cần nhiều công lao động chặt cây, bóc vỏ. Vì thế, cây đay được thay thế gần như toàn bộ không còn được trồng trên đất Duyên Hà. Ông Đào Quang Bách, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Phúc cho biết: Cây hoa hiện nay được phát triển tốt, trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân vùng bãi ven sông Hồng. Để phát triển nghề trồng hoa, xã định hướng, quy hoạch vùng trồng và giao cho HTXDVNN bảo đảm tưới, tiêu nước, hỗ trợ người dân sản xuất thuận lợi.
Xuân này làng hoa Duyên Hà có nhiều đổi thay đáng phấn khởi, với những con đường mới trải bê tông khang trang, rộng rãi. Người dân quy hoạch, xây dựng nhà cửa kiên cố. Hộ nghèo cơ bản được xóa, nhiều hộ vươn lên làm giàu với đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt tiện nghi. Theo người dân nơi đây: Có được thành quả hiện nay phần nhiều từ nghề trồng hoa đem lại. Thời gian tới, người dân Duyên Hà sẽ tiếp tục duy trì nghề trồng hoa và hướng đến thử nghiệm đưa thêm một số giống hoa mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.
Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.