Hội thi giáo viên mầm non dạy giỏi cấp tỉnh năm 2017 được tổ chức là dịp để các "cô nuôi dạy trẻ" thể hiện năng lực dạy học thông qua việc phân tích các bài học, chia sẻ những sáng kiến kinh nghiệm về giảng dạy và tổ chức lớp học cũng như khả năng khai thác, sử dụng các đồ dùng dạy học trong các trường mầm non.
Hội thi diễn ra trong 7 ngày, thu hút sự tham gia của 39 giáo viên đến từ 6 đơn vị phòng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) các huyện, thành phố. Ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Phó Trưởng Ban tổ chức hội thi, cho biết: Đây là các giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thành phố, có đầy đủ các điều kiện tham dự hội thi. Tại hội thi này, các giáo viên phải trải qua 2 phần thi gồm: kiểm tra năng lực và thực hành tổ chức hoạt động giáo dục. Đối với phần thi kiểm tra năng lực, các giáo viên phải làm bài thi trắc nghiệm khách quan và tự luận với nội dung là kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ mầm non, những vấn đề về đổi mới giáo dục mầm non. Hội thi cũng mang tới cho các giáo viên cơ hội lần đầu được thử sức mình trước một hình thức thi hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ, đó là thi trắc nghiệm khách quan.
Cô giáo Bùi Thị Chăm, giáo viên Trường Mầm non Châu Giang (Duy Tiên), chia sẻ: Để đến được với hội thi, chúng tôi phải trải qua các hội thi cấp trường và cấp huyện. Vì vậy, chúng tôi đã tự trang bị cho mình một dung lượng kiến thức chuyên môn vững vàng với tâm lý thoải mái. Đặc biệt, chúng tôi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt từ phía ban giám hiệu nhà trường, lãnh đạo phòng GD&ĐT. Tham gia hội thi, bản thân tôi nhận thấy, đề thi năm nay mang tính mở, nội dung câu hỏi bao trùm nhiều lĩnh vực, có khả năng phản ảnh đúng năng lực, trình độ của giáo viên và chất lượng bồi dưỡng công tác chuyên môn của các đơn vị. Đồng quan điểm, cô giáo Lê Thị Thanh Nhàn, giáo viên Trường Mầm non Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), cho biết: Các phần thi trong hội thi được tổ chức bài bản, bảo đảm cho giáo viên dự thi được tham gia cả phần thi viết và phần thi thực hành. Cá nhân tôi đánh giá cao phần thi thực hành vì qua đó giáo viên được tổ chức hoạt động giáo dục tự chọn và bắt buộc. Các hoạt động giáo dục này được lựa chọn đầy đủ ở các lĩnh vực, bảo đảm kiến thức, kỹ năng theo đặc điểm của hoạt động, thể hiện đúng phương pháp, đặc trưng của hoạt động theo chương trình giáo dục mầm non. Qua việc đánh giá, chấm điểm của Ban giám khảo giúp giáo viên tự nhìn nhận được những điểm mạnh, điểm hạn chế của mình để áp dụng hay khắc phục có hiệu quả trong dạy học.
Trên thực tế, các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học như: cấp tiểu học, THCS, THPT cũng được ngành giáo dục chỉ đạo tổ chức theo đúng tinh thần của các hội thi giáo viên dạy giỏi cấp mầm non. Nghĩa là, đã tạo ra một "sân chơi" bổ ích, đáp ứng nhu cầu được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và khẳng định năng lực dạy học của mỗi giáo viên. Đồng thời, giúp cho ngành giáo dục nói chung và các cơ sở giáo dục nói riêng có thêm điều kiện đánh giá sát thực hơn về thực trạng đội ngũ giáo viên của từng cấp học cũng như của từng đơn vị để lấy đó làm căn cứ cho việc xây dựng các kế hoạch sinh hoạt chuyên môn, hoạt động bồi dưỡng hướng tới mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên. Mặc dù ở không ít nơi, việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp còn vấp phải nhiều luồng dư luận khi cho rằng các hội thi này được tổ chức còn nặng về thành tích, mang tính hình thức. Nhiều người tỏ ra không tin tưởng vào chất lượng các hội thi và chất lượng giáo viên dạy giỏi, thậm chí có người còn nêu ý kiến đề nghị ngành giáo dục bỏ việc tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi để hạn chế áp lực cho giáo viên…
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ta, các hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp vẫn được nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất. Hội thi chính là dịp để ngành giáo dục động viên, phát huy tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chiều sâu, sự vận dụng linh hoạt chuẩn kiến thức, kĩ năng, lựa chọn kiến thức trọng tâm và ý thức tổ chức dạy học tích hợp kiến thức bài học với giáo dục kỹ năng sống cho học sinh… trong đội ngũ giáo viên. Điều này thực sự có ý nghĩa tích cực đối với quá trình thực hiện đổi mới giáo dục.
Thanh Hà
Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã quyết định duy trì mức cảnh báo cao nhất đối với dịch đậu mùa khỉ (mpox), trong bối cảnh số ca mắc và số quốc gia bị ảnh hưởng đang gia tăng.
Những năm gần đây, sản xuất trên đồng ruộng của xã Đồn Xá (Bình Lục) đã có thay đổi đáng kể. Các vùng sản xuất theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa được hình thành. Cây lúa từ vai trò bảo đảm lương thực tại chỗ đã chuyển sang đóng góp vào thu nhập cho người dân. Có được kết quả đó Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Đồn Xá đã đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh thực hiện giáo dục, tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) trong nhà trường. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên (HSSV) về tác hại của thuốc lá, hạn chế tình trạng học viên hút thuốc trong trường học, xây dựng trường học không khói thuốc.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.