Thực ra, chúng ta đều hiểu, văn hóa công sở trong cơ quan hành chính Nhà nước chỉ giới hạn trong các quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ văn hóa thì khái niệm “Văn hóa công sở” không chỉ là những biểu hiện bên ngoài công sở mà phải chứa đựng những giá trị cốt lõi công sở hướng đến ở hiện tại và tương lai.
Người xưa đã từng dạy: "Y phục xứng kỳ đức", có nghĩa là ăn mặc ra sao cũng phải phù hợp với hoàn cảnh riêng của mình và hoàn cảnh chung của cộng đồng hay toàn xã hội. Dù mặc đẹp đến đâu, sang đến mấy mà không phù hợp với hoàn cảnh thì cũng trở nên kém duyên. Xưa nay, cái đẹp bao giờ cũng đi đôi với giản dị, tinh tế, phù hợp với môi trường. Người có văn hóa, biết ứng xử chính là người biết tự mình hòa vào cộng đồng không chỉ về phương diện hình thức, mà còn phải đi kèm với nội dung. “Một chiếc áo không làm nên thầy tu”, nhưng nếu nhìn qua cách ăn mặc của ai đó, ta cũng có thể đánh giá được phần nào tư duy, tác phong, quan điểm sống và làm việc của người đó. Đôi khi việc sử dụng trang phục cũng “tố cáo” trình độ hiểu biết và phông văn hóa của chủ nhân.
Nhận thức rõ những giá trị cốt lõi của văn hóa công sở nói chung, trang phục công sở nói riêng, ngày 02/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg về “Ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước”. Sau 15 năm thực hiện, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng môi trường văn hóa công sở, hướng tới một hệ thống hành chính công chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại và văn minh. Đặc biệt, vấn đề trang phục làm việc của CBCCVC trong cơ quan Nhà nước đã từng bước được chuẩn hóa về hình thức, thẩm mỹ và phù hợp điều kiện kinh tế - văn hóa, xã hội của nước ta. Phương cách giao tiếp và ứng xử của CBCCVC khi thi hành nhiệm vụ đã có những tiến bộ rõ rệt. Nhìn chung, đã thể hiện được những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của dân tộc và bước đầu tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Những kết quả đó đã góp phần hình thành một nền hành chính công vụ từng bước hiện đại và hiệu quả.
Nói như ông Lê Xuân Huy, TUV, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, một người rất am hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống: Giá trị văn hóa bên trong công sở là sự cộng hưởng giữa văn hóa chung của tổ chức và văn hóa của các cá nhân trong tổ chức, đó là nền nếp, tác phong làm việc khoa học, hợp lý, hợp pháp; là việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực công do Nhà nước cung cấp; ở đó luôn luôn tồn tại không khí dân chủ, bình đẳng; văn hóa công sở còn là sự cạnh tranh lành mạnh, phối hợp và trân trọng kết quả làm việc của các cộng sự; là sự tự hào của cá nhân về tổ chức và sự gắn bó tự thân, tích cực của các thành viên làm việc trong công sở; qua đó, thể hiện khát vọng được cống hiến vì sự hài lòng của người dân...
Vì vậy, để xây dựng một môi trường công sở thực sự văn hóa, vấn đề trước tiên chúng ta phải hiểu rõ bản chất của văn hóa công sở là gì? Xây dựng văn hóa công sở là xây dựng hệ thống những giá trị bên trong và bên ngoài của công sở. Nếu xét ở một góc độ hiệu quả, xây dựng văn hóa công sở là xây dựng và khẳng định thương hiệu của công sở trong xã hội hiện đại. Do đó, việc ban hành những quy định của nhà nước về hệ giá trị chuẩn mực làm mục tiêu là hết sức đúng đắn và phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó phải có sự thống nhất trong chỉ đạo thực hiện từ người đứng đầu đến mỗi CBCCVC vì mục tiêu phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị; cần nghiêm túc chấn chỉnh và xử lý triệt để những biểu hiện thiếu văn hóa, thiếu chuyên nghiệp trong môi trường công sở.
Thực tế, hiện nay ở một số cơ quan, công sở, xuất hiện những biểu hiện coi trọng mục tiêu cá nhân hơn mục tiêu của tập thể. Người quản lý thì xem công sở là một phương tiện để tiến thân, còn công chức đi làm chỉ là để có thu nhập mà không quan tâm đến sứ mệnh của tổ chức mình đang phục vụ. Thậm chí, có công sở còn xuất hiện các biểu hiện chống đối, đối đầu giữa người lãnh đạo và nhân viên dẫn đến mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ...
Đặc biệt, trong quá trình thực thi công vụ, một bộ phận không nhỏ CBCCVC tỏ ra thờ ơ, vô cảm trước nguyện vọng của công dân. Đây là một biểu hiện kém văn hóa của những người thực thi pháp luật.
Chúng ta phải hiểu, trong điều kiện dân trí và sự hiểu biết pháp luật của đại bộ phận người dân còn hạn chế; hệ thống pháp luật và các chính sách của Nhà nước ta chưa hoàn chỉnh, thì CBCCVC Nhà nước ngoài việc áp dụng pháp luật còn có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiểu về chính sách, pháp luật. Cán bộ, công chức là người thay mặt Nhà nước để thực thi chính sách và đồng thời cũng là người phản ánh với Nhà nước những bất cập, thiếu sót của chính sách do Nhà nước ban hành để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế, nhưng cán bộ, công chức nhiều lúc giải quyết công việc chưa thấu tình, đạt lý, hay hợp lý mà chưa hợp tình thì khó có thể làm hài lòng người dân.
Việc ban hành những qui định, nguyên tắc ứng xử trong môi trường công sở của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ thời gian qua chính là những căn cứ để chúng ta xây dựng hệ giá trị chuẩn về “Văn hóa công sở”. Giá trị văn hóa không thể cân, đo, đong, đếm được, mà nó phải được hình thành từ trong ý thức, tạo dựng niềm tin và động lực của mỗi cá nhân. Chỉ khi nào cán bộ, công chức có niềm tin vững chắc vào những giá trị văn hóa mà công sở đang theo đuổi, khi đó những biểu hiện thiếu văn hóa tại các cơ quan nhà nước mới bị triệt tiêu. Không thể có một công sở văn hóa nếu trong nội bộ luôn tồn tại những căng thẳng, soi xét lẫn nhau; cấp dưới nghi ngờ cấp trên, cấp trên đề phòng cấp dưới...
Thiết nghĩ, trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, trình độ dân trí không ngừng được nâng lên, những giá trị văn hóa cốt lõi trong các cơ quan nhà nước sẽ là những động lực cho sự phát triển. Điều đó, có nghĩa, nếu mỗi tập thể đoàn kết, tích cực xây dựng văn hóa công sở sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền hành chính công vụ hiện đại, hiệu quả và thân thiện.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.