Dù là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng nghề khâu nón lá đã từng mang lại nguồn thu nhập chính của người dân làng nghề. Tuy nhiên, điều đang khiến người làm nón trăn trở là nghề đang dần mai một bởi chiếc nón trắng không còn được người phụ nữ yêu chuộng và sử dụng phổ biến như xưa. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng khiến cho giới trẻ không thiết tha với nghề.
Về thôn Bói (xã Thanh Phong, Thanh Liêm) nghe người làng nghề kể lại, vào những năm của thập niên 90, ở nơi đây, nhà nhà, người người đều khâu nón lá để bán, bất kể là già, trẻ, gái, trai. Hồi ấy, từ đầu làng đến cuối ngõ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị rôm rả vừa chuyện trò vừa khâu nón. Nhờ làm nghề mà các hộ dân ở thôn Bói có của ăn, của để, có điều kiện kinh tế cho con cái ăn học.
Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng 20 năm trước, nghề khâu nón còn thu hút rất đông đàn ông trong thôn tham gia. Nhiều gia đình có tới 3 thế hệ cùng khâu nón. Trong đó, đàn ông thường làm những công đoạn vất vả hơn như là lá, vót vanh, cạp vành, còn chị em phụ nữ với đôi tay khéo léo thì đảm nhận việc khâu nón.
Chị Đinh Thị Hợp (một người dân thôn Bói) cho biết, chị phụ bố mẹ khâu nón từ khi mới lên bảy lên tám. Sau này, lấy chồng ở cùng thôn, cả hai vợ chồng đều chăm chỉ khâu nón để có tiền nuôi con ăn học. Nghề khâu nón ai cũng làm được. Thế nhưng, cuộc sống ngày càng hiện đại, số người cần sử dụng nón lá không nhiều. Thu nhập từ làm nghề vì thế cũng bấp bênh hơn. Đến nay, tất cả đàn ông trong thôn đều đã bỏ nghề để đi làm thuê làm mướn. Chồng chị cũng đã chuyển nghề sang làm thợ xây hàng chục năm nay. Các thế hệ trẻ trong làng thì đi làm công nhân và các ngành nghề khác chứ không ai theo nghề khâu nón cả. Bây giờ chỉ có người trung tuổi, cao tuổi ở nhà trông coi ruộng vườn thì túc tắc làm để đỡ nhớ nghề và có thêm thu nhập đi chợ.
Trước đây, gần như 100% người dân từ 10 tuổi trở lên ở xóm Giải Tây, thôn Phù Tải (xã An Đổ, Bình Lục) đều tham gia làm nghề khâu nón. Hôm nay, về Giải Tây, người ta vẫn bắt gặp nhiều tốp chị em ngồi tập trung ở hiên nhà hay đầu ngõ xóm để khâu nón. Vào ngày hè hay dịp cuối tuần, học sinh vẫn ngồi khâu nón phụ giúp bố mẹ. Tuy nhiên, người Giải Tây không ai định hướng cho con cái sẽ theo nghề truyền thống của gia đình bởi lẽ thu nhập từ nghề khâu nón thấp hơn nhiều so với lương công nhân lao động hiện nay. Điều này cũng khiến cho người dân làng nghề băn khoăn, trăn trở về vấn đề đang đặt ra: nghề khâu nón đang ngày càng mai một. Nếu như trước kia gần như cả làng đều làm nón thì bây giờ hầu hết thanh niên, nam giới trong làng đều đi xa tìm việc làm khác để tăng thu nhập, chỉ còn lại người già làm nghề khâu nón lá truyền thống.
Ông Lê Văn Lâm, Trưởng thôn Phù Tải cho biết: Bây giờ ở Giải Tây còn rất ít người khâu nón. Ði làm công nhân, mỗi người ít nhất cũng có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng nhưng khâu nón thì chỉ được tầm 2 triệu đồng/tháng. Ai tinh mắt, khéo tay và làm việc chăm chỉ từ sáng đến tối muộn thì mỗi ngày khâu được 1 chiếc nón với giá bán 100.000 đồng/chiếc, cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Thu nhập thấp như vậy nên không thu hút được giới trẻ làm nghề.
Chứng kiến nhiều thăng trầm của nghề nón, bà Trần Thị Xuân, 75 tuổi - người có thâm niên hơn 60 năm làm nghề khâu nón lá ở Giải Tây không khỏi chạnh lòng: “Có quãng thời gian nón làm ra nhiều nhưng rất khó bán còn vài năm nay có ít người làm thì nón lá lại bán được. Nón làm ra đến đâu bán hết đến đó nhưng giá bán không cao. Để làm ra một chiếc nón phải mất hơn một ngày nhưng giá bán chỉ dao động từ 50-100.000 đồng. Dù thu nhập không cao nhưng để lưu giữ nghề khâu nón truyền thống của quê hương, tôi luôn sẵn lòng dạy nghề cho lớp trẻ có nhu cầu học nghề. Tôi luôn mong muốn thế hệ trẻ trong thôn có thể duy trì nghề truyền thống của cha ông bằng việc làm nghề vào những ngày nghỉ hay các buổi tối rảnh rỗi. Điều này cũng góp phần lưu giữ nét đẹp văn hoá của quê hương”.
Thanh Phong, An Đổ đều là các xã thuần nông, người dân chủ yếu trông chờ vào 2 vụ lúa, nuôi con gà, con vịt. Chính vì thế, khâu nón cho tới nay vẫn là nghề giúp các hộ dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, theo những người làm nghề khâu nón nhiều năm, không phải cứ cố giữ lấy nghề là đã có thể sống được bằng nghề. Khâu được nón thì dễ, hầu như ai cũng làm được, nhưng giá bán phải xứng đáng với thời gian, công sức bỏ ra mới là cái khó. Hầu hết việc tiêu thụ nón lá của các làng nghề đều do lái buôn tự tìm tòi, liên kết với các đầu mối tiêu thụ. So với giá ngày công lao động thì công khâu nón không cao. Thế nhưng, người làm nghề khâu nón lâu năm vẫn yêu thích, gắn bó với nghề bởi công việc này không kén người làm, phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Và quan trọng hơn là họ yêu nghề khâu nón truyền thống, tự hào khi làm ra những chiếc nón đẹp mà nhiều nơi không có được. Tuy nhiên, làm thế nào để xây dựng được thương hiệu nón lá của quê hương để sản phẩm làng nghề không chỉ được bày bán tại các phiên chợ mà còn có thể đến được với khách du lịch và tiêu thụ nhiều hơn nữa ở các tỉnh, thành trong cả nước luôn là mong muốn của chính quyền các địa phương và người dân làm nghề.
Dù nghề khâu nón lá có nhiều thăng trầm nhưng với những tiện ích của nó, vừa đội để che nắng, che mưa, vừa để điểm tô thêm phần duyên dáng cho người phụ nữ, người dân các làng nghề hi vọng sản phẩm nón lá sẽ không bị mai một. Khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm, người dân làng nghề có thể yên tâm sản xuất, không phải lo giá cả lên xuống theo từng phiên chợ hay phụ thuộc vào thương lái. Như vậy, người làm nghề sẽ có thu nhập ổn định, nghề khâu nón lá sẽ mãi được bảo tồn, phát triển.
Ngày 21/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Công văn số 4711/TTKQH-TT gửi các cơ quan thông tấn, báo, đài về việc công bố các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn các nghị quyết.
Báo Hà Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Malaysia.
Với quan điểm: Lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư tại Hà Nam, chiều 21/11, Ban Quản lý các khu công nghiêp (KCN) tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh. Ông Lưu Trần Sơn, Trưởng Ban Quản lý các KCN của tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Công ty Điện lực Hà Nam, các nhà đầu tư hạ tầng, đơn vị cung cấp dịch vụ tại các KCN và gần 40 doanh nghiệp đến từ Đài Loan.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.