Trường học vẫn chưa an toàn
Ngày 6/3/2018, vào tiết học đầu tiên của lớp 7A, Trường THCS Hợp Lý, huyện Lý Nhân, học sinh Nguyễn Thị Hà bất ngờ bị một mũi dao cắm vào đầu do một bạn trai cùng lớp phi. Hà được giáo viên nhà trường đưa vào trạm y tế sơ cứu, rồi báo cho phụ huynh biết để phối hợp xử lý. 30 phút sau đó, Hà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong tình trạng chiếc dao vẫn còn nguyên trên trán. Bác sỹ Trần Văn Phương, Khoa Chấn thương kể lại: "Chúng tôi đã nhanh chóng thực hiện gỡ dao ra khỏi đầu cháu và khâu vết thương. Cháu bị dao đâm thủng hộp sọ, chớm màng cứng não". Không ai ngờ sự nghịch ngợm của học sinh ở trường lại gây ra thương tích nguy hiểm như thế.
Mỗi tháng, BVĐK tỉnh tiếp nhận từ 20 đến 30 trường hợp TNTT trẻ em phải nằm điều trị nội trú. Loại thương tích cơ bản các em mắc phải là tai nạn sinh hoạt và tai nạn giao thông. Rất nhiều trường hợp bị tai nạn trong trường học hoặc trên đường đến trường. Em Nguyễn Đức Trường, 13 tuổi, đội 5, xã Tràng An, huyện Bình Lục là một trong số những nạn nhân bị thương được đưa đến bệnh viện ngày 1/1/2018 nói: Chúng em đuổi nhau, xô nhau khi chạy nên ngã và bị thương. Khi biết em ngã, các bạn sợ hãi, bỏ chạy, may mắn em được người nhà đưa vào viện. Nguyễn Đức Trường cho rằng: Chuyện nô đùa thế này ở trường hay ở nhà là chuyện bình thường với học sinh bởi vì giờ ra chơi, học sinh ít có những trò chơi tập thể được tổ chức bài bản…
Sân chơi cho trẻ trong trường học là việc đáng được quan tâm, bởi nếu tổ chức tốt hoạt động vui chơi cho trẻ trong trường, các em sẽ tránh được những va chạm, tai nạn, thương tích không đáng có.
Cần sự quan tâm của người lớn
Theo BVĐK tỉnh, mỗi năm có trên 600 lượt trẻ em bị TNTT nhập viện ở các mức độ tổn thương khác nhau. Còn theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), mỗi năm có từ 250 đến 300 vụ TNTT trẻ em, gây tử vong từ 25 đến 30 em, chủ yếu là đuối nước. Trước thực trạng TNTT trẻ em chưa được hạn chế, nguy cơ xảy ra tai nạn với các em còn nhiều tiềm ẩn, Sở LĐ,TB&XH đã triển khai thực hiện Chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện các dự án, mô hình điểm về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; đồng thời phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống, tạo các sân chơi, giải trí cho trẻ em giúp các em biết tự bảo vệ mình, tự phòng tránh TNTT…
Tuy nhiên, các hoạt động chỉ mang tính thời điểm, không diễn ra thường xuyên. Nhiều nơi, các cấp chính quyền còn chưa thực sự quan tâm đến các nội dung của chương trình, vì thế nhiều mô hình bảo vệ chăm sóc trẻ em chưa được triển khai. Đơn cử, mô hình "Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em" triển khai thực hiện từ năm 2011 nhưng đến nay Hà Nam vẫn chưa xây dựng được mô hình nào. Tất cả đều trên giấy, dù Sở LĐ,TB&XH đã xây dựng kế hoạch triển khai từ nhiều năm trước, nhưng vướng nhiều lý do, trong đó có kinh phí.
Đánh giá về nguyên nhân tồn tại, ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở LĐ,TB&XH cho rằng, nhận thức và trách nhiệm của các bậc phụ huynh, gia đình và người chăm sóc trẻ về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống TNTT cho trẻ em còn hạn chế; điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc quan tâm chăm sóc trẻ, do vậy có không ít vụ trẻ em bị tử vong xảy ra vì bố mẹ mải lo làm kinh tế thiếu sự quan tâm chăm sóc. Môi trường sống của trẻ em hiện nay còn thiếu sự an toàn…
Thiết nghĩ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, các tổ chức đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư… có vai trò quan trọng trong bảo đảm môi trường sống, học tập, vui chơi lành mạnh, an toàn cho trẻ. Để trẻ em tránh được những TNTT, người lớn cần có trách nhiệm với trẻ em trong mọi hành động, việc làm.
Chu Uyên
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.