Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn, có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Như vậy, trạm y tế (TYT) đóng vai trò như “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, bệnh tật. Và để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế đã chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở.
TYT là cơ sở y tế gần nhất để người dân tiếp cận khi cần thiết. Và việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang là một trong những điều kiện căn bản để TYT thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Không còn hình ảnh cũ kỹ, xuống cấp, từ cuối năm 2021, cán bộ, nhân viên và toàn thể nhân dân xã Tân Sơn (Kim Bảng) hết sức phấn khởi vì TYT mới được đưa vào sử dụng.
Bà Ngô Thị Miền, thôn Thụy Sơn 2 vui mừng cho biết: Tôi bị cao huyết áp 10 năm nay nên gần như tháng nào cũng phải ra trạm để lấy thuốc, khám sức khỏe. Trạm trước đây xập xệ, song nay đã được đầu tư khang trang, sạch đẹp; các y, bác sỹ rất tận tâm, nhiệt tình, chuyên môn tốt, nên tôi cũng như bà con nhân dân trong xã rất yên tâm, tin tưởng khi đến trạm để được chăm sóc sức khỏe.
Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, toàn bộ cơ sở vật chất của TYT xã Tân Sơn được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng cuối năm 2021 với tổng diện tích gần 2.000m2. Trạm có một khu nhà 2 tầng, gồm 14 phòng chức năng và đầy đủ các công trình phụ trợ, tổng kinh phí xây dựng gần 10 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Thủy, Trưởng TYT xã Tân Sơn cho biết: Dân số của Tân Sơn có trên 10.000 người. TYT có 7 cán bộ và 6 nhân viên y tế thôn. Thời điểm cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn xã diễn biến rất phức tạp. Rất mừng là trạm được đưa vào sử dụng đúng thời điểm đó, tạo thuận lợi cho người dân đến xét nghiệm và khai báo y tế, khám sàng lọc. Từ ngày 19/9/2021 đến nay, trạm đã tư vấn và điều trị cho trên 3.200 bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn. Người dân từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đạt trên 99%. Trạm vẫn đang tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo kế hoạch.
Với cơ sở hạ tầng, nhân lực đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ người dân đến chăm sóc sức khỏe tại trạm tăng qua từng năm. Tổng số lượt khám chữa bệnh (KCB) trong 6 tháng đầu năm 2022 của trạm dự kiến đạt trên 2.850 lượt người. TYT Tân Sơn đang quản lý, điều trị cho 152 bệnh nhân tăng huyết áp và 21 bệnh nhân tiểu đường, 73 bệnh nhân tâm thần kinh.
Theo đánh giá của bác sỹ chuyên khoa I Dương Hữu Duẩn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Kim Bảng, hoạt động của hệ thống TYT các xã, thị trấn hiện cơ bản đã đáp ứng nhu cầu KCB ban đầu cho người dân cũng như làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm tải cho tuyến trên. Đặc biệt, công tác quản lý bệnh không lây nhiễm được triển khai rất hiệu quả tại tất cả các xã, thị trấn, tạo thuận lợi cho người dân trong việc khám và điều trị ngay tại địa phương. Hiện toàn bộ 18 TYT trên địa bàn thực hiện khám, điều trị tăng huyết áp; 13/18 trạm khám, điều trị tiểu đường. Việc quyết toán bảo hiểm y tế cho bệnh nhân điều trị các bệnh mãn tính được triển khai thuận lợi. Ước 6 tháng đầu năm 2022, tổng số bệnh nhân tiểu đường được quản lý điều trị tại tuyến huyện là 956, tuyến xã là 262 bệnh nhân; bệnh nhân tăng huyết áp do tuyến huyện quản lý là 659, tuyến xã là 1.614 bệnh nhân. Bệnh tâm thần phân liệt và bệnh động kinh được quản lý tại tuyến xã là 517 bệnh nhân. TTYT huyện cũng duy trì kiểm tra, giám sát công tác KCB, thường trực cấp cứu tại các TYT. Những trang thiết bị phục vụ công tác KCB ban đầu tại trạm được đầu tư cơ bản đầy đủ, tạo thuận lợi cho các y, bác sỹ thực hiện nhiệm vụ. Tổng số khám bệnh tại tuyến xã ước 6 tháng đầu năm 2022 là 20.566 ca, đạt 30,24% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, thực tế, đội ngũ y tế cơ sở còn thiếu so với biên chế, trình độ không đồng đều, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động KCB. Thời gian tới, TTYT huyện Kim Bảng sẽ tiếp tục tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kinh phí cho các TYT. Đồng thời, tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ y, bác sỹ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tình hình mới.
Tại Bình Lục, để nâng cao chất lượng KCB và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại TYT, TTYT huyện đã tham mưu với UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác y tế, như: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đưa y tế-dân số vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Hằng tháng, duy trì giao ban với trạm trưởng các TYT, với cán bộ chuyên khoa để nắm bắt tình hình và có chỉ đạo kịp thời để các trạm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bình Lục đều đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020. Mỗi xã có từ 5-8 cán bộ y tế có trình độ, chuyên môn và các nhân viên y tế thôn. Hằng năm, cán bộ y tế cơ sở đều được cử tham gia các lớp tập huấn, khóa học về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương.
Xác định rõ tầm quan trọng của công tác y tế trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng TYT gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn có TYT và được công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; 100% trạm có bác sỹ làm việc…
Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu về nhân lực, nhất là bác sỹ, trang thiết bị có nơi chưa thực sự đầy đủ, song thực tế, TYT vẫn luôn giữ vai trò quan trọng trong hệ thống y tế, góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tất cả các trạm đều duy trì trực cấp cứu 24/24h, các hoạt động phòng chống dịch Covid-19, chú trọng nâng cao chất lượng KCB thông thường, quản lý bệnh không lây nhiễm, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh môi trường, dân số-kế hoạch hóa gia đình… Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai bên nhất trí về sự cần thiết tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, kết nối doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các sản phẩm xuất khẩu tiếp cận thị trường của nhau.
Được xác định là một trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh. Sản xuất nông nghiệp đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi liên kết. Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu ngày càng đa dạng và linh hoạt. Giá trị nông sản vì thế ngày càng được nâng cao. Đó chính là nội dung phỏng vấn của phóng viên (P.V) Báo Hà Nam với ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh.
Chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây được quan tâm duy trì ổn định với tổng đàn trên 28.000 con. Hướng đi này giúp bò thịt dần từng bước thay thế một phần cho đàn lợn đang có xu hướng giảm do tác động từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh và giá cả bấp bênh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.