Phố đi bộ thực sự trở thành một địa điểm vui chơi cuối tuần đầy háo hức của người dân Phủ Lý nói riêng, người dân trong tỉnh nói chung cũng như khách đến Hà Nam du lịch, làm việc, học tập. Phố đi bộ cũng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển, thỏa mãn đời sống văn hóa tinh thần theo đúng phương châm “người dân tự làm, tự hưởng thụ”.
Mô hình phố đi bộ đã được triển khai ở nhiều thành phố trên toàn quốc và trở thành một sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn. Khi triển khai ở Hà Nam, phố đi bộ không làm những nhà quản lý cũng như người dân thất vọng, mang đến hiệu quả thiết thực, làm phong phú đời sống tinh thần cho người dân.
Anh Nguyễn Trung Kiên, ở tổ 4, Phường Hai Bà Trưng, TP Phủ Lý, đang làm viên chức ở một cơ quan nhà nước cho biết, khi học xong đại học xin được công việc ở tỉnh anh cũng đắn đo mãi mới về vì sợ buồn. Tuy ở trung tâm tỉnh lỵ nhưng Phủ Lý rất ít các hoạt động vui chơi tập trung đông người, tụ tập bạn bè quanh đi quẩn lại chỉ ngồi quán giải khát, cùng lắm thì vào hát karaoke. Mỗi năm chỉ có đêm giao thừa mọi người tập trung ở khu vực Vườn hoa Nam Cao xem bắn pháo hoa, mà có năm bắn, năm không. Vì thế khi phố đi bộ đi vào hoạt động anh và bạn bè, cũng như người nhà, người dân Phủ Lý rất háo hức. Gần như thứ 7 nào anh cũng cùng vài người bạn, có khi là cùng người thân trong gia đình ra phố đi bộ ngắm nghía hàng quán, ăn vặt một vài món, xem các tiết mục văn nghệ... Thong thả dạo phố, anh và mọi người đều có cảm giác thư thái, dễ chịu, thỏa mãn phần nào đời sống tinh thần.
Còn anh Nguyễn Đức Quang, ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm cũng tỏ rõ sự hào hứng với việc TP Phủ Lý mở phố đi bộ. Anh Quang năm nay gần 40 tuổi, đã có gia đình, làm nghề tự do. Anh cho biết ban ngày anh đi làm, buổi tối và ngày nghỉ, ngày lễ cũng rất muốn tìm một chỗ vui chơi để tụ tập bạn bè, cho vợ con đi chơi nhưng khó quá. Vì thế trước đây nếu tụ tập bạn bè quanh đi quẩn lại lại ngồi ăn, uống rượu, hát hò, anh cũng không thích lắm nhưng chẳng còn chỗ nào chơi. Thi thoảng cuối tuần, hay 1/6, Trung thu anh cũng chở vợ con lên Phủ Lý nhưng chỉ vào Tòa nhà Vincom cho con chơi trong khu vui chơi hoặc ra công viên Nguyễn Khuyến một lúc rồi về. Giờ có phố đi bộ anh thường xuyên cho vợ con lên Phủ Lý chơi vào cuối tuần, cả nhà đều rất thích khi được đi dạo trong một không gian hội hè, xem biểu diễn văn nghệ, thưởng thức một vài món ăn đường phố. Cũng có khi anh đi với vài người bạn, thấy rõ là hay hơn rất nhiều, văn minh hơn rất nhiều so với việc tụ tập ngồi uống rượu như trước đây. Phố đi bộ Phủ Lý cũng là điểm đến thường xuyên cuối tuần của sinh viên các trường đại học đóng trên địa bàn tỉnh, khách du lịch, người nơi khác đến làm việc tại Hà Nam.
Khi phố đi bộ được mở, nơi đây cũng trở thành một địa điểm sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cộng đồng đúng nghĩa. Điều này rất quan trọng, vừa giúp cho phố đi bộ trở nên sôi động, hấp dẫn, ý nghĩa, đồng thời thúc đẩy phong trào văn nghệ quần chúng phát triển đúng theo tinh thần “người dân tự làm tự hưởng thụ”. Các đơn vị, tổ chức, hoặc nhóm, hội... đều tích cực tập luyện để có các tiết mục văn nghệ ưng ý nhất, sau đó đăng ký và ban tổ chức sẽ điều tiết để lên lịch bố trí biểu diễn tại phố đi bộ cho phù hợp. Các tiết mục văn nghệ khá đa dạng, có cả hát, khiêu vũ, dân vũ, biểu diễn thời trang... nhưng hầu hết đều có sự tham gia biểu diễn của nhiều người, ở nhiều độ tuổi. Các chị, các bà, các cô thường biểu diễn dân vũ, khiêu vũ thể thao, múa hát tập thể. Thanh niên có những màn nhảy sôi động khuấy động không khí, đúng với tinh thần tuổi trẻ. Trẻ em biểu diễn thời trang, khiêu vũ... Ngoài văn nghệ quần chúng còn có các buổi biểu diễn của những nghệ sỹ chuyên nghiệp về nghệ thuật truyền thống như: hát chèo, hát chầu văn. Các hoạt động trước đây được tổ chức ở không gian hẹp với số lượng người chứng kiến, thưởng thức vừa phải. Nay ở phố đi bộ, các hoạt động diễn ra ở không gian mở ngoài trời, với số lượng người thưởng thức đông, tạo sức lan tỏa lớn hơn rất nhiều. Đặc biệt phố đi bộ còn đón các nghệ sỹ quốc tế đến biểu diễn trong Carnaval Hà Nam 2022.
Các tiết mục, chương trình biểu diễn tại phố đi bộ được bố trí đan xen, liên tục đổi mới nên tạo sự hấp dẫn, mới mẻ. Ngoài các tiết mục biểu diễn còn kết hợp hoạt động trưng bày gắn với các ngày kỷ niệm. Ví dụ như nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tổ chức chung kết Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tại không gian phố đi bộ, kết hợp tái hiện mô hình chợ quê, trưng bày sách, góc mỹ thuật các sản phẩm công nghệ, ngày hội Stem và sản phẩm khoa học kỹ thuật của học sinh THCS... Phố đi bộ-Không gian văn hóa, ẩm thực Phủ Lý cũng có cả hoạt động giới thiệu một số sản phẩm địa phương,...
Có thể nhìn thấy rõ Phố đi bộ-Không gian văn hóa, ẩm thực Phủ Lý đã tạo dấu ấn văn hóa nổi bật cho Phủ Lý cũng như Hà Nam. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Phủ Lý cũng như trong tỉnh nói chung được đáp ứng phong phú hơn. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại phố đi bộ đều được định hướng, lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài có chọn lọc, khi biểu diễn tại không gian mở đã có tác dụng lan tỏa rộng rãi. Qua đó, góp phần giáo dục, bồi đắp văn hóa truyền thống, định hướng thẩm mỹ giải trí cho người dân trong thời đại hội nhập, nhất là giới trẻ. Việc duy trì thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại không gian phố đi bộ cũng tạo động lực tích cực cho phong trào văn nghệ quần chúng phát triển. Ngoài ra việc mở không gian phố đi bộ còn có tác dụng kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch đến, dừng nghỉ ở Hà Nam, người nước ngoài và người từ các tỉnh, thành khác đến Hà Nam làm việc, công tác. Hy vọng phố đi bộ - Không gian văn hóa, ẩm thực Phủ Lý tiếp tục duy trì và mở rộng, đa dạng hóa các hoạt động để luôn tạo sự mới mẻ, sôi động, là điểm vui chơi, giải trí cuối tuần ý nghĩa của người dân trong tỉnh và du khách khi đến Hà Nam.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.