Lá thư gửi chồng thời chiến và hành trình dài 35 năm

Quê hương núi Đọi sông Châu 06:08 20/03/2022 Phạm Hiền
Lá thư bà Kim Thanh gửi đi năm 1967, sau 35 năm, đến năm 2002 chồng bà mới nhận được. Lúc này, đất nước đã thống nhất 27 năm, vợ chồng bà Kim Thanh đã đoàn tụ được gần 30 năm...

Như bao người phụ nữ Việt Nam thủy chung, chịu thương, chịu khó, yêu quê hương đất nước, năm 1967, sau khi nhận được thư chúc Tết của chồng từ chiến trường, bà Kim Thanh, xã An Ninh, huyện Bình Lục vội viết thư hồi âm cho chồng là Lê Trọng Ngọ, hòm thư 9156 NĐ. K6, C3. Ngoài thông báo tình hình của gia đình, địa phương, động viên chồng yên tâm chiến đấu, qua thư bà còn gửi gắm biết bao tình cảm thân thương của người vợ nơi quê nhà luôn hướng về chồng, gửi gắm niềm tin yêu, chiến thắng của gia đình và cả quê hương tới người nơi chiến tuyến.

Điều đặc biệt, lá thư bà Kim Thanh gửi đi năm 1967, sau 35 năm, đến năm 2002 chồng bà mới nhận được. Lúc này, đất nước đã thống nhất 27 năm, vợ chồng bà Kim Thanh đã đoàn tụ được gần 30 năm. 

Kể về hành trình dài 35 năm của lá thư gửi chồng thời chiến, ông Lê Trọng Ngọ, chồng bà Kim Thanh bồi hồi nhớ lại: Tôi nhập ngũ ngày 31/5/1965. Tháng 11/1965, tôi cùng đồng đội (Đoàn 530) hành quân đi B, vào chiến đấu tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Ngày 28/1/1967 (tức ngày 18 tháng Chạp năm Bính Ngọ), nghe đồng chí cán bộ đại đội nói là hai ngày tới cả khu vực ATK có một chuyến chuyển thư ra Bắc bằng máy bay qua nước bạn Cam-pu-chia, tôi vội biên vài dòng gửi thư về chúc Tết mẹ và vợ nơi quê nhà. Chiến trường hết sức ác liệt, trong trận càn Gian-xơn Xi –ti, tôi bị lạc đơn vị và bị địch bắt chiều ngày 26/2/1967 (sau gần 1 tháng gửi thư). Thời điểm ấy, đồng đội cùng đơn vị đều nghĩ tôi đã hy sinh trong cuộc chiến.

Ngày 18/8/1967, sau khi nhận được thư chúc Tết của tôi gửi về, Kim Thanh - vợ tôi biên ngay thư gửi vào cho tôi. Thư vợ tôi gửi tới tiểu đoàn bộ K6 ngày 20/3/1968. Nghĩ tôi đã hy sinh, anh Trần Đức Tịch – đồng hương cùng tiểu đoàn, người đồng đội thân cận nhất của tôi đã thay tôi nhận thư. Cầm lá thư trên tay, anh Tịch rất xúc động (vì nghĩ tôi đã hy sinh) cẩn thận viết vào góc dưới của lá thư dòng chữ: Người đồng hương của tôi đã hy sinh ngày 26/2/1967, trong trận càn Gian-xơn Xi –ti trong cuộc giải vây cho cơ quan công đoàn.

Ông Lê Trọng Ngọ - chồng bà Kim Thanh đã nhận được thư sau 35 năm.

Năm 1972, anh Tịch được ra Bắc, tới thăm mẹ và vợ tôi, anh nói: Cháu là người nhận và giữ bức thư Kim Thanh gửi cho Ngọ nhưng do thư để lẫn với nhiều thư và giấy tờ quan trọng khác hiện chưa tìm thấy. Lúc ấy, anh Tịch tưởng mẹ và vợ biết tôi đã hy sinh nên không nói gì, chỉ hỏi thăm sức khỏe, động viên hai người cố gắng. Ngày 12/7/1973, tôi được trao trả trở về với đồng đội, với quê hương, với đất nước tại bến sông Thạch Hãn sau 6 năm bị giam cầm trong các nhà lao đế quốc. 

Cuối năm 1973, tôi về phép lần đầu có xuống thăm anh Tịch, anh bất ngờ đến sững sờ. Nghe tôi kể chuyện, anh mừng lắm, lúc chia tay ra về anh nói: Tôi còn nợ Ngọ bức thư vợ Ngọ gửi, tôi nhận và giữ từ ngày 20/3/1968. Bao năm qua, tôi tìm đi, tìm lại vẫn chưa thấy. Bẵng đi thời gian dài, mãi đến mùa mưa ngâu năm 2002, anh Tịch mang những thư từ, giấy tờ cũ ra đọc và sắp xếp lại. Phát hiện thấy lá thư của vợ tôi kẹp trong tập giấy tờ quan trọng, anh vô cùng mừng rỡ, vội đạp xe tới nhà trao trả lại cho tôi kỷ vật thiêng liêng mà anh trăn trở tìm kiếm bấy lâu.

Cầm trên tay lá thư vợ viết 35 năm trước, tôi xúc động nghẹn ngào. Chiến tranh đã qua 27 năm, vợ chồng tôi cũng đã đoàn tụ gần 30 năm, nhưng từng dòng chữ chứa đựng bao tình cảm yêu thương, động viên và thể hiện trọn vẹn niềm tin đối với người lính xa nhà khiến tôi trào nước mắt. Lá thư đó đã được in trong cuốn Nhật ký chiến sỹ và những lá thư thời chiến, NXB VH-2012. 

Trải qua những năm tháng hết sức gian khổ ở nơi được coi là “địa ngục trần gian”, tôi là người lính may mắn có ngày trở về với gia đình, với quê hương – ông Ngọ xúc động nói. Trong những năm tháng chiến đấu gian khổ nơi chiến trường, hay khi bị địch bắt, bị giam cầm trong tăm tối nhà lao đế quốc, những người lính chúng tôi luôn thầm cảm ơn những người mẹ, người vợ thủy chung, luôn động viên, tin tưởng, một lòng son sắt chờ con, chờ chồng chiến thắng trở về. Những lá thư từ miền Bắc gửi vào Nam ngày ấy chính là nguồn động viên, khích lệ chúng tôi vững tay súng, quyết chiến đấu chống kẻ thù. Giữ đúng lời hứa như trong bức thư, vượt qua muôn vàn khó khăn, vợ tôi luôn chung thủy chờ chồng, lo trọn việc nhà, hoàn thành tốt mọi công việc xã hội.

Giờ là những ngày giữa tháng ba, đã qua Ngày Quốc tế Phụ nữ, nhưng tôi vẫn muốn gửi lời cảm ơn và tri ân tới những người vợ, người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam từng “nuốt lệ” tiễn chồng, con ra trận ngày ấy, để quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Với tôi, lá thư nhận được sau 35 năm mãi là kỷ vật thiêng liêng, tôi luôn trân trọng và giữ gìn.

Nội dung lá thư bà Kim Thanh gửi chồng 35 năm trước 

“An Ninh, ngày 18/8/1967 Anh yêu thương.

Giữa lúc quân và dân toàn miền Bắc đang vui mừng vì lập được nhiều chiến công oanh liệt bắn rơi và bắt sống được nhiều giặc Mỹ lái máy bay. Thì nhân lúc này em cũng vui mừng nhận được thư anh từ miền Nam yêu dấu gửi ra. Nhận được thư anh, lòng em phấn khởi, tuy có vài dòng ngắn ngủi thư chúc Tết, nhưng toàn gia đình ai cũng vui mừng vì biết anh vẫn khỏe và đang trực tiếp chiến đấu với bọn cướp nước.

Anh! Từ hồi anh xa gia đình đến nay thì nói chung hai bên gia đình họ nương nội ngoại vẫn mạnh khỏe, đang thi đua sản xuất và chiến đấu trên chiến trường miền Bắc. Còn mẹ hiện giờ vẫn ở với chị trông cháu cho anh Vinh đi học bác sĩ. Còn riêng em bây giờ khỏe và béo lắm anh ạ. Em không sợ gì nữa, em không yếu ớt như hồi anh ở nhà nữa đâu, tính nết em cũng thay đổi, bao giờ thống nhất anh về thì thấy gia đình và em có thay đổi toàn diện. Anh ạ, em ở ngành giáo dục hai năm, hiện giờ em đang được đi bồi dưỡng văn hóa 9 tháng để hết cấp 2. Bây giờ em tiếp tục học “6”, học ở gần quê em. Còn chính trị của em hiện nay đã xây dựng lý lịch rồi, những tiêu chuẩn anh giao cho em cũng gần hoàn thành, anh vui mừng chứ!

Còn về phần chuyển nhà thì em học xong, em về thì em mới chuyển, độ khoảng trong vòng tháng giêng năm 68 chuyển ra chỗ đất kho cũ, gần bà anh ạ. Còn cậu Bầu chuyển rồi, ở sau bà Chiêm.

Anh yêu mến! Anh cứ yên tâm chiến đấu, em mong anh chiến đấu sao cho xứng là một đảng viên ưu tú. Còn bao nhiêu công việc gia đình anh hãy tin em là người vợ đảm đang của anh, em sẽ đảm đương tất cả. Còn riêng bản thân em được mọi người giúp đỡ về mọi mặt thì anh cũng yên chí nhé.

Anh thương mến! Em muốn viết nhiều nhưng không cho phép, chờ khi nào thống nhất anh về em nói nhiều anh nghe.

Cuối cùng em mong anh mạnh khỏe, có đủ nghị lực để đánh tan bọn cướp nước cho nhân dân hai miền Nam Bắc sớm sum họp.

Cho em gửi lời thăm sức khỏe anh Ngà cùng toàn thể các đồng chí của anh. À, thầy mẹ và họ nương hai bên cùng các bạn của anh gửi lời thăm sức khỏe anh đấy.

Vợ chung thủy của anh!

Kim Thanh”

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC