Đền thiêng nơi vườn trúc cổ

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:09 31/10/2022 Phạm Hiền
Nằm bình yên dưới chân núi Cấm, ẩn mình trong vườn trúc cổ, ngày ngày soi bóng bên dòng sông Đáy hiền hòa là đền Trúc (nằm trong Khu du lịch đền Trúc - Ngũ động Thi Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng) nghìn năm tuổi. Từ lâu, nơi đây là điểm du lịch danh thắng, tâm linh được đông đảo du khách xa gần biết đến, tìm về.

Trong tiếng gió trúc lao xao, lao xao, trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Trịnh Phương Lâm, 86 tuổi, Câu lạc bộ hát Dậm Quyển Sơn, Chủ đội tế lễ tại đền Trúc trầm ngâm nhớ lại: Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, xưa kia, nơi đây nhiều trúc lắm, trúc mọc thành rừng rộng lớn. Trải qua nhiều biến thiên, thăng trầm, rừng trúc cổ xưa nay chỉ còn là vườn trúc cổ. Nhưng chừng đó cũng đủ tạo nên nét đẹp riêng biệt để du khách nhớ mãi không quên khi có dịp ghé thăm nơi đây.

Cổng vào đền Trúc.

Đang say sưa kể, câu chuyện phải tạm dừng giữa chừng bởi có mấy khách tận Sa Pa về đền Trúc tìm gặp bà Lâm. Nhìn thấy bà Lâm tuổi đã cao nhưng còn minh mẫn và khỏe mạnh mấy chị mừng lắm. Sau ít phút ngỡ ngàng, rồi nhanh chóng nhận ra khách quen bà Lâm hồ hởi nắm tay từng người. Mọi người vui vẻ thăm hỏi, trò chuyện rồi cùng lên đền dâng lễ. Lễ xong, các chị vội vã chia tay để kịp bắt chuyến xe ô tô giường nằm từ Phủ Lý trở lại Sa Pa. Tranh thủ hỏi chuyện, chúng tôi được biết: Mấy năm trước, từ Sa Pa các chị có dịp về Khu du lịch đền Trúc – Ngũ động Thi Sơn tham quan danh thắng, tới lễ tại đền Trúc và nhờ bà Lâm kêu cầu giúp. Thật linh thiêng, những mong ước, nguyện cầu lần đó đã thành hiện thực. Sau đó, các chị muốn về lễ tạ, song do dịch Covid-19 bùng phát, không thể về được. Hôm nay, dịp cuối tuần, các chị tranh thủ bắt xe về lễ tạ tại đền. Đi xe khách mấy tiếng đồng hồ từ Sa Pa tới TP Phủ Lý, rồi từ Phủ Lý các chị bắt tắc-xi vào đền Trúc. Đi suốt chặng đường dài không nghỉ, nhưng các chị không thấy mệt mỏi. Một chị chia sẻ, về đền Trúc dâng lễ, tranh thủ vãng cảnh xung quanh, lòng thấy thật thoải mái, thanh thản, bình yên. Thích nhất là vườn trúc cổ, bao năm qua, vườn trúc vẫn luôn mướt xanh che mát ngôi đền, tạo nên nét ấn tượng riêng biệt chỉ có ở nơi đây.

Đền Trúc cổ đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần.

Các vị khách ở Sa Pa rời đi, chúng tôi thư thả dạo vòng quanh đền Trúc. Cuối thu, chớm đông, gió từ sông Đáy lồng lộng thổi từng cơn, từng cơn nối nhau liên tiếp, cả vườn trúc đung đưa xào xạc, lao xao như nhắc nhớ câu chuyện lịch sử hào hùng cách đây khoảng nghìn năm trước. Tương truyền, khi Lý Thường Kiệt đem quân đi đánh Chiêm Thành vào năm 1069 qua vùng đất này bỗng gặp một trận cuồng phong. Để tránh gió, Lý Thường Kiệt ra lệnh cho quân sĩ ép sát các chiến thuyền vào chân núi. Tuy nhiên, một cột buồm của đoàn quân bị gió bẻ gãy, gió cuốn lá cờ lên trên đỉnh núi. Thấy điềm lạ, Lý Thường Kiệt cho quân sỹ lên bờ sửa soạn lễ vật tế lễ trời đất, cầu mong chiến thắng. Lần ra quân ấy, Lý Thường Kiệt đã chỉ huy đại quân giành thắng lợi lớn. Trên đường trở về kinh đô, qua vùng núi cũ, nhớ tới lời nguyện cầu hôm nào giờ đã thành hiện thực, Lý Thường Kiệt dừng quân, cho hạ trại nơi rừng trúc, giết trâu, mổ bò... tạ ơn trời đất, khao thưởng quân sỹ, mở hội ăn mừng chiến thắng. Trong tưng bừng ngày hội, Lý Thường Kiệt mời dân làng đến cùng tham dự. Thời gian lưu lại nơi đây, ông cho tuyển chọn những cô gái thanh tân xinh đẹp dạy hát dậm; chọn trai tráng khỏe mạnh trong làng dạy đua thuyền. Ngoài ra, ông còn dạy người dân nơi đây trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải... Ghi nhớ và biết ơn công lao to lớn của Lý Thường Kiệt với dân, với nước, sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ ông tại nơi ông hạ trại đóng bản doanh, lưng tựa vào rừng trúc, mặt nhìn ra dòng sông Đáy.

Vườn trúc cổ bên đường vào đền Trúc.

Ngoài vườn trúc cổ, về đền Trúc vào mùa lễ hội (bắt đầu từ ngày mùng mười tháng giêng đến ngày mùng mười tháng hai, âm lịch) du khách còn được thưởng thức những làn điệu hát dậm (khi hát có kèm theo múa) – hát thờ thánh, cũng chỉ có ở vùng đất nơi đây. Đặc biệt, trong lễ hội có tổ chức đua trải, vừa để tưởng nhớ công lao to lớn của Lý Thường Kiệt; vừa động viên trai tráng trong làng quan tâm luyện rèn sức khỏe để lao động sản xuất, góp sức xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Nghìn năm đã trôi qua, đền Trúc cổ kính được làm bằng gỗ lim đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ được những mảng chạm khắc tinh xảo; vẫn giữ được nét trầm mặc, uy nghiêm. Những năm qua, đây là điểm du lịch thắng cảnh và tâm linh luôn được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

 

TIN MỚI CẬP NHẬT

Bộ Công an đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe theo thang 12

Ô tô - Xe máy  |  15:10 30/04/2024

Giấy phép lái xe có 12 điểm, nếu tài xế vi phạm bị trừ hết số điểm này sẽ phải học lại kiến thức an toàn giao thông, theo đề xuất của Bộ Công an.

Cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc kết thúc tốt đẹp chuyến tuần tra liên hợp

Biển và hải đảo Việt Nam  |  05:54 30/04/2024

Trong 3 ngày từ 27 - 29/4, trên vùng biển lân cận đường phân định Vịnh Bắc Bộ đã diễn ra chuyến tuần tra liên hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Trung Quốc lần thứ nhất năm 2024. Với tinh thần trách nhiệm cao của hai bên, chuyến tuần tra liên hợp đã thành công tốt đẹp, góp phần xây dựng một vùng biển hòa bình, ổn định, tôn trọng pháp luật.

Báo Hàn tiết lộ ứng viên nặng ký dẫn dắt tuyển Việt Nam

Trong nước  |  05:43 30/04/2024

Nhiều tờ báo lớn của Hàn Quốc trong sáng 29/4 cùng đưa tin cựu HLV Jeonbuk Hyundai Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC