Khác hẳn với vẻ bình lặng bên ngoài, Di tích Nhà 5D Hàm Long ẩn chứa nhiều thông tin quý về những phong trào, những chiến sĩ cộng sản, những tổ chức tiền thân có liên quan trực tiếp đến Hội nghị thành lập Đảng 3/2/1930.
Tham quan di tích, trong không gian tĩnh lặng, du khách có dịp "ngược dòng thời gian" cùng những tư liệu lưu trữ mang đậm dấu ấn lịch sử Đảng có chủ đề "Bối cảnh lịch sử dẫn tới sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên - Chi bộ 5D Hàm Long". Theo đó, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Hà Nội thành lập ngày 27/6/1926 tại làng Dịch Vọng (Từ Liêm). Để có cơ sở hoạt động vừa bảo đảm bí mật, vừa thuận tiện cho các thành viên trong quá trình liên lạc, hội họp, tổ chức này đã thuê Nhà 5D Hàm Long cho vợ chồng đồng chí Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh, cải trang là người ở quê lên Hà Nội thuê nhà) đến sinh sống, tìm việc làm. Nhà 5D Hàm Long lúc đó nằm ở khu vực vắng vẻ vì bên phải nhà là nơi để các thùng vệ sinh. Hơn nữa, đằng sau nhà có lối thoát hiểm (thông sang phố Lê Văn Hưu), rất tiện lợi và bảo đảm an toàn trước sự rình rập, truy sát gắt gao của mật thám Pháp.
Thời gian đặt trụ sở tại Nhà 5D Hàm Long, tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Hà Nội đã nhanh chóng phát triển thêm nhiều hội viên. Qua ba năm duy trì hoạt động, phát triển lực lượng, nhận thấy điều kiện đã chín muồi, tháng 3/1929, các thành viên Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Hà Nội quyết định thành lập Chi bộ 5D Hàm Long - Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam lúc đó. Chi bộ có 7 đảng viên, là những thành viên ưu tú có uy tín nhất của tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Hà Nội như: Trần Văn Cung, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Tuân, Ngô Gia Tự, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính.
Tại hội nghị thành lập, đồng chí Trần Văn Cung (cải trang là chủ nhà) đã được bầu là Bí thư Chi bộ. Kể từ thời điểm thành lập Chi bộ 5D Hàm Long, việc liên lạc, hội họp, vạch ra phương hướng phát triển tổ chức, mở rộng địa bàn hoạt động và phát động các phong trào đấu tranh trong giai cấp công nhân diễn ra sôi nổi. Thời điểm cao nhất, chi bộ phát triển được hơn 200 thành viên, địa bàn hoạt động không những ở Hà Nội mà còn lan sang một số tỉnh lân cận. Đặc biệt, Chi bộ 5D Hàm Long đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công hàng loạt cuộc đấu tranh có tiếng vang, nổi bật là cuộc đấu tranh của công nhân: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Nhà máy sửa chữa ô tô Aviat. Sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam là cơ sở quan trọng tiến tới thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), một trong ba tổ chức cộng sản tiền thân tham gia Hội nghị hợp nhất các tổ chức đảng (Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) tháng 2/1930.
Gần 90 năm qua, địa điểm thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam- Nhà 5D Hàm Long trở thành "địa chỉ đỏ" trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng. Kết cấu, bài trí bên trong Di tích Nhà 5D Hàm Long được trùng tu, tôn tạo trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng ban đầu và gắn với chức năng bảo tồn, trưng bày, giới thiệu một cách phù hợp, bao gồm: Phòng trưng bày, phòng khánh tiết, phòng làm việc, công trình phụ trợ. Đến với Di tích Nhà 5D Hàm Long, tham quan phòng trưng bày, du khách sẽ có thêm nhiều thông tin, tư liệu lịch sử thú vị, bổ ích về thời kỳ trước năm 1930 đến khi thành lập Đảng, phản ánh về những phong trào, tổ chức cách mạng tiền thân có ảnh hưởng và liên quan đến sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên tại Việt Nam.
Nổi bật ở vị trí chính giữa phòng trưng bày là câu nói của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trích trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" được lưu treo trang trọng: "Trước hết chúng ta phải có Đảng cách mệnh, trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững thì cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lênin".
Một số hiện vật tư liệu quý cũng giúp du khách hiểu thêm về bối cảnh lịch sử giai đoạn 1925-1930 dẫn đến sự kiện thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929); thành lập Đảng (2/1930) như: Công văn của Bộ Thuộc địa Pháp gửi Toàn quyền Đông Dương thông báo về hoạt động của Hội Tương tế Đông Dương, ngày 24/6/1927; truyền đơn của Tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội gửi Hoa kiều và chính phủ Quốc Dân Đảng, yêu cầu thả những người Việt Nam bị bắt ở Quảng Châu (năm 1929); báo cáo của Khâm sứ Trung Kỳ (10/3/1930) về hoạt động của Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng giai đoạn 1925-1930; lời kêu gọi ủng hộ nước Nga, giai cấp công - nông đoàn kết đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến của Đông Dương Cộng sản Đảng (năm 1929); truyền đơn của Đảng Cộng sản Việt Nam đòi bãi bỏ chế độ hà khắc của thực dân Pháp (năm 1930); Chân dung và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; tiểu sử, chân dung 7 chiến sĩ cách mạng tiền bối tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên - Chi bộ 5D Hàm Long; lá cờ của Đảng Cộng sản Đông Dương được treo ở tỉnh Hà Nam ủng hộ Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930... Cùng với đó, bộ bàn ghế, giường nằm, rèm che, bếp đun… của gia đình đồng chí Trần Văn Cung thường dùng, bộ quần áo dài của đồng chí Ngô Gia Tự mặc hóa trang để hoạt động cách mạng (năm 1928); chiếc mâm đồng mà đồng chí Ngô Gia Tự dùng đổ thạch in tài liệu (1928-1929)… được giữ gìn, khôi phục nguyên mẫu.
Theo nữ cán bộ quản lý khu di tích Trần Thị Tình, nhân kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng, Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội phối hợp với một số ban, ngành, đoàn thể, nhà trường phổ thông tổ chức cho đoàn viên, hội viên, học sinh tham quan di tích, giúp mọi người hiểu rõ thêm về một giai đoạn lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng Việt Nam.
Cùng với hàng loạt di tích lịch sử nổi tiếng: Nhà số 90 Thợ Nhuộm (cơ sở bí mật của cơ quan Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 2/1930 đến tháng 10/1930); nhà số 48 Hàng Ngang (nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập tháng 9/1945); nhà số 8 phố Lê Thái Tổ (nơi Bác Hồ làm việc bí mật lâu nhất sau Cách mạng Tháng Tám 1945 );… di tích Nhà 5D Hàm Long là "địa chỉ đỏ" mang đậm dấu ấn lịch sử của Đảng, cách mạng và Bác Hồ kính yêu.
Thế Vĩnh
Chiều 25/11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi chuyên đề: Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây là chuyên đề đặc biệt quan trọng để chuẩn bị cho việc xây dựng, hoàn thiện văn kiện đại hội đảng bộ các ngành, các cấp, các địa phương, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng và định hướng xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Bulgaria Rumen Radev và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Nhà nước Bulgaria tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24 - 28/11/2024.
Chuẩn bị Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021- 2026 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày (4,5,6/12), chiều 25/11, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyên truyền phục vụ kỳ họp. Đồng chí Bùi Văn Hoàng, TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.