Nét đẹp miền quê Cổ Đôi

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:42 12/12/2022 Thế Vĩnh
Lần theo những thông tin sử liệu trong cuốn Thần tích, Thần sắc Hà Nam(*), chúng tôi tìm về thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) để tìm lại một miền quê đã từng mang địa danh rất ấn tượng: Cổ Đôi(**). Vượt qua những dãy phố san sát nhà cửa, sầm uất, đông vui nhịp điệu đô thị của khu trung tâm thị trấn huyện lỵ, chúng tôi thật bất ngờ khi miền đất Cổ Đôi xưa dẫu cận kề phố xá vẫn giữ được hầu như vẹn nguyên khung cảnh và phong cách làng quê thuần phác một thời.

Bên mái đình cổ kính, rợp mát bóng cây, câu chuyện của các cụ cao niên trong làng giúp chúng tôi cùng hòa mình vào dòng cứ liệu lịch sử cách đây hơn năm thế kỷ. Khi ấy, khoảng đầu thế kỷ XV, cũng như nhiều miền quê khác, dân chúng Cổ Đôi sống dưới chế độ cai trị của quân Minh chịu bao nỗi khổ nhục, bức bách đã cùng nhau đứng lên chống giặc. Hay tin có ba chị em Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế là những hào kiệt nổi tiếng vùng Đào Đặng (thuộc xã Trung Nghĩa, Tiên Lữ, Hưng Yên) về thăm quê mẹ ở Tiên Lý (Đồn Xá, Bình Lục), dân Cổ Đôi lập tức cử người thân tín sang thỉnh cầu giúp đỡ. Cảm thông với nỗi thống khổ của dân chúng Cổ Đôi, ba vị hào kiệt đã thuận tình, nhận lời giúp sức và cùng dân làng bàn mưu, tính kế công đồn, diệt địch. Theo mật kế của ba vị hào kiệt, nghĩa quân và dân chúng Cổ Đôi sắm sửa vũ khí, tích trữ lương thảo chờ dịp dụng binh. Thời cơ đã chín, dưới sự chỉ huy của ba vị hào kiệt, nghĩa quân Cổ Đôi đồng loạt “cấm lửa”, không nấu nướng mà dùng bánh bao làm lương khô, dùng mía làm nước uống… để giữ thế bí mật. Nhằm đúng canh ba rạng sáng ngày mười bốn tháng hai năm đó, dưới sự chỉ huy của ba vị hào kiệt, nghĩa quân từ các điểm mật phục lặng lẽ chia ba mũi cơ động, áp sát rồi bất ngờ tấn công các điểm đồn trú quân Minh trong làng khiến chúng không kịp trở tay.

Đình làng - Niềm tự hào của người dân Cổ Đôi - Mỹ Đôi.  Ảnh: Thanh Nghị

Sau đại thắng đồn binh giặc Minh, giải phóng Cổ Đôi, ba vị hào kiệt Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế từ biệt dân làng trở về Đào Đặng, Hưng Yên, để lại cho dân làng bao nỗi cảm kích, lưu luyến. Ít lâu sau, khi đã quét sạch giặc ngoại xâm nhà Minh, vua Lê Thái Tổ đã ban tặng sắc phong ca ngợi công cao, đức dầy của ba vị hào kiệt Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Nhà vua cũng ban chiếu chỉ cho dân chúng Cổ Đôi lập đền thờ để muôn đời ghi ơn công đức. Vâng chiếu vua ban, dân chúng bốn giáp trang Cổ Đôi thành kính phát tâm công đức xây bốn ngôi đền quay ra bốn hướng. Trên thế đất đẹp gần đồn binh giặc (nơi tập kết ba mũi tấn công và cũng là nơi dân làng mở tiệc mừng công, tiễn biệt những vị ân nhân hào kiệt) dân trang Cổ Đôi đã công đức dựng nếp đình làng để thờ tam vị hào kiệt Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế và nhị vị tiến sĩ người gốc Cổ Đôi Bùi Công Bang, Bùi Công Minh (đậu tiến sĩ vào niên hiệu Hồng Thuận thứ ba 1512) là những hiền nhân minh triết, đỗ đạt cao và có nhiều công lao gây dựng việc làng, chăm lo đời sống dân chúng.

Cuối thế kỷ XIX, tên làng Cổ Đôi đổi thành Mỹ Đôi. Đầu thế kỷ XX, nếp đình làng Mỹ Đôi phụng thờ những vị tiền nhân có công với dân, với nước ấy trong thời kỳ Pháp thuộc cũng từng là điểm bí mật bắt mối liên lạc và đi về hoạt động chỉ đạo phong trào của những cán bộ hoạt động cách mạng cốt cán, như Trần Tử Bình, Hoàng Quốc Việt,… Đầu năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của vùng quê này được thành lập tại một địa điểm bí mật gần đình. Quả trống tế đình làng chính là nơi cất giấu tài liệu, lưu chuyển mật thư của cán bộ cách mạng.

Miền quê Cổ Đôi là nơi có phong trào cách mạng sớm và phát triển mạnh, tinh thần bảo vệ cơ sở Đảng, bảo vệ cán bộ của nhân dân rất cao. Những năm 1930 - 1945, mặc dù địch điên cuồng càn quét, đàn áp, truy lùng cán bộ, đảng viên, nhưng những cơ sở Đảng được gây dựng ở đây vẫn trụ vững và kiên cường hoạt động, định hướng quần chúng nhân dân đấu tranh với địch. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mặc dù nằm ở vị thế bị cùm kẹp giữa hàng loạt các bốt địch chung quanh, như: Phố Huyện, Cầu Sắt, Đa Côn… nhưng với truyền thống bất khuất, trung kiên, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng miền quê Mỹ Đôi vẫn vững vàng bám trụ. Du kích Mỹ Đôi cùng quân dân các thôn trang trong vùng thường xuyên tổ chức những trận mật phục, công đồn tiêu hao sinh lực địch. Thời kỳ này, đình Mỹ Đôi là cơ sở của du kích, đầu mối giao liên của tỉnh Hà Nam và huyện Bình Lục, thực hiện nhiệm vụ đưa đón cán bộ, bộ đội, du kích vượt quốc lộ 21 an toàn. Với những thành tích đóng góp đó, nhân dân Mỹ Đôi đã được Đảng, Nhà nước trao tặng “Bằng có công với nước” (năm 1992). Tấm bằng ghi danh cao quý hiện được treo trang trọng ở đình và Nhà truyền thống của làng.

Tiếp nối câu chuyện về mảnh đất quê hương, các cụ cao niên hồ hởi khoe với chúng tôi về những nét đẹp độc đáo trong lễ hội truyền thống của dân trang Cổ Đôi xưa - Mỹ Đôi nay. Lệ rằng: Hằng năm, vào những dịp ngày sinh, ngày mất của tam vị hào kiệt Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế và nhị vị tiến sĩ Bùi Công Bang, Bùi Công Minh, dân làng đều thành kính tổ chức tưởng niệm chu đáo, trọng hậu. Riêng kỳ việc làng ngày mười bốn tháng hai, kỷ niệm trận công đồn diệt giặc, lễ hội được mở lớn, đông vui hơn. Sáng mười bốn, dân các giáp cung kính rước kiệu cung nghinh các vị thánh từ bốn đền về đình công đồng làm lễ khai hội. Lễ vật dâng cúng, ngoài xôi thịt, trầu cau, trà rượu, nhất định phải có mấy quả bánh dầy, dăm bó mía khúc để nhớ tích “cấm lửa” dụng binh năm xưa.

Sau phần tế lễ trọng hậu, náo nhiệt và vui nhất là lúc về đêm khi các giáp hò nhau diễn lại sự tích phá đồn giặc Minh. Trước hết, làng cắt cử người đức hạnh song toàn nhập thế đóng vai ba vị hào kiệt Ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế chỉ huy các đạo quân. Lại chọn treo đèn hiệu ở một số nhà dân vòng ngoài giả làm nơi địch đóng quân tại các “đồn lẻ”. Ở “đồn chính” gần đình bố trí cắm nhiều cành cây ngụy trang. Canh ba về sáng, làng nhất nhất thực hiện lệnh cấm lửa và tổ chức thành ba đạo quân do tam vị chỉ huy bí mật tiếp cận, “tấn công đồn chính”, rồi sau đó tỏa về “tiêu diệt các đồn lẻ” đã treo đèn hiệu vòng ngoài. Kết thúc trận công đồn, “quân ta” kéo “xác giặc” về phía nam làng rồi nổi chiêng trống thu quân họp mặt tại đình khao mừng chiến thắng. Cuộc vui đang độ cao trào, thình lình trước sân đình bỗng nhiên xuất hiện bóng rồng vàng, trên lưng có cụ già cốt cách ung dung như một tiên ông đón tam vị hào kiệt về trời trong sự lưu luyến tiễn biệt của dân làng...

Thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) nhìn từ trên cao.  Ảnh: Thế Tân

Ngoài lệ thao diễn sự tích phá đồn giặc Minh, hội làng còn có các trò múa lân, đu bay, đấu vật, chọi gà, thi bắt chạch trong chum, thi dệt vải… nhằm khích lệ tinh thần thượng võ và cổ súy cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải truyền thống. Lệ làng còn định ra quy ước cứ ba năm lại mở đám rước giao hảo với làng Tiên Lý (Đồn Xá, quê ngoại của ba vị hào kiệt). Đám rước tiếp nối ngay sau ngày mười lăm giã hội việc làng. Sáng mười sáu, khi kiệu ba ngài từ đình Cổ Đôi - Mỹ Đôi sang đến nơi, dân làng Tiên Lý hồ hởi múa sư tử ra nghênh đón, rồi cùng dâng hương, tế lễ, hát chèo, diễn xướng các tích trò vô cùng náo hoạt, vui nhộn…

Thật mừng khi mạch chuyện về đời xưa của các cụ cao niên được tiếp nối bằng những chuyện vui về xây dựng đời sống mới hôm nay. Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Diên, mặc dù theo năm tháng, miền đất này đã đôi ba lần tách, nhập, đổi tên… theo đơn vị hành chính, khi thuộc An Mỹ, lúc thuộc thị trấn trung tâm huyện lỵ, nhưng vốn quý truyền thống luôn là niềm tự hào giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi đây nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đình Mỹ Đôi được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia (năm 1998). Các công trình phúc lợi công cộng đều đã hoàn chỉnh theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Đời sống nhân dân ngày càng cải thiện.  Câu lạc bộ Dân vũ làng Dâu vừa chính thức ra mắt. Hy vọng nét đẹp truyền thống xưa quyện hòa cùng nét văn minh của cuộc sống hôm nay sẽ là sức mạnh nội sinh để miền quê này ngày càng phát triển bền vững.

(*) Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, năm 2004.

(**) Làng Cổ Đôi (tên Nôm là làng Dâu) trước kia thuộc xã Cổ Thọ, tổng Bồ Xá, sau thuộc xã An Mỹ, nay thuộc thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC