Sự tích về các vị thần thôn Yên Lạc

Quê hương núi Đọi sông Châu 05:54 18/03/2022 Chu Bình
Thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) thờ ba vị thần: Thủy Phủ, Chính cung Nhân từ Hoàng hậu, Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế Đại vương.

Thủy đình thuộc đền Lảnh Giang nơi thờ tam vị thủy thần.

Theo Thần tích ở thôn Yên Lạc, Thủy Phủ là ba vị thần rắn, con của một thôn nữ tên Quý ở trang Đào Động (thuộc Quỳnh Phụ, Thái Bình) với Bát Hải Long Vương. Nàng Quý một lần ra sông tắm, bỗng thấy một con giao long bơi thẳng đến rồi quấn quanh người nàng ba vòng. Từ đó, nàng Quý mang thai. Người trong làng bàn tán không chồng mà chửa, nàng Quý xấu hổ đã đến trang Hoa Giám (thuộc thôn Yên Lạc) và lưu lại đây. Đến lúc trở dạ nàng sinh ra một bọc, cho là quái lạ bèn vứt ra ngoài cửa biển. Chiếc bọc lại trôi về Đào Động, được một ngư dân vớt lên mở ra thì bên trong có ba con rắn. Con thứ nhất về ở cửa sông Đào Động, con thứ hai về cửa sông Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám ở cùng mẹ.

 Lúc đó là cuối đời Vua Hùng Duệ Vương, nhà vua sinh được hai mươi hoàng tử và sáu công chúa nhưng đều mất sớm, chỉ còn lại hai công chúa là Tiên Dung đã lấy Chử Đồng Tử và công chúa Ngọc Hoa đang tuổi trăng tròn, hôn nhân chưa định. Vua Hùng Duệ Vương dựng lầu kén rể, đáp ứng đủ yêu cầu về sính lễ, Sơn Thánh đã được chọn làm phò mã và được Vua Hùng nhường ngôi. Lúc này, Thục Phán biết Vua Hùng Duệ Vương không có con trai, đem binh mã tiến đánh. Khí thế giặc dũng mãnh, Vua Hùng Duệ Vương lập đàn cầu trời đất, bách thần. Đêm ấy, Vua nằm mộng thấy sứ giả thiên đình bảo: Bọn giặc này là giặc dữ, thiên đình đã cho tướng tài xuống giúp. Nay ba vị thủy thần đã giáng sinh ở vùng Quỳnh Anh, phủ Thái Bình, đạo Sơn Nam nhưng đều còn giữ lốt rắn, xin bệ hạ sai sứ giả triệu về khiến họ biến thành người cùng Sơn Thánh đi đánh quân Thục thì ngày chiến thắng có thể định trước được. Vua bừng tỉnh sai sứ giả đi tìm ba vị thủy thần. Sứ giả đến trang Đào Động, bỗng nhiên trời đất tối tăm, gió to, mưa lớn, cửa sông sóng nước cuồn cuộn nổi lên, rắn liền đổi lốt thành người, mình cao tám thước, thân cá, mặt rồng, có sức địch muôn người. Thần về trang Hoa Giám bái yết mẹ già rồi cùng hai em về triều. Trước sức mạnh của các tướng tài, giặc Thục thua chạy tan tác, đất nước thái bình. Được vài năm, vào ngày hai mươi lăm tháng Tám, mùa thu năm Bính Dần, các ông đều hóa về trời. Tại trang Hoa Giám, các ông được xây đền thờ phụng. Thôn Yên Lạc có tên nôm là làng Lảnh, đền nằm bên sông nên đền được gọi là Lảnh Giang.

Vị thần thứ hai được nhân dân thôn Yên Lạc thờ là Chính cung Nhân từ Hoàng hậu. Bà là một trong ba hoàng hậu của Hùng Duệ Vương, là mẹ của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa. Công chúa Tiên Dung có sắc đẹp chim sa cá lặn, nàng đã mười tám tuổi nhưng nhân duyên chưa định, nàng không muốn lấy chồng, chỉ xin vua cha được du ngoạn khắp thiên hạ. Vua yêu con gái không ngăn cấm. Hằng năm, cứ đến tháng ba, tháng tư nàng dùng thuyền đi chơi, nhiều khi vui đến quên về. Một lần đi qua hương Chử Xá (thuộc Hưng Yên ngày nay), trong hương có Chử Đồng Tử nhà nghèo không có quần áo mặc, ban ngày thường ngâm mình dưới nước để tránh mọi người. Một hôm bỗng nghe thấy tiếng đàn sáo, chuông trống réo rắt, khua vang, lại thấy kẻ hầu người hạ đông nghịt, Đồng Tử sợ chạy vào bụi lau vùi mình xuống cát trốn. Chẳng ngờ, Tiên Dung bỗng thấy bến sông đẹp liền cho thuyền dừng lại, chọn đúng bụi lau nơi Đồng Tử trốn, sai quây màn tắm. Nàng vừa dội nước, cát trôi thì thấy Đồng Tử lộ ra. Công chúa cho là duyên trời định, bằng lòng lấy Đồng Tử làm chồng. Vua cha và Hoàng hậu không bằng lòng nên công chúa sợ không dám về hoàng cung. Hoàng hậu buồn rầu, xin vua cho sửa soạn thuyền bè, chọn ca nhi, vũ công đi du ngoạn thiên hạ. Một lần qua bến Lảnh, Hoàng hậu lên chơi trang An Bảo (là tên cũ của thôn Yên Lạc) thấy lúa má tốt tươi, dân thôn no đủ, phong tục thuần hậu, liền sai lập hành cung nghỉ lại. Hoàng hậu khuyến khích dân cày cấy, lại phát vàng, lụa, tiền chẩn cấp cho người nghèo và tu sửa đền chùa.

Dân mang ơn gọi là Thánh nữ công chúa. Khi giặc Thục kéo quân sang xâm lấn, Hoàng hậu trở về xin Duệ Vương cử mười vạn quân cùng Tản Viên Sơn Thánh theo đường biển vào châu Hoan cự giặc. Quân của Hoàng hậu và Sơn Thánh thủy bộ cùng tiến, đánh một trận quân Thục đại bại, giày xéo lên nhau mà chạy. Dân An Bảo vui sướng xin lập sinh từ thờ sống Hoàng hậu, sau này lấy đấy làm nơi thờ cúng. Hoàng hậu bằng lòng, xin vua miễn trừ tô thuế, lao dịch cho dân An Bảo để sau này đèn hương thờ phụng. Sau khi Thánh nữ công chúa mất, dân làng đã xây đền lập bài vị tứ thời cúng tế.

Lê Thái Tổ Cao Hoàng đế Đại vương, húy danh Lê Lợi, là người ở Lam Sơn (Thanh Hóa). Bấy giờ, giặc Minh xâm lược, chia nước ta thành quận, huyện để cai trị. Vốn có chí dẹp loạn, ngài để tâm chiêu mộ hào kiệt khắp nơi. Giặc Minh dụ ngài hàng nhưng ngài cự tuyệt. Thế rồi ngài khởi binh ở Lam Sơn tự xưng là Bình Định Vương tiến đánh giặc Minh. Quân giặc đại bại, dẫn quân trốn về Bắc. Thiên hạ thái bình, nhà vua cho mở mang việc học, đúc tiền, định luật chế tác nhạc lễ… làm cho nước Đại Việt được thịnh trị. Ông được tôn thờ ở nhiều nơi, trong đó ở thôn Yên Lạc có đền thờ ông. Hằng năm, dân làng tổ chức tế lễ vào ngày sinh và ngày hóa của Lê Thái Tổ.

Ngoài thôn Yên Lạc, ở xã Mộc Nam còn có rất nhiều đình, đền, chùa cổ với sự tích phong phú nên nơi đây khá phát triển về du lịch tâm linh. Biết được sự tích các vị thần, thánh được thờ phụng trên đất quê hương sẽ làm lớp hậu thế biết thêm về lịch sử nơi mình sinh ra lớn lên, những ước vọng cao đẹp, những phong tục tập quán và là nguồn tư liệu để địa phương có những định hướng phát triển văn hóa, du lịch phù hợp.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Hội Cựu chiến binh tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân

Đoàn - Hội  |  10:36 01/12/2024

Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh hiện có hơn 46.000 hội viên, sinh hoạt ở 166 tổ chức cơ sở hội, 721 chi hội. Ngoài ra, toàn tỉnh đã vận động được gần 30.000 cựu quân nhân tham gia sinh hoạt tại 731 câu lạc bộ, ban liên lạc ở các thôn, tổ dân phố. Đây là lực lượng đông đảo, có uy tín, tâm huyết, gương mẫu trong tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phong trào thi đua; xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân.

Độc đáo công nghệ quân sự Việt Nam - bài học về xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại-Bài 2: Kế thừa truyền thống công nghệ quân sự của dân tộc

Quốc phòng  |  05:55 01/12/2024

Những đặc trưng công nghệ quân sự Việt Nam góp phần đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược được kế thừa từ hàng nghìn năm của dân tộc. Việt Nam có “mặt tiền” trông ra Biển Đông, là nơi dừng chân qua lại giữa hai đại dương lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vừa có điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu các nền văn minh trên thế giới, nhưng cũng là tâm điểm “nhòm ngó” của các thế lực bành trướng, xâm lược. Do trải qua nhiều thế kỷ chống kẻ thù xâm lược nên người Việt đã sớm biết chế tạo và sử dụng vũ khí để đánh giặc.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC