Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc với mặt hàng chính là quần áo bơi xuất khẩu, Công ty TNHH MTV Seyang Corporation Việt Nam (CCN Nhật Tân, Kim Bảng) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid -19 trong suốt 2 năm. Khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá cũng như không có thêm đơn hàng mới do nhu cầu sử dụng mặt hàng quần áo bơi trong “mùa” dịch giảm sút mạnh khiến Seyang Corporation Việt Nam liên tục phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm số giờ làm, ngày làm trong tuần của công nhân lao động. Đồng thời, tìm kiếm đối tác để sản xuất thêm mặt hàng khẩu trang vải nhằm duy trì việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty TNHH MTV Seyang Corporation Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thị trường tiêu thụ, đi vào hoạt động ổn định trên tất cả các dây chuyền sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Trưởng phòng Hành chính – Nhân sự của công ty cho biết: Hiện nay, các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch ở hầu khắp các nước đều đã mở cửa trở lại và hoạt động bình thường. Theo đó, nhu cầu sử dụng quần áo bơi tăng cao. Công ty không còn sản xuất khẩu trang nữa mà tập trung đẩy mạnh sản xuất mặt hàng truyền thống là quần áo bơi vì số lượng đơn hàng gia tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022. Với lượng đơn hàng lớn, công ty vừa mới tuyển dụng thêm trên 100 lao động để bảo đảm tiến độ sản xuất. Công ty vẫn đang có nhu cầu tuyển thêm lao động, mở rộng thêm dây chuyền, thiết bị máy móc để tăng tốc độ sản xuất trong quý II/2022. Seyang Corporation Việt Nam phấn đấu, sản lượng hàng hoá xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tăng 50% so với năm 2021 và tăng ít nhất 20% so với năm 2019 - thời điểm chưa bùng phát dịch Covid -19.
Tương tự, để đẩy mạnh sản xuất trong trạng thái bình thường mới, thời gian này, hầu hết doanh nghiệp trong các CCN đều phải tuyển dụng thêm nhân lực, tích cực đổi mới công nghệ, máy móc nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nhất là những thị trường xuất khẩu khó tính ở khu vực châu Âu, châu Mỹ...
Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kim Bảng cho biết: Quý I/2022, các CCN trên địa bàn huyện: Biên Hoà, Thi Sơn, Nhật Tân đều hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Dịch bệnh Covid -19 cơ bản được kiểm soát, nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra của sản phẩm tương đối thuận lợi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng tốc độ sản xuất sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ước tính trong quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp trong các CCN của huyện đạt gần 732 tỷ đồng, chiếm gần 51% tổng giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp do phần huyện quản lý.
UBND tỉnh hiện đã có quyết định thành lập đối với 15 CCN. Trong số đó, có 12 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 280 ha. Các CCN này đang thu hút 173 dự án đầu tư, trong đó có gần 30 doanh nghiệp có hàng hóa tham gia xuất khẩu. Các CCN đang tạo việc làm cho trên 11.000 lao động (tăng hơn 2.300 người so với năm 2015) với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng (tăng 1 triệu đồng so với năm 2015).
Bà Cù Thị Thu Hương, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: Trong những năm qua, tình hình thu hút các dự án đầu tư vào CCN đạt hiệu quả cao. Hiện tại, tỷ lệ lấp đầy các CCN trong toàn tỉnh đạt trên 94%. Đây là tỷ lệ đạt cao so với nhiều địa phương khác trong cả nước. Trong 2 năm 2020 và 2021, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid -19 đã khiến cho doanh thu và mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của các CCN trong tỉnh giảm xấp xỉ 14% so với năm 2019. Thế nhưng, với đà sản xuất đang được phục hồi và phát triển như hiện nay thì doanh thu và số tiền nộp ngân sách của các CCN chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng đáng kể trong năm 2022.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục quan tâm, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN; tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch; thường xuyên trao đổi, tiếp nhận thông tin phản ánh, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, tích cực triển khai tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia làm chủ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật dùng chung và xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại CCN…
Theo phương án phát triển CCN trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2030, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ có 28 CCN với tổng diện tích gần 1.200 ha. Khi đó, các CCN sẽ thu hút khoảng 500 dự án đầu tư, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của ngành công nghiệp, tăng thu nộp ngân sách, tạo việc làm ổn định cho lực lượng lớn lao động địa phương.
Duy Tiên, vùng đất cổ cận kề địa danh nổi tiếng “phố Hiến” từ thuở bình minh của lịch sử đã nổi danh với những di tích, lễ hội văn hóa, tâm linh vô cùng độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Vùng đất “núi Đọi - sông Châu” - Duy Tiên cũng là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng, một điểm sáng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển của quê hương Hà Nam. Trên mảnh đất này, từ cổ đại đến nay, các thế hệ người Duy Tiên đã tạo lập nên nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hôm nay và trao truyền cho con cháu mai sau.
Chiều 22/11, UBND huyện Kim Bảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác quốc phòng, quân sự địa phương (QP, QSĐP) năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, phong trào thể dục, thể thao (TDTT) huyện Kim Bảng tiếp tục dược duy trì, phát triển, trong đó có nhiều môn thể thao phát triển, như: Vovinam, karate, dân vũ thể thao, bóng chuyền hơi, bơi lội, pickleball, gym.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.