Lá dong Hợp Lý

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:21 24/12/2022 Phạm Hiền
Trong cái nắng hanh vàng và rét ngọt của những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về xã Hợp Lý, Lý Nhân – vùng đất trồng lá dong nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Còn gần một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán Quý Mão, đường làng, ngõ xóm tháng giáp Tết vắng bóng người đi lại. Bên đường lá dong mướt xanh, lao xao từ vườn ra đồng sẵn sàng phục vụ thị trường những ngày giáp Tết.

Trên con đường làng trải bê tông rộng rãi, phẳng nhẵn, hai bên xanh rợp lá dong, anh Nguyễn Văn Việt, Trưởng thôn Phúc Thượng, thôn trồng nhiều lá dong nhất xã Hợp Lý vui vẻ nói: Chỉ ít ngày nữa thôi, tầm từ mùng mười tháng Chạp trở đi, khắp các con đường trong thôn, ngoài xã nhộn nhịp, tấp nập ô tô, xe máy từ các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình… về Hợp Lý để thu mua lá dong. Những ngày cận Tết (vào khoảng 20 tháng Chạp) giá lá dong lên theo ngày, thậm chí theo giờ. Bao năm qua, nguồn thu từ lá dong không chỉ giúp người dân Phúc Thượng đón Tết no đủ, mà còn có tiền lo chi tiêu, trang trải cuộc sống hằng ngày. Ngày thường giá lá dong to khoảng 700 đồng/lá, lá trung 350 đồng/lá, lá bé khoảng 170 đồng/lá. Những ngày giáp Tết, giá lá dong thường lên cao, dịp Tết Nhâm Dần năm 2022, thời điểm cao nhất  giá lá dong to bán được 1.300 đồng/lá. 

Về Hợp Lý, qua trò chuyện được biết, người dân làng Phúc Thượng nói riêng, người dân Hợp Lý nói chung không ai biết chính xác lá dong xuất hiện trên địa bàn xã từ bao giờ. Chỉ biết, từ đời ông cha tới nay, các thế hệ nối tiếp nhau khi sinh ra đã quen với hình ảnh lá dong xanh mướt nơi vườn nhà. Lá dong Hợp Lý là lá dong nếp. Gói bánh, khi luộc lên, bánh chưng xanh, thơm nức mùi lá quyện mùi gạo nếp, đậu xanh...

Đường làng Phúc Thượng xanh rợp lá dong. Ảnh: Thanh Châu

Ông Trần Văn Hiên, Giám đốc HTXDVNN Hợp Lý chia sẻ: Xã Hợp Lý có 7 thôn, thôn nào cũng trồng lá dong. Nhưng nhiều nhất vẫn là thôn Phúc Thượng. Lá dong cho thu hoạch quanh năm. Người dân nơi đây vẫn nói vui, nghề trồng lá dong là nghề “đếm lá lấy tiền”. Bởi lá dong bán theo lá, lá bé “tiền bé”, lá to “tiền to”. Thu nhập một sào lá dong đạt khoảng 20 triệu đồng/năm. Riêng trong thời điểm Tết đạt khoảng 10 triệu đồng. Hiện ở Hợp Lý, không có cây gì cho thu nhập cao bằng lá dong, đạt khoảng 250 triệu đồng/ha/năm. Từ lâu nổi tiếng trong và ngoài tỉnh, khi thu hoạch lá dong, người dân không phải mang đi chợ bán mà có thương lái tìm về tận nhà để thu mua. Hiện, trên địa bàn xã có khoảng 10 cơ sở chuyên thu mua, tiêu thụ lá dong cho bà con trong xã. Lá dong Hợp Lý giờ đã “có mặt” ở khắp các thị trường: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình…

Trước kia, diện tích trồng lá dong nhỏ lẻ, chủ yếu trồng trong vườn nhà. Do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, thu nhập từ lá dong cao hơn hẳn các cây trồng khác, nên diện tích trồng lá dong ở Hợp Lý đã dần được mở rộng. Lá dong lại được trồng xen canh với các loại cây ăn quả, như: Bưởi, mít, chuối, hồng xiêm… vì vậy, thu nhập trên diện tích canh tác lại càng cao. Tuy nhiên, hiện nay, khâu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã đang gặp khó khăn. HTXDVNN Hợp Lý mong muốn các cấp, các ngành chức năng chuyển trạm bơm ra gần sông Châu để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng nói chung, cây lá dong nói riêng. 

