Đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường

Thông tin 06:08 14/08/2022 Hoàng Bình (TTXVN)
Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân cúm A nặng, tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Ảnh minh họa: Minh Quyết/TTXVN

Tại dự thảo, Bộ Y tế đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP như sau:

Sửa đổi Khoản 4: Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ trường hợp quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều này.

Bổ sung Khoản 7: Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức y tế, thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và Bệnh viện tuyến huyện.

Theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP, phụ cấp ưu đãi theo nghề được tính theo tỷ lệ % trên mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) của đối tượng được hưởng.

Theo đó, mức phụ cấp 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.

Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc: Khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới.

Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.

Cũng tại Nghị định 56, cán bộ y tế dự phòng được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề là 40%; các cán bộ, viên chức trạm y tế xã/phường được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề từ 30-40%.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế mới đây, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022 có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 777 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Tại báo cáo này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chỉ ra 8 nguyên nhân dẫn đến gần 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc, trong đó nguyên nhân đầu tiên là do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Do tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu là do ngân sách nhà nước bảo đảm, nguồn thu sự nghiệp thấp.

Theo quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện nay, (với mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng) thì bác sĩ sau khi học 6 năm và sau 18 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề, nếu tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập thì hưởng lương là 2,34 x 1.490.000 đồng = 3.486.000 đồng. Với phụ cấp ưu đãi nghề là 40% thì mức thu nhập 4.881.240 đồng (chưa trừ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế).

Với mức lương này chỉ đảm bảo một phần nhu cầu của cuộc sống, vì vậy rất khó giữ chân cán bộ, viên chức y tế làm việc trong cơ sở y tế công lập trong khi mức thu nhập tại các cơ sở y tế ngoài công lập cao hơn gấp 3 đến 4 lần, thậm chí có nơi cao gấp 5 đến 6 lần thu nhập của nhân viên y tế tại cơ sở y tế công lập.

Hoàng Bình (TTXVN)

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ

Xây dựng Đảng - Chính quyền  |  21:07 27/12/2024

Ngày 27/12, Huyện ủy Bình Lục tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

Thành phố Phủ Lý tổng kết nhiệm vụ phát triển KT-XH và phong trào thi đua yêu nước năm 2024

Kinh tế  |  19:38 27/12/2024

Chiều 27/12, thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phong trào thi đua yêu nước năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị có các đồng chí: Đào Đình Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy; Đỗ Hoàng Hải, TUV, Chủ tịch UBND thành phố, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ.

Thanh Liêm đánh giá kết quả chương trình phối hợp hoạt động công tác dân vận năm 2024

Quốc phòng  |  19:30 27/12/2024

Chiều 27/12, Ban Chỉ đạo Chương trình phối hợp hoạt động (PHHĐ) huyện Thanh Liêm sơ kết, đánh giá kết quả chương trình PHHĐ công tác dân vận năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025. 

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC