Tại một số khu vực chợ như: chợ Bầu, chợ phường Châu Sơn, chợ Phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý), giá cả nhiều mặt hàng tăng đáng kể so với thời điểm sau Tết Nguyên đán, với mức tăng lên tới hàng chục phần trăm. Trong đó, mặt hàng thủy, hải sản và thực phẩm tươi sống như cá, tôm, cua, mực, thịt vịt, thịt gà, thịt bò tăng từ 10-30.000 đồng/kg. Một số sản phẩm rau, củ, quả, nhất là rau ngót, bí xanh, hành tươi, rau gia vị, cam, xoài… có giá bán tăng từ 10-30% (tùy ngày). Cụ thể, cam canh tăng giá từ 35.000 đồng lên 45-50.000 đồng/kg; xoài Cát Chu tăng từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng/kg; rau ngót tăng từ 4.000 đồng lên 7-8.000 đồng/mớ; bí xanh tăng từ 20.000 đồng lên 30.000 đồng/kg…
Kết quả khảo sát một số cửa hàng tạp hóa trên địa bàn TP Phủ Lý cho thấy, các nhu yếu phẩm, hóa mỹ phẩm cũng dồn dập tăng giá. Hiện, các cửa hàng đang bán sản phẩm đường, sữa, dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm, bia… tăng 10-30% so với đầu năm. Tăng cao nhất là mặt hàng dầu ăn với mức tăng gần 40%.
Theo chủ các cửa hàng tạp hóa, chưa có năm nào mà giá hàng hóa lại liên tục tăng trong quý I, nhất là từ đầu tháng 3/2022. Nguyên nhân được nhiều tiểu thương cho biết là do giá xăng dầu tăng nên các đầu mối lấy hàng đều đã báo giá cao hơn. Dự đoán trong thời gian tới, giá có thể còn tiếp tục tăng.
Chị Phạm Thị Thủy, một công nhân lao động tạm trú tại Tổ 6, Phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý cho biết: Tôi thường mua mắm, muối, mỳ chính, hóa mỹ phẩm để dùng đủ trong một tháng. Tuần trước, tôi ra cửa hàng mua đồ và vô cùng bất ngờ khi giá của hầu hết các sản phẩm đều tăng, nhất là nước mắm, dầu ăn. Việc hàng hóa tăng giá theo giá xăng là điều dễ hiểu nhưng có những sản phẩm có mức tăng lên đến 30% như hiện nay thì cao quá. Bình thường, mỗi lần mua đồ gia vị tôi chỉ mất khoảng 500.000 đồng thì nay đã tăng lên trên 600.000 đồng; còn tiền đi chợ hằng ngày từ mức 100.000 đồng đã tăng lên 150.000 đồng. Ngoài ra, giá xăng tăng kéo theo giá gas liên tục tăng khiến tôi rất khó khăn trong việc cân đối các khoản chi tiêu trong gia đình. Tôi phải cắt bỏ một số khoản chi tiêu không thật sự cần thiết.
Giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng “leo thang” không chỉ khiến người mua lẻ gặp khó mà các tiểu thương lấy hàng từ chợ đầu mối về bán hay cửa hàng kinh doanh ăn uống quy mô nhỏ cũng đang loay hoay với “bài toán” bán hàng có lãi khi chi phí đầu vào ngày càng cao.
Không dám tăng giá bán vì sợ mất khách trong bối cảnh người dân đang phải thắt chặt chi tiêu sau ảnh hưởng của dịch Covid -19, một số cửa hàng bán đồ ăn nhanh, đồ ăn sáng phải chấp nhận kinh doanh gần như hòa vốn trong một thời gian để chờ giá cả hàng hóa “hạ nhiệt”.
Chị Nguyễn Hồng Liên, chủ quán bánh cuốn chả trên Đường Lý Thường Kiệt, TP Phủ Lý cho biết: Cửa hàng tôi duy trì giá bán 25.000 đồng/suất đã 3-4 năm nay. Trong khi đó, giá nhân công, giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng, đặc biệt là trong khoảng thời gian này. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận không còn bao nhiêu. Tuy nhiên, tôi vẫn đang cân nhắc, chứ chưa dám tăng giá bán.
Trước thực trạng giá cả hàng hóa tăng cao, các ngành, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh như Cục Quản lý thị trường, Sở Công thương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời nắm bắt thông tin khi xuất hiện tình trạng tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu, lương thực, thực phẩm, các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, nhà phân phối tổ chức các chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng như áp dụng các hình thức khuyến mại, giảm giá, tặng kèm sản phẩm khi mua hàng; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh nhấn mạnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức ký cam kết với các đại lý, đơn vị phân phối hàng hóa quy mô lớn bán hàng đúng giá, không đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường, bảo đảm cân đối cung - cầu, lưu thông hàng hoá thông suốt, ngăn chặn kịp thời hiện tượng “té nước theo mưa”, đầu cơ trục lợi, lợi dụng dịch bệnh, giá xăng tăng để tăng giá bất hợp lý.
Chiều 6/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp mặt, chúc mừng, biểu dương, khen thưởng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam vừa giành chức vô địch Giải bóng đá Đông Nam Á - ASEAN Cup 2024. Đây cũng là lần thứ 3 các cầu thủ Việt Nam giành chức vô địch tại giải đấu này.
Nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22 tháng 8 năm 2024 (Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn) bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Sáng 6/1, Cục Thống kê tỉnh đã tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2024 và kế hoạch năm 2025. Theo đó, năm 2024, nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do biến động của kinh tế toàn cầu làm ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh, song với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.