Người hy sinh trong cuộc vượt ngục lịch sử năm 1945

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:23 26/03/2022 Mai Hoa
Trong quá trình ra đời và lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng của Đảng bộ Hà Nam, có một bậc tiền bối đã có những đóng góp không nhỏ, góp phần tô thắm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà. Ông là Ngô Gia Bảy, sinh năm 1905, trong một gia đình nông dân nghèo ở thôn Hưng Công, xã Hưng Công, huyện Bình Lục.

Khi còn nhỏ, Ngô Gia Bảy học ở trường làng. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1927 ông trở thành hội viên của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở địa phương.

Tháng 10/1929, đồng chí Lê Công Thanh được cử về xây dựng các chi bộ Đảng ở Hà Nam, được đồng chí Vũ Khế Bật giới thiệu bắt liên lạc với các cơ sở Hội Việt Nam cách mạng thanh niên trong tỉnh. Những nơi đầu tiên hai đồng chí tới là Hưng Công, Cổ Viễn, Bỉnh Trung, Ngọc Lũ. Hội viên tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được tuyên truyền giác ngộ, giải thích về lý do, mục đích thành lập tổ chức Đảng, được học tập điều lệ, chính cương, sách lược của Đông Dương Cộng sản Đảng và lựa chọn hội viên ưu tú gia nhập tổ chức, gọi là chuyển Đảng. Chi bộ Đảng ghép Hưng Công – Cổ Viễn – Sơ Lâm chính thức được thành lập ở thôn Hưng Công, quê hương Ngô Gia Bảy và đồng chí làm Bí thư chi bộ. Tiếp đó 2 chi bộ ghép: Bỉnh Trung – Ngọc Lũ, Và – Vối ở huyện Bình Lục cũng được thành lập.

Chi bộ ghép do Bí thư Ngô Gia Bảy lãnh đạo, chỉ đạo tuy chỉ có 3 đảng viên nhưng đã thắp lên ngọn lửa có sức lan tỏa của Đảng. Ngô Gia Bảy đã trở thành một trong những Bí thư chi bộ lớp đầu của Đảng bộ Hà Nam. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, chi bộ ghép đủ điều kiện để tách ra thành lập các chi bộ độc lập. Chi bộ Hưng Công do đồng chí Ngô Gia Bảy làm Bí thư ra đời, đã lãnh đạo, chỉ đạo một hoạt động gây được tiếng vang. Ngày 22/8/1930, chi bộ tập hợp gần 300 người kéo lên huyện lỵ Bình Lục đấu tranh, tố cáo bọn hương lý, kỳ hào ở địa phương biển thủ tiền đóng góp của dân, tiền công làm quốc lộ 64, đòi giải tán Hội đồng hương chính. Trước sức ép mạnh mẽ của quần chúng, tri huyện Lạn buộc phải nhận giải quyết các yêu cầu.

Thi hành chỉ thị của Xứ ủy, đồng chí Lê Công Thanh triệu tập Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam. Tháng 9/1930, tại nhà ông Hữu Trạc ở thôn Lũng Xuyên (Yên Bắc, Duy Tiên) hội nghị được tổ chức để bàn về chủ trương, biện pháp phát triển Đảng, cử ra Ban Tỉnh ủy lâm thời và nhiều vấn đề quan trọng khác. Đồng chí Ngô Gia Bảy – Bí thư chi bộ Hưng Công tham dự hội nghị, trở về địa phương đồng chí đã bí mật truyền đạt nội dung hội nghị cho các chi bộ trong huyện Bình Lục.

Bất chấp sự khủng bố, đàn áp của địch, Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam đã họp ở đình Cổ Viễn (Hưng Công, Bình Lục) quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn, có tuần hành thị uy để ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào nông dân Tiền Hải (Thái Bình). Đúng như kế hoạch, ngày 20/10/1930 tại sân đình Triều Hội (Bồ Đề, Bình Lục) đã diễn ra cuộc mít tinh. Trước đông đảo các tầng lớp nhân dân, thay mặt Tỉnh ủy, đồng chí Ngô Gia Bảy diễn thuyết vạch rõ tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai, hô hào quần chúng đứng lên theo Đảng làm cách mạng.

Thi hành chỉ thị của Xứ ủy, để củng cố tổ chức Đảng, khôi phục phong trào cách mạng sau các cuộc khủng bố ác liệt của địch, ngày 22/1/1931, Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam lần thứ hai đã được tổ chức tại thôn Lũng Xuyên (Yên Bắc, Duy Tiên). Hội nghị ra nhiều quyết sách quan trọng và Ban Tỉnh ủy chính thức gồm 7 đồng chí, trong đó có Ngô Gia Bảy, đồng chí Lê Công Thanh giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy, các ủy viên được phân công phụ trách các mảng công tác và địa phương. Đồng chí Ngô Gia Bảy trực tiếp phụ trách các chi bộ Đảng và phong trào cách mạng huyện Bình Lục.

Xã Hưng Công, huyện Bình Lục - nơi ông Ngô Gia Bảy sinh ra. Ảnh: Thành Nam

Giữ trọng trách mới, đồng chí Ngô Gia Bảy chỉ đạo đẩy mạnh mọi mặt hoạt động Đảng bộ huyện, dẫn đến một sự kiện có ý nghĩa quan trọng về tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ. Tháng 4/1931, Ban Huyện ủy Bình Lục được thành lập gồm 3 ủy viên, đồng chí Ngô Gia Bảy giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng trong tỉnh và huyện Bình Lục dâng cao. Địch điên cuồng khủng bố, vây ráp hòng dập tắt phong trào. Tháng 1/1932, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Công Thanh bị địch bắt trong lần đi công tác ở tỉnh Nam Định. Ngày 18/3/1932, Bí thư Huyện ủy Bình Lục Ngô Gia Bảy và một số đảng viên bị địch bắt ở địa phương. Từ tháng 1 – 5/1932, địch tiến hành 7 cuộc vây ráp, lùng sục lớn, bắt ở Hà Nam 3 Tỉnh ủy viên, nhiều đảng viên và quần chúng cách mạng. Ban Tỉnh ủy hầu như ngừng hoạt động, phong trào cách mạng Hà Nam tạm thời thoái trào.

Đầu năm 1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân tiến bộ lên nắm chính quyền ở Pháp đã ban hành một số chính sách nới lỏng quyền tự do dân chủ, ân xá chính trị phạm ở các thuộc địa. Trước yêu cầu của chính phủ ở chính quốc và phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi thả chính trị phạm, bọn thống trị Pháp ở 3 nước Đông Dương đã phải thả hàng ngàn tù chính trị. Đồng chí Ngô Gia Bảy và nhiều đảng viên, quần chúng cách mạng ở Hà Nam được trả tự do. Ra tù mặc dù bị quản thúc, đồng chí Ngô Gia Bảy đã tìm cách bắt liên lạc với các tổ chức Đảng, các hội quần chúng trong huyện Bình Lục.

Cuối năm 1936, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đổ, chính phủ phản động lên thay, trở lại chính sách đàn áp, khủng bố khốc liệt ở các thuộc địa. Phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, Hà Nam nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng gặp vô vàn khó khăn thử thách.

Giữa năm 1937, Xứ ủy cử đồng chí Đặng Hữu Rạng – Xứ ủy viên về Hà Nam chuẩn bị cho việc thành lập lại Ban Tỉnh ủy chính thức. Đồng chí Rạng đã gặp gỡ các đồng chí Ngô Gia Bảy, Nguyễn Đức Quỳ, Nguyễn Thượng Cát, Lê Hồ, Phan Văn Huệ, Nguyễn Hữu Hựu để trao đổi bàn bạc, thống nhất. Đầu năm 1938, Ban Tỉnh ủy chính thức được tái lập, đồng chí Nguyễn Đức Quỳ làm Bí thư.

Địch ngày càng tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng ở Hà Nam. Riêng ở huyện Bình Lục địch đã tổ chức vây ráp, càn quét tập trung vào các xã Hưng Công, Cổ Viễn, Ngọc Lũ, Đồng Du, Bồ Đề, Vụ Bản. Đồng chí Ngô Gia Bảy và nhiều đảng viên, quần chúng ưu tú bị địch bắt trong đợt vây quét lớn từ ngày 23 – 26/1/1941.

Đồng chí Ngô Gia Bảy bị địch giam giữ ở căng Bá Vân (nay thuộc xã Bình Sơn, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên). Đầu năm 1945, thực dân Pháp giải thể căng này, đồng chí Bảy và gần 100 tù chính trị bị địch đưa về giam giữ tại căng được xây dựng trên đồi Pú Chạng, xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

Trong tù, Ngô Gia Bảy luôn giữ vững khí phách người Đảng viên Cộng sản, cùng các đồng chí đảng viên trong chi bộ ở hai căng Bá Vân, Nghĩa Lộ biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, trau dồi, nâng cao chí khí người cộng sản.

Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Quân Pháp tan rã nhanh chóng, tình thế cách mạng thay đổi theo hướng có lợi cho ta. Chi bộ Đảng căng Nghĩa Lộ quyết định tổ chức vượt ngục cho toàn bộ tù chính trị để trở về tham gia lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng. Ban đầu cuộc vượt ngục được ấn định vào đêm 15/3/1945 nhưng gặp bất trắc nên phải hoãn đến đêm 18/3/1945.

Chiều ngày 17/3/1945, tình huống bất ngờ xảy ra khi tên Phó sứ Yên Bái Penlie cùng Xiver – Đồn trưởng Nghĩa Lộ vào kiểm tra căng. Một số anh em chính trị phạm do nôn nóng đã xông đến quật ngã tên phó sứ, bắt tên này phải ra lệnh mở cửa trại giam, giải thoát tù chính trị. Trong khi hai bên đang vật lộn, tên Quản Nhượng đã giằng súng của lính gác và bắn làm 2 đồng chí của ta hy sinh. Hai tên Pháp cùng Quản Nhượng thoát ra ngoài.

Chính trị phạm ùa ra khỏi cổng trại, dìu nhau thoát khỏi vòng vây quân thù. Trong khi bạo động xảy ra địch đã nổ súng làm hy sinh 9 chiến sỹ cách mạng của ta, trong đó có Ngô Gia Bảy, Phạm Văn Vy (sinh năm 1917) cùng quê xã Hưng Công, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Ngô Gia Bảy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục đầu tiên, tên ông của đã được khắc ghi trên Đài tưởng niệm căng Nghĩa Lộ, Yên Bái, lưu danh trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Ông đã được Nhà nước ta công nhận là Liệt sỹ và năm 2000 được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Công bố biểu trưng (logo) du lịch Hà Nam

Du lịch  |  18:33 25/11/2024

Sau 5 tháng phát động (từ tháng 3 đến hết ngày 31/8/2024) Cuộc thi Thiết kế, sáng tác biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Hà Nam, Ban Tổ chức nhận đã tiếp nhận 275 tác phẩm, bao gồm 127 logo; 148 slogan.

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Chính trị  |  15:19 25/11/2024

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đại hội Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nam nhiệm kỳ 2024-2029

Văn học - Nghệ thuật  |  14:43 25/11/2024

Sáng 25/11, tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nam, Chi hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam tại Hà Nam tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC