Hà Nam là một vùng đất cổ, có lịch sử phát triển lâu đời. Đây cũng là nơi tụ cư của người Việt cổ. Những cổ vật, như mộ thuyền, trống đồng, dụng cụ nông nghiệp, sinh hoạt cổ xưa, những vũ khí tự vệ thô sơ… được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Hà Nam đã chứng tỏ điều đó.
Trải qua các triều đại quân chủ, Hà Nam cũng lưu giữ được nhiều cổ vật quý hiếm mang giá trị lịch sử, văn hóa cao, như: Tượng đá Kinari mang dấu ấn Chăm Pa, các pho tượng Kim Cương, bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý ở chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên); bia Đại Trị thời Trần ở chùa Giầu (Đinh Xá, Phủ Lý); sách đồng Bắc Lý (Lý Nhân) thời Lê... Trải qua quá trình tụ cư, khai thác vùng đất trũng Hà Nam, bao lớp người xưa cũng để lại trên vùng đất này số lượng di tích dày đặc. Các di tích phân bố đều khắp ở hơn 685 thôn, xóm, tổ phố với trên 1.784 di tích. Trong số các di tích trên có nhiều di tích có lịch sử lâu đời, kiến trúc quy mô, nghệ thuật chạm khắc độc đáo, tiêu biểu như: chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, Duy Tiên); đền Trần Thương (Trần Hưng Đạo, Lý Nhân) thời Trần; đền Lăng (Liêm Cần, Thanh Liêm) thờ vua Đinh và các vua thời Tiền Lê; chùa Bà Đanh (Ngọc Sơn), đền Trúc – Ngũ Động Sơn (Thi Sơn), danh thắng Tam Chúc (Ba Sao) Kim Bảng; đền Lảnh Giang (Mộc Nam, Duy Tiên); từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục)…
Với kho tàng di sản văn hóa vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo, trong những năm qua, nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, các cơ quan chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích để có sự phân cấp quản lý, bảo vệ, tu bổ và tôn tạo. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 222 di tích, cụm di tích đã được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (đền Trần Thương, chùa Đọi Sơn), 92 di tích cấp quốc gia và 128 di tích cấp tỉnh. Năm 2022, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở VH,TT&DL, hiện Bảo tàng tỉnh đang triển khai lập hồ sơ khoa học 3 di tích đề nghị xếp hạng di tích cấp quốc gia: Quần thể danh thắng Tam Chúc; Khu lưu niệm Nhà văn Nam Cao, quần thể di tích và danh thắng Bát Cảnh Sơn và 6 di tích cấp tỉnh. Phối hợp với Cục Di sản văn hóa và chuyên gia trong Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia khảo sát, đánh giá các hiện vật tại bảo tàng và di tích có giá trị để đề xuất đưa vào danh mục lập hồ sơ khoa học công nhận bảo vật quốc gia: Bia đá chùa Giầu ở Đinh Xá và Trống đồng Tiên Nội 1 lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh, đến nay, Hà Nam đã có 56 di tích quốc gia và 2 di tích quốc gia đặc biệt được đầu tư kinh phí tu bổ, trong đó có nhiều di tích được đầu tư tu bổ lớn, như: chùa Đọi Sơn, từ đường Nguyễn Khuyến, đình Vị Hạ, đền Trần Thương, đền Lăng, đình Văn Xá, đình Hòa Ngãi… Có 32 di tích cấp tỉnh được tu bổ theo Đề án chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, ban quản lý di tích, các địa phương có di tích cũng đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa của nhân dân, các tổ chức xã hội đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại các di tích dự kiến tu bổ trong năm: đình Mạc Thượng, xã Chính Lý; đình An Lạng, xã Văn Lý (Lý Nhân); đình Bông, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng); đình Hoàng Xá, xã Liêm Phong (Thanh Liêm).
Cùng với kho tàng di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng khá phong phú và riêng có. Đó là những làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm bản sắc của vùng quê trồng lúa nước: Hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng), hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân), hát Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm), hát giao duyên ngã ba sông Móng (Bình Lục, Duy Tiên, Lý Nhân). Những đặc sản ẩm thực nổi tiếng, như: Cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng (Lý Nhân); đậu Đầm, bún Tái, bánh cuốn chả, bánh đa cá rô (Phủ Lý); rượu Vọc (Bình Lục), rượu Bèo (Duy Tiên), bánh đa Kiện Khê (Thanh Liêm) và hàng trăm loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác…
Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hiện Hà Nam đã có 12 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, có 8 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Năm 2022, Sở VH,TT&DL đã tham mưu xin chủ trương và triển khai các bước lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa tiêu biểu đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các di sản văn hóa: Hát trống quân xã Liêm Thuận (Thanh Liêm), múa hát Lải Lèn xã Bắc Lý, lễ hội đền Bà Vũ xã Chân Lý (Lý Nhân).
Để phát huy và tăng thêm giá trị cho các di sản văn hóa phi vật thể, công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản được chú trọng. Đã có 10 đề tài, dự án nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Hà Nam thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, đó là: Múa hát Dậm Quyển Sơn, múa hát Lải Lèn, hội vật võ Liễu Đôi, làng trống Đọi Tam, dệt lụa Nha Xá, làng nghề sừng mỹ nghệ Đô Hai, hát Trống quân, nghề đan cót Thọ Chương, vật cầu An Mông, nghề gốm Quyết Thành. Cùng với các đề tài, dự án, Sở VH,TT&DL cũng đã triển khai “Chương trình Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể” trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm kê, phân loại đã đề ra hướng nghiên cứu, sưu tầm một cách có hệ thống và lâu dài các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương.
Theo số liệu kiểm kê, Hà Nam có trên 100 lễ hội truyền thống và hơn 40 làng nghề thủ công truyền thống. Trong các lễ hội có một số lễ hội vùng được tổ chức quy mô lớn như: Lễ hội đền Trần Thương (Lý Nhân); lễ hội Tịch điền, lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội chùa Đọi Sơn (Duy Tiên); lễ hội đền Trúc - Ngũ Động Sơn, lễ hội chùa Bà Đanh (Kim Bảng); hội vật võ Liễu Đôi (Thanh Liêm), lễ hội và “Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Hà Nam” được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Ngoài các hoạt động khảo cổ, khảo sát, xếp hạng di tích, tôn tạo, tu bổ việc khôi phục lại các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng tại các di tích đã làm sống dậy các giá trị của di tích, thu hút đông đảo nhân dân, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Nhiều di sản văn hóa còn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển.
Để công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản trong giai đoạn tới đạt hiệu quả, ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Cần tập trung đầu tư bảo quản, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu, gắn việc bảo tồn, phát huy với phát triển du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc số hóa di sản văn hóa phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Lập quy hoạch các di tích trọng điểm, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu từ nay đến năm 2025, tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch không gian văn hóa Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, Quy hoạch tổng thể Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn; triển khai dự án bảo tồn khu di tích đền Lăng, khu lưu niệm Nhà văn – Liệt sỹ Nam Cao... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, quản lý tốt công tác tu bổ, bảo quản di tích, tổ chức tốt các lễ hội, góp phần giáo dục truyền thống, phát triển du lịch và hoạt động quảng bá hình ảnh quê hương, con người Hà Nam đến với du khách trong nước và nước ngoài.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 30/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chương trình xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là khu vực phía Tây sông Đáy và sông Nhuệ, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) ở các địa phương đã có chuyển biến tích cực.
Chiều 24/11, Giải vô địch bóng bàn Ðông Nam Á 2024 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đã kết thúc với thành tích ấn tượng của các tay vợt Việt Nam. Trong đó, lần đầu Việt Nam đoạt Huy chương vàng đơn nữ sau khi tay vợt nữ hàng đầu nước ta là Nguyễn Khoa Diệu Khánh thắng đối thủ người Malaysia là Tay Ai Xin với tỷ số thuyết phục 4-0 ở trận chung kết.
Sau thời gian dài chờ đợi, thông tin khu đô thị Tân Thanh Elite City chuẩn bị ra mắt phân khu mới phía Tây ngay lập tức khiến thị trường bất động sản Hà Nam nói riêng và khu vực miền Bắc nói chung đã nóng càng thêm nóng hơn. Đây xứng đáng là một kênh đầu tư và kinh doanh sinh lời đáng giá để giới đầu tư “chọn mặt gửi vàng” cho dòng tiền cuối năm 2024.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.