Tục dâng sao giải hạn thực ra có nguồn gốc Trung Quốc. Xuất phát từ quan niệm mỗi năm, con người sẽ ứng với một sao chủ trong 9 ngôi sao cửu diệu. Cuộc đời con người phải trải qua các sao Thái Dương, Thái Âm, Mộc Đức, Kế Đô, La Hầu, Thái Bạch, Thổ Tú, Vân Hán, Thủy Diệu. Trong đó, các sao: Thái Dương, Thái Âm được coi là những sao tốt, còn La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch là những sao xấu nên nếu ai bị những ngôi sao đó chiếu mệnh thì sẽ làm hại đến sức khỏe, tiền tài, vận mệnh con người. Vì vậy, với mong muốn hóa giải những sao chiếu mệnh xấu, nhiều người làm lễ dâng sao giải hạn để xua đi những điều xui xẻo, tồi tệ và đón nhận may mắn, hạnh phúc trong năm mới. Lễ này thường diễn ra vào dịp đầu năm. Vì thế, vào thời điểm này, nhiều ngôi chùa, đền, phủ đều đông nghẹt người đến dâng lễ cúng sao. Vậy, dâng sao giải hạn là một nghi lễ tâm linh hay chỉ là sự cuồng tín?
Theo nhà nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Văn Cường (Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam), cho đến nay, chưa một căn cứ khoa học nào chứng minh có sự xuất hiện của 9 ngôi sao ấy trên bầu trời, vì thế dâng sao giải hạn vốn chỉ là nghi lễ tâm linh trong dân gian nhằm đem lại sự an tâm… Tuy nhiên, nhiều năm trước đây, tại một số ngôi chùa, đền, phủ đã xảy ra tình trạng quá tải, người đến đăng kí, chờ làm lễ dâng sao giải hạn đông nghịt, điển hình là đền Lảnh Giang. Nhưng hai năm trở lại đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các hoạt động dâng sao giải hạn cũng thay đổi.
Thực hiện các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch nên các hoạt động đông người tại các cơ sở tín ngưỡng cũng giảm hẳn so với trước đây. Thay vì dâng sao giải hạn tại chùa, đền, phủ, nhiều người có xu hướng mời thầy về làm lễ tại nhà. Mà giá dâng sao giải hạn tùy vào mức các cơ sở tín ngưỡng, hoặc một số cá nhân thầy cúng tự đưa ra, chứ không có một quy định chung nào cả. Ít thì vài trăm nghìn đồng, có khi lên đến vài triệu đồng, nhiều trường hợp cuồng tín còn chi cả hàng trăm triệu đồng để lập đàn với mong muốn lỡ vướng vào sao xấu thì sẽ được hóa giải và cầu cho năm mới được như ý nguyện của mình nhưng sao xấu chưa được hóa giải mà gia đình đã ly tán.
Điển hình như trường hợp của vợ chồng anh T. ở Bình Lục, vì là dân làm ăn nên anh chị rất tín mấy chuyện tâm linh. Đều như vắt chanh, năm nào, Tết ra anh chị cũng tất bật sắm sanh đồ lễ để mời thầy cúng sao giải hạn cho cả nhà, năm thì lễ ở chùa, năm thì lễ ở nhà. Đồ lễ tùy từng năm, có năm nhẹ nhàng thì vài triệu nhưng có năm nhiều sao xấu chiếu mệnh thì lên tới vài chục triệu. Nhưng phúc lộc chưa thấy đâu thì vợ chồng đã lục đục vì tiền lễ mất nhiều mà làm ăn vẫn khó khăn, thua lỗ triền miên, nợ chồng nợ, anh bỏ đi biệt xứ, gia đình thì ly tán. Không đến mức ly tán như gia đình anh T., gia đình anh S. ở Phủ Lý cũng sa đà vào chuyện dâng sao giải hạn. Năm nào cũng bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua vàng mã về đốt, chưa kể tiền mời thầy chùa về cúng giải hạn nhưng bản thân anh lại mắc vào lô đề, cờ bạc, cá cược nên nhà cửa cũng tiêu tan…
Trò chuyện với một số người thường xuyên làm lễ dâng sao giải hạn hằng năm được biết, họ thực hiện nghi lễ này vì làm theo người khác, dù không thực sự tin nhưng thấy người khác mách thì cũng làm cho yên tâm. Nhiều người còn cho biết họ chỉ đi lễ chùa cầu an đầu năm như một nghi thức văn hóa tâm linh thôi. "Tôi nghĩ trong đời người, chuyện may mắn và rủi ro luôn song hành, năm nào cũng có. Nếu có rắc rối, khó khăn xảy ra thì tôi tìm cách giải quyết nó chứ không tin chuyện giải hạn bằng cúng sao", B.H ở TP Phủ Lý chia sẻ.
Cũng cùng quan điểm như chị B.H, bà Nguyễn Thị Q. ở thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) cho rằng: Theo tôi, quan niệm cúng sao giải hạn chỉ là một nghi lễ tâm linh trong dân gian, không có trong giáo lý nhà Phật và hoàn toàn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó. Rất nhiều trường hợp đi cúng đông, cúng tây nhưng vẫn gặp tai họa đó thôi. Việc tin vào những thứ mơ hồ như có sao xấu, sao tốt, ngày giờ đẹp, đồng nghĩa với việc con người ta tự gieo nỗi sợ hãi vào bản thân mình. Nhiều người phải bỏ ra số tiền không nhỏ để cúng bái, giải trừ những thứ đáng sợ mơ hồ mà họ tự huyễn hoặc. Họ luôn tin có một thế lực siêu nhiên nào đó không tồn tại ngoài hiện thực sẽ mang đi những tai ương của mình. Với tôi, họa hay phúc thì đều là từ bản thân con người mà ra. Dâng sao giải hạn giống như bỏ tiền mua sự an tâm, đánh lừa chính bản thân mình, thiếu tự tin vào bản thân…
Vẫn biết, phàm là con người sống ở trên đời, ai cũng mong muốn bản thân mình và người thân trong gia đình luôn được an lành, không gặp phải những điều xấu trong cuộc sống nhưng vấn đề cốt lõi là mỗi người phải ý thức tự mình tu tâm, tích đức, luôn lạc quan, yêu cuộc sống. Chỉ khi ta nhìn đời bằng con mắt tích cực, mạnh mẽ đón nhận và vượt qua những khó khăn mà ta gặp phải thì ắt ta sẽ có được sự bình an. May mắn hay giàu có không phải cứ cầu mà được, lễ mà có. Điều này, hoàn toàn không có trong giáo lý đạo Phật.
Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng có ý kiến, việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống; còn nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Như lời Đại đức Thích Đạo Duyệt, trụ trì chùa Ninh Tảo, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm: Trong giáo lý nhà Phật không có việc cúng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này. Bởi, không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm, Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu…
Trong cuốn "Bước đầu học Phật" của Hòa thượng Thích Thanh Từ có nói: "Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”. Chúng tôi không khuyến khích bà con, phật tử đốt vàng mã, rải vàng mã một cách bừa bãi, lãng phí, không đúng văn hóa cũng như chuyện cúng sao giải hạn một cách ồ ạt, phong trào, lạm dụng chuyện đó để nhiều đối tượng trục lợi, móc túi nhân dân, mê hoặc nhân dân. Hãy tự nguyện, tự giác ngộ chuyện này, cần hay không cần trong đời sống mà thôi. Chùa là chốn trang nghiêm, linh thiêng, đi chùa để lễ bái, cúng dường, vãng cảnh. Chúng ta đến chùa lễ bái, cúng dường để được ngũ công đức, hay còn gọi là 5 sự may mắn cho kiếp sau như hình tướng đẹp, giọng nói hay, giàu có, sang trọng, sinh lên các cõi trời. Lễ bái chỉ cầu danh lợi, mang theo cái tâm kiêu ngạo phạm vào tà lễ…
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện Hà Nam có khoảng hơn 1.000 đình, chùa, miếu, phủ… Các hoạt động cầu an thường được diễn ra trong tháng Giêng ở hầu hết các chùa trên địa bàn, như: Chùa Tam Chúc, chùa Địa tạng phi lai, chùa Phật Quang (Thanh Liêm), chùa Bầu, chùa Hòa Lạc (Phủ Lý), đền Trần Thương (Lý Nhân), đền Lảnh Giang (Duy Tiên)...
Đến chùa lễ cầu an, giải hạn nhân dịp đầu năm mới vốn là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt bao đời nay. Xét về mặt tâm lý và đạo đức thì việc cầu an dịp đầu năm cũng là một điều tốt, giúp con người tin yêu cuộc sống, giải tỏa được căng thẳng trong cuộc sống. Đó là ước nguyện hoàn toàn chính đáng của con người. Tục cầu an giải hạn đầu năm không chỉ có ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới cũng có. Các nghi thức thường gắn liền với quan niệm và tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Tuy nhiên, việc lợi dụng nghi lễ để trục lợi, hay việc lạm dụng đức tin thành sự cuồng tín là việc làm thiếu đạo đức, làm xấu đi những nghi thức trang nghiêm nơi cửa Phật. Việc cầu an giải hạn mà không đúng với tinh thần hỷ xả và phụng đạo, làm hoen ố đạo đức, nhân phẩm con người lại mắc tội bất kính với đạo.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.