Rất lâu rồi, Mỹ thuật Hà Nam chưa có tác phẩm nào đoạt giải cao của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp), nên khi Phạm Văn Hòa là cái tên mới mẻ được xướng trong lễ trao giải Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp, giới văn nghệ sỹ Hà Nam thực sự mừng! Đã thế lại còn được nhận Giải A!
Tôi biết Phạm Văn Hòa lâu rồi, là một cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, thường tham gia các cuộc thi sáng tác tranh cổ động từ năm 2015 đến nay, nhưng ít khi có dịp hàn huyên. Vốn dĩ, Hòa là người ít nói, ít thể hiện bản thân trước đám đông. Qua họa sỹ Nguyễn Ngần, tôi mới biết nhiều hơn về Hòa. Có lần, họa sỹ Nguyễn Ngần kể: Vì công việc của cơ quan, cậu ấy mới tiếp cận với tranh cổ động chứ thực ra Hòa được đào tạo chuyên ngành điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Hòa là người miệt mài, chịu học hỏi. Khi phải làm tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, cậu ấy luôn tìm tòi, cái nào, chỗ nào không hiểu phải hỏi bằng được, học bằng được. Rồi khi có mặt trong các cuộc thi tranh cổ động, cậu ấy đã đoạt giải cao. Tuy nhiên, thế mạnh vẫn thuộc về điêu khắc. Hòa làm gốm rất thật, rất đẹp, có hồn!
Phạm Văn Hòa tốt nghiệp đại học năm 2007, làm tự do ở Hà Nội vài năm trước khi về Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Năm 2015, chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 và kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh, Hòa tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động về chủ đề này do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức. Tác phẩm “Kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Hà Nam (20/10/1890 - 20/10/2015)” đã đoạt giải. Từ đó, cái tên Phạm Văn Hòa xuất hiện dày hơn ở nhiều cuộc thi khác. Không chỉ sáng tác tranh cổ động, anh còn vẽ tranh sơn dầu. Hòa nói: “Mình thích nặn, thích vẽ từ bé. Còn nhớ, lúc bé tý, học ở trường làng, chẳng bao giờ nghĩ sau này mình thành họa sỹ đâu, nhưng lúc nào cũng lấy đất nặn, vẽ vời đủ kiểu. Các môn thủ công luôn được điểm cao, thầy cô khen ngợi”.
Chọn học điêu khắc với Hòa là niềm hạnh phúc. Khi ra trường, Hòa đến các làng nghề gốm Phù Lãng, Bát Tràng… tìm kiếm công việc và trải nghiệm. Cũng ở đây, anh đã có những vốn sống, kinh nghiệm nghề nghiệp dày dặn hơn. Năm 2014 - 2015, Hòa đang làm việc ở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (bấy giờ là Trung tâm Văn hóa tỉnh), anh tham gia cuộc thi sáng tác tượng Anh hùng Liệt sỹ Dương Văn Nội để đặt tại Trường Tiểu học Chuyên Ngoại, thị xã Duy Tiên. Thời điểm đó có nhiều người cùng tham gia, nộp phác thảo, tuy nhiên, phác thảo của Phạm Văn Hòa được chọn và được đặt trang trọng ở trường từ đó đến nay. Hòa tự hào: “Đấy là tác phẩm điêu khắc đầu tiên của mình sáng tác phục vụ quê hương!”.
Mạch nguồn cảm xúc nuôi dưỡng những ý tưởng cho các tác phẩm sau này đối với Phạm Văn Hòa chính là vùng đất, con người quê anh. Hòa bảo, xa quê đã bao nhiêu năm, hòa mình vào cuộc sống thành thị nhưng vẫn không thể nào quên cái mùi đất, mùi bùn, mùi cỏ dại nơi quê hương yêu dấu. Có nhiều đêm nhìn con ngủ, mình lại thao thức nhớ tuổi thơ, nhớ mùi áo mẹ. Làm sao để con mình, cháu mình sau này biết được cuộc sống của những trẻ em nông thôn trước đây vất vả, lam lũ và đầy thú vị. Làm sao để chúng cảm thấy được cái vị nồng của bùn đất quê hương, mùi thơm của lúa, mùi ngai ngái của hoa cỏ đồng nội ám ảnh tâm hồn mỗi người… Cứ như thế, Hòa đã hình thành ý tưởng cho tác phẩm “Tuổi thơ 1”. Anh phác thảo ý tưởng đó trên máy, chỉnh sửa nhiều lần và quyết định về làng gốm Quyết Thành để có điều kiện, cảm xúc tạo tác nên một bức tượng gốm mang tên “Tuổi thơ” mà anh đã trăn trở bao tháng ngày. Bức tượng diễn tả một đứa trẻ nông thôn đeo giỏ tre, đầu đội mũ lá bắt cá ngoài đồng. Cậu bé ôm chiếc nơm tre tròn, thò tay bắt cá với vẻ mặt chờ đợi, sung sướng và rất mãn nguyện. Nhìn vào bức tượng, ai cũng hiểu được hồn cốt của câu chuyện, của những điều tác giả ngẫm nghĩ và gửi tâm hồn vào đó. Bức tượng dạt dào cảm xúc, thể hiện được đời sống vật chất và tinh thần của những đứa trẻ nông thôn tự nhiên và phong phú. Họa sỹ Nguyễn Ngần nhận xét: “Đó là một trong những tác phẩm xuất sắc của Hòa. Cậu ấy đã ấp ủ những dự định cho tác phẩm đó từ rất lâu. Phải là người có đời sống nội tâm phong phú, người từng có những trải nghiệm thực tế sâu sắc mới có ý tưởng và sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời như thế!”.
Chúc mừng Phạm Văn Hòa vì tác phẩm đã đoạt Giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2021 của Liên hiệp. Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam đã chọn tác phẩm này tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng năm 2021. Tại đây, một lần nữa tác phẩm lại được Ban tổ chức chọn giới thiệu tham dự Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Lâu lắm rồi, Hà Nam chưa từng có tác phẩm điêu khắc nào được đánh giá cao như thế. Tác phẩm “Tuổi thơ” của Phạm Văn Hòa đã đặt dấu mốc mới cho mỹ thuật Hà Nam ở hình thức nghệ thuật điêu khắc.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.