Hồng Định đến với múa từ những năm còn là cô học sinh Trường trung học cơ sở Đoàn Kết, thị xã Lai Châu. Ngày ấy, chị thường xuyên có mặt trong đội văn nghệ biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và nhân dân biên giới. Trải qua nhiều năm gắn bó với múa, chị bảo nghề đã chọn người chứ không phải người chọn nghề. Ngay từ những ngày đầu theo học lớp biên đạo, Hồng Định đã ý thức rất rõ rằng: với nghề múa năng lực là một phần, nỗ lực là chín phần. Bởi vậy, dù khó khăn đến mức một đôi giày múa mềm mại chỉ có trong giấc mơ chứ thực tế giày cứng đến nỗi sau mỗi buổi tập các ngón chân đau điếng, thậm chí tứa máu, hiện tượng bong gân, trật tay, trật chân là chuyện bình thường nhưng Hồng Định vẫn say, vẫn yêu nghề, vẫn vượt qua tất cả để có được kỹ năng và rèn cho mình sự dẻo dai của một biên đạo kiêm diễn viên múa.
Gần 30 năm công tác trong ngành văn hóa, trong đó 16 năm gắn bó với Hà Nam, Hồng Định luôn thầm lặng cống hiến cho mảnh đất này. Chị là người góp phần thúc đẩy nghệ thuật múa nói riêng và phong trào văn hóa văn nghệ nói chung ở các sở, ngành và địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng. Thông qua việc hướng dẫn, dàn dựng chương trình văn nghệ giúp các sở, ngành, đơn vị tham gia hội thi, hội diễn, tổ chức lễ kỉ niệm… Hồng Định đã miệt mài từng bước đưa nghệ thuật múa về cơ sở. “Múa minh họa cho bài hát phải mang tính gợi tả, làm nhiệm vụ cộng hưởng cái hay của lời ca nên biên đạo phải chọn động tác thế nào cho phù hợp chứ không đơn thuần chỉ là “cho có” - Hồng Định trải lòng.
Chính bởi tinh thần trách nhiệm với nghề, sự chăm chút từng động tác múa nên những tiết mục của chị luôn gây dấu ấn, luôn đọng lại trong tâm trí người xem những câu chuyện đời sống bằng ngôn ngữ chuyển động của cơ thể. Đặc biệt, chị luôn khai thác những vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn người Việt Nam nói chung và văn hóa, tâm hồn người Hà Nam nói riêng. Để có sự thăng hoa trong sáng tạo thì đọc sách, nghiên cứu thôi chưa đủ, Hồng Định còn cảm nhận văn hóa, lịch sử và trải nghiệm thực tế. Bởi vậy qua “Mưa nắng đồng chiêm” của chị người xem cảm nhận rõ những nét độc đáo riêng có của mảnh đất đồng chiêm trũng với những con người “hai sương một nắng” nhưng dạt dào sức sống và cháy bỏng khát vọng vươn lên. Qua “Mười cô gái Lam Hạ” thế hệ hôm nay rưng rưng xúc động khi sống cùng những khoảnh khắc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, đặc biệt là cái ngày “máu nhuộm đỏ những mái đầu xanh”- ngày 10 cô gái dân quân tự vệ tuổi mười sáu đôi mươi ngã xuống để bảo vệ trọng điểm giao thông thị xã Phủ Lý, cầu Phủ Lý và các vùng phụ cận; và rồi giờ đây tên tuổi của các cô đã mãi đi vào huyền thoại, trở thành niềm tự hào của mỗi người con quê hương sông Châu, núi Đọi.
Điều đáng nói là những tiết mục đưa Hồng Định bước lên bục vinh quang hầu hết là những tiết mục chất liệu dân gian, đề tài về mảnh đất và con người Hà Nam. Người xem dễ dàng bắt gặp những vũ điệu mùa màng của tình cây và đất, của nong, nia, gồng gánh, của bông lúa, hạt gạo... Cái tài của Hồng Định là đã “bắt” những hình ảnh thân thuộc, đậm chất làng quê ấy phải bày tỏ tâm tư, tình cảm; qua đó người xem cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân cùng những đam mê rất đời, rất người. Điển hình như: “Tình quê”, “Mưa nắng đồng chiêm” (Huy chương Vàng Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2007); “Tát nước đêm trăng” (Huy chương Vàng Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2009); 02 Huy chương Vàng “Nông thôn ngày mới” tại Bắc Giang năm 2013; “Mười cô gái Lam Hạ” (Huy chương Vàng Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2016), “Ngày mùa” (Huy chương Bạc Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2016)… Hai tiết mục đoạt Huy chương Vàng năm 2007 là niềm tự hào, là kỉ niệm rất đỗi sâu sắc đối với Hồng Định bởi thời điểm đó chị mới về công tác trong ngành văn hóa Hà Nam chưa đầy một năm nhưng đã kịp nắm bắt và đưa vào tiết mục múa những nét “đặc trưng nhất”, “hồn cốt nhất” của mảnh đất văn hiến này đến với công chúng các vùng miền và đã được ghi nhận xứng đáng.
Cởi mở ngoài đời nhưng với công việc Hồng Định là người cầu toàn, quyết liệt và kĩ tính. Chị quan niệm lao động nghệ thuật là phải nghiêm túc, phải “đổ mồ hôi” chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa” nên trước khi “vỡ bài” cho diễn viên, bao giờ chị cũng có cuộc trao đổi, thảo luận về những ý tưởng, câu chuyện đưa lên sân khấu. Chị yêu cầu các diễn viên phải cảm nhận được nội dung đó bằng sự rung cảm thì khán giả mới phần nào thấu được thông điệp tiết mục muốn truyền đi.
Tính đến thời điểm này, Biên đạo múa Hồng Định có 7 Huy chương Vàng, 9 Huy chương Bạc và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Là một trong 03 hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Hà Nam, chị được nhiều người biết đến không chỉ với vai trò diễn viên gạo cội mà còn là biên đạo múa chuyên nghiệp, dàn dựng nhiều tiết mục có giá trị nghệ thuật biểu diễn trong các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận truyền hình trực tiếp… Chị cũng là người “mát tay” khi dàn dựng chương trình cho các sở, ngành, đơn vị tham gia hội thi, hội diễn. Tính đến thời điểm này, Hồng Định đã gặt hái được nhiều thành tích trong sự nghiệp, tiêu biểu là: Huy chương Vàng tác phẩm múa “Mười cô gái Lam Hạ” tại Liên hoan múa không chuyên toàn quốc năm 2016; Giải A “Tiếng hát người bưu điện” do Tổng cục Bưu điện tổ chức năm 2017; Bằng khen của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm 2018; Giải xuất sắc Liên hoan “Tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Bộ Tổng Tham mưu tổ chức năm 2019; Bằng khen của Binh chủng Hóa học tại “Hội thi cán bộ tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019. Trong quá trình công tác, Hồng Định nhiều năm liền vinh dự được trao danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được tặng Giấy khen của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam.
Hồng Định ngoài vai trò là Phó Trưởng phòng Nghệ thuật và văn nghệ quần chúng của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hà Nam, chị còn đảm nhiệm dạy múa ba lê và múa dân gian cho các em học sinh đối tượng 2 của Nhà hát Chèo Hà Nam. Ở vai trò nào Hồng Định cũng nhiệt huyết, phát huy hết khả năng sáng tạo. Nhờ có sự ủng hộ của đồng nghiệp, sự thấu hiểu, cảm thông, ủng hộ của bạn đời và những đứa con ngoan, chị mới có thể toàn tâm theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.