Nói về nghề trồng lá dong truyền thống của địa phương, ông Đỗ Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý cho biết: Nhờ đem lại nguồn thu nhập cao, những năm gần đây, diện tích trồng lá dong trên địa bàn xã đã được mở rộng. Không chỉ trồng trong vườn, lá dong còn được trồng ngoài đồng. Đến thời điểm này, diện tích trồng lá dong toàn xã đạt khoảng 65 ha, trong đó 40 ha trồng ngoài đồng. Phúc Thượng là thôn trồng nhiều lá dong nhất, diện tích vào khoảng trên 30 ha, nhà trồng nhiều lên tới gần hai mẫu. Lá dong Hợp Lý là lá dong nếp, nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh bởi chất lượng, uy tín nên đã có công ty liên hệ với địa phương về tìm hiểu, kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ngày 10/12/2022, chuyến lá dong đầu tiên của xã Hợp Lý (khoảng 1 tấn lá) liên kết với một công ty đã xuất khẩu thành công sang thị trường Châu Âu. Công ty thu mua theo cân, một cân tầm từ 36-40 lá, giá 45.000 đồng/1kg (vào khoảng trên 1.000 đồng một lá). Để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người trồng lá dong, thời gian tới, xã có kế hoạch liên kết với các công ty uy tín thu mua, xuất khẩu lá dong với số lượng khoảng 1 tấn/tuần.  Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này, trước tiên, xã sẽ tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Tiếp đó, sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch lá dong theo đúng  quy trình kỹ thuật, bảo đảm đúng, đủ các yêu cầu xuất khẩu. Chuyến đầu tiên đi Châu Âu, công ty có thông báo, về cơ bản, lá dong Hợp Lý đạt các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, trong chuyến hàng đó họ phát hiện có một lá bị rách, một lá bị thủng… Vì vậy, khi đã tham gia thực hiện liên kết trong tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, người dân cần phải thực hiện nghiêm các quy trình và các quy định, yêu cầu đã đề ra.

 Về phương pháp chăm sóc lá dong, ông Nguyễn Việt Cường, Trưởng thôn Phúc Thượng cho biết thêm: Theo kinh nghiệm các cụ truyền lại, phân bón lá dong người dân chủ yếu dùng phân ủ hoai mục, không dùng phân hóa học. Bệnh của lá dong chủ yếu là sâu cuốn lá và bệnh nấm. Là cây trồng truyền thống nên người dân Hợp Lý có kinh nghiệm trong việc phun thuốc phòng trừ và xử lý hiệu quả các loại bệnh này. Nếu phun thuốc, người trồng cũng phải để từ 2 tới 3 tháng mới thu hoạch. Đặc biệt, từ tháng 9 âm lịch trở đi, trời hanh khô, lá dong ít sâu bệnh nên không phải phun thuốc phòng trừ, vì vậy chất lượng lá dong Hợp Lý luôn bảo đảm an toàn.             

Còn gần một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Các vườn lá dong ở Hợp Lý đã sẵn sàng vào vụ thu hái lớn nhất trong năm. Không chỉ mong vụ cuối năm được giá, người trồng lá dong Hợp Lý còn mong muốn, bước sang năm mới Quý Mão, lá dong Hợp Lý sẽ tìm được công ty uy tín, thực hiện thành công việc duy trì liên kết, xuất khẩu lá dong ra nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích cây trồng truyền thống, nâng cao thu nhập cho người dân. 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC