Thời gian vừa qua, anh Trần Văn Bình, Tổ 6, Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) thường xuyên thực hiện các thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố. Do anh Bình phải đi làm xa, vắng nhà liên tục nên việc am hiểu về công nghệ, sử dụng thành thạo máy vi tính, các ứng dụng trên điện thoại di động giúp ích cho anh rất nhiều trong giải quyết các vấn đề, như: đăng ký học trực tuyến cho con, cấp đổi Giấy phép lái xe, làm khai sinh…
Anh Bình chia sẻ: Nếu như trước đây, mỗi khi làm thủ tục hành chính, tôi phải trực tiếp ra phường để làm rất mất thời gian thì giờ đây chỉ cần đăng ký một tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và một chiếc điện thoại thông minh, tôi đã thực hiện việc nộp các hồ sơ trực tuyến một cách nhanh gọn và hiệu quả. Gia đình tôi kinh doanh mặt hàng gỗ mỹ nghệ nên tôi còn sử dụng điện thoại di dộng và mạng internet để đăng tải các sản phẩm lên zalo, facebook, website bán hàng…
Nhờ ứng dụng công nghệ số trong quảng bá hình ảnh đã giúp nhiều khách hàng biết đến các sản phẩm, việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán điện, nước, đóng học phí cho các con… cũng được giải quyết nhanh gọn thông qua điện thoại di động, tôi không cần phải đi lại nộp trực tiếp nữa.
Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, nhất là từ năm 2020 đến nay, khi cả thế giới khốn đốn vì đại dịch Covid-19, tỉnh Hà Nam đã cho thấy rõ quyết tâm thực hiện công cuộc chuyển đổi số một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Minh chứng rõ nét nhất là trong thời gian dịch bệnh bùng phát, cả xã hội đã cùng học tập, làm việc trực tuyến. Hầu như mọi hoạt động xã hội đều diễn ra trên không gian mạng, hàng loạt dịch vụ công, dịch vụ tư đã được chuyển lên mạng. Người dân đã được làm quen và thấy rõ hơn giá trị, lợi ích của chuyển đổi số. Trở thành những công dân số, người dân đã đóng góp tích cực vào thành quả chung trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điều này được thể hiện một cách khá rõ nét thông qua sự phát triển về hạ tầng viễn thông, mạng di động trong thời gian qua.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong thời đại công nghiệp 4.0, số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh và mạng internet gia tăng nhanh chóng. Toàn tỉnh hiện có gần 900.000 thuê bao điện thoại, 142.000 thuê bao internet băng rộng cố định, 580 thuê bao internet băng rộng di động. Để phát triển các công dân số, thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai đào tạo tin học cơ bản cho hầu hết cán bộ, công chức của tỉnh.
Ngoài ra, đối với các phần mềm chuyên ngành, các cán bộ, công chức có liên quan đều được tập huấn và có thể sử dụng thành thạo vào công việc chuyên môn. Tỷ lệ cán bộ, công chức có thể sử dụng máy tính trong giải quyết công việc hiện đạt 98%. Tại mỗi sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều có một cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, quản trị mạng có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên. Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp xã là 85%. Trong tổng số 1.885 bộ thủ tục hành chính hiện có, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm 58,3%…
Với quan điểm, lấy người dân làm trung tâm, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu: Đến năm 2025, hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; thực hiện phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%. Đến năm 2030, phổ cập dịch vụ mạng internet băng thông rộng cáp quang; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng đạt trên 95%.
Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần chủ động, ý thức trách nhiệm của người đứng đầu; tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho lãnh đạo các cấp từ tỉnh đến xã, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; tổ chức phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22/11/2024 về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á (ICAPP) và Phiên họp lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), chiều 22/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Manet.
Chiều 22/11, tại sân bóng đá cỏ nhân tạo phường Lam Hạ (thành phố Phủ Lý), Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tổ chức trao giải Giải Bóng đá Đoàn Khối các cơ quan tỉnh lần thứ XIII và hưởng ứng Chương trình "Những bước chân nhân ái vì cộng đồng" năm 2024. Dự trao giải có các đồng chí: Trần Nguyễn Hiền Anh, TUV, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy; Đặng Anh Tuấn, TUV, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.