Những phát hiện khảo cổ mới ở Ba Sao

Di sản 06:28 25/02/2022 Giang Nam
Sau nhiều tháng thực hiện điền dã, điều tra, khảo sát khảo cổ học tại vùng đất Kim Bảng cùng với Viện Khảo cổ học  - Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, Bảo tàng Hà Nam bước đầu đã thu được những kết quả có giá trị văn hóa lịch sử to lớn về khu vực Tam Chúc - Ba Sao. Những phát hiện mới về hệ thống hang động, những di chỉ khảo cổ học thời Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình… cho thấy Tam Chúc không đơn giản chỉ là vùng sơn thủy hữu tình mà còn ẩn chứa nhiều điều kỳ bí về sự tồn tại của con người và lịch sử…

Chiều cuối năm Tân Sửu, mưa ròng ròng làm đường vào núi trơn trượt khó đi, anh Lê Văn Bách, Tổ dân phố số 8 – thị trấn Ba Sao vẫn cùng con trai và một số cán bộ văn hóa của Bảo tàng Hà Nam và Viện Khảo cổ học-Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam tiếp tục công việc. Họ dẫn đoàn đi tìm những hang động còn lại ở dãy núi sau chùa cổ Tam Chúc.

Là người địa phương, bố con anh vào núi dễ dàng. Những người trong đoàn thì không thể chủ quan, mang theo gậy, giầy bệt để bảo đảm an toàn. Anh Lê Văn Bách kể, anh sinh ra ở vùng đất này, vào rừng từ nhỏ. Rừng núi Ba Sao đối với người dân các anh là chốn mưu sinh, là nơi cho con người sự sống. Cách đây hai chục năm, nơi đây còn được coi là chốn rừng thiêng nước độc, người ngoài chẳng mấy khi ghé chân đến đây. Anh Bách cùng rất nhiều người trong làng Tam Chúc cũ thường vào rừng kiếm củi, bắt cua núi, ốc núi về bán. Nhưng chưa bao giờ họ đặt chân vào những hang động ấy. Tất cả rất thâm u.

Gần đây, khi Khu du lịch Tam Chúc được xây dựng, người dân tứ xứ tìm về vãng cảnh ngày một đông vui, dự án mở rộng khu du lịch đã và đang có hướng tiến về những dãy núi sau chùa… Vậy là người dân mạnh dạn đi sâu vào núi, rồi phát hiện ra những hang lớn nằm trong núi. Anh nhặt được cuốc đá, nhiều thứ rất lạ với cuộc sống của anh. Sau này, “nhờ duyên”, anh và một số người dân trong làng trở thành người đưa đường chỉ lối cho cán bộ nghiên cứu văn hóa, khảo cổ học vào núi tiếp tục hành trình khám phá.

Anh Bách phấn khởi cho biết: “Có lần, tôi bỏ cả việc nhà theo đoàn vào núi. Nghe họ nói về những hang động này, những di chỉ còn để lại nơi đây mà lòng thấy tự hào lắm! So với những vùng đất khác, chính tiếng tăm “rừng thiêng nước độc” trong dân gian đã khiến con người ngại ngần đến đây, nhờ đó mọi thứ còn tồn tại ở vùng đất này chưa bị mất đi”.

Đoàn cán bộ Bảo tàng và Viện Khảo cổ học cùng với một số người dân bản địa trước cửa một hang động được tìm thấy.

Bắt đầu từ giữa năm 2021, anh Bách cùng đoàn khảo cổ học đến đây nhiều lần, tìm thấy gần chục hang trong núi, tất cả còn nguyên sơ, như chưa hề có dấu chân người đặt tới. Càng đi vào những hang đó, đoàn người càng cảm thấy bí ẩn, linh thiêng. Những vỏ ốc nước ngọt còn lại, thêm những công cụ ghè, đẽo bằng đá cũng được phát hiện tại đây… 

Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam vui mừng, cảm ơn trời phật đã tạo duyên để mọi người tiếp cận và gặp gỡ một quá khứ nghìn năm, vạn năm không ai có thể nghĩ còn sót lại đến hôm nay một cách vẹn nguyên và hoang sơ như thế. Ông đoán định: “Có lẽ tất cả những thứ đó dường như chưa có ai chạm vào...”. Những hang này đều nằm lưng chừng núi, cách mặt nước biển 300-400m, chắc chắn chốn đây từng là nơi ở của người Việt cổ.

Qua diễn biến các thời kỳ lịch sử, người Việt cổ đã từng sinh sống ở đây. Trong dân gian từng lưu truyền những huyền tích về đất và người Ba Sao rất kỳ bí. Có người tin, người không tin vì theo lẽ thường, người ta chỉ tin những gì có căn cứ sử sách, còn truyền miệng, huyền tích là chuyện của dân gian. Nhưng đến hôm nay, trong quá trình khảo sát, tìm kiếm của những nhà chuyên môn về khảo cổ, những câu chuyện về sự tồn tại và linh thiêng, huyền bí của vùng đất này trở thành manh mối để xâu chuỗi hiện thực. Nó sẽ là căn cứ làm sáng tỏ nhiều giả thiết lịch sử khi kết quả khai quật khảo cổ học được tìm thấy là các di chỉ khảo cổ học thời kỳ Đông Sơn, văn hóa Hòa Bình khá đa dạng, phong phú. 

Những vỏ sò được phát hiện trong các hang ở Tam Chúc.

Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam chia sẻ: “Tất cả mới chỉ là bắt đầu. Chúng tôi phát hiện ra một hệ thống hang động dày đặc, mái đá, giếng Catxtơ có giá trị về cảnh quan thiên nhiên, liên quan đến sự hình thành kiến tạo địa chất cách đây hàng triệu năm. Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã tiếp xúc và tìm hiểu đời sống của người dân trong vùng này, bất ngờ phát hiện thêm những di vật có liên quan đến sự tồn tại của lịch sử vùng đất này. Đó là sự tồn tại của những vỏ sò. Người dân đã chỉ cho chúng tôi địa điểm họ nhặt chúng, buộc chúng tôi phải bắt tay vào việc chứng thực sự tồn tại của nó có hay không ở cồn Hến trong lòng hồ Tam Chúc. Nhờ đó, đoàn còn tìm thấy nhiều mảnh gốm sứ, bát đĩa thuộc nhiều thời kỳ văn hóa từ Đông Sơn đến Bắc thuộc và các triều đại phong kiến sau này. Thực sự, những phát hiện này rất quan trọng, được xem là chìa khóa cho công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, từng bước giải mã những bí ẩn về lịch sử văn hóa vùng đất Tam Chúc. Đây còn là cơ sở khoa học, bằng chứng xác thực nhất để phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước, UNESCO xếp hạng, công nhận quần thể danh thắng Tam Chúc trên cả hai phương diện Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Tam Chúc - Ba Sao với quần thể di tích và danh thắng có quy mô rộng lớn, bao gồm cảnh quan xung quanh và nhiều loại hình di tích khác, gồm: Đình Tam Chúc, thờ Đinh Tiên Hoàng Đế, Hoàng hậu Dương Thị Nguyệt và thần Bạch Mã, được phục dựng lại ở giữa lòng hồ Tam Chúc, phong cách kiến trúc đặc trưng của truyền thống đình làng Bắc Bộ; Đền Mẫu; Bảo tàng Phật giáo trưng bày hàng trăm hiện vật, hình ảnh về các di tích chùa tháp nổi tiếng nhất của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, là nguồn tư liệu sinh động, khá đầy đủ, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu…

Từ một di tích có quy mô không lớn (chùa Tam Chúc), nhưng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nằm trong hệ của dải núi đá vôi hùng vĩ, có các quần thể di tích khác nổi tiếng (chùa Hương với động Hương Tích), quần thể chùa Tam Chúc được xây dựng, cải tạo và mở rộng với quy mô rất lớn. Hằng năm thu hút hàng triệu tín đồ và nhân dân từ khắp mọi miền đất nước về đây tham quan, thưởng ngoạn và chiêm bái, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, du khách.

Mặc dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng Quần thể di tích và danh thắng chùa Tam Chúc đã, đang và sẽ là hình mẫu tiêu biểu cho việc gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử văn hóa trong đời sống đương đại.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri tại Hưng Yên

Người đại biểu nhân dân  |  19:23 02/12/2024

Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Nhà báo Bùi Hữu Tuấn đoạt giải Nhất Cuộc thi “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024

Văn học - Nghệ thuật  |  17:08 02/12/2024

Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.

Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng ngành Tòa án tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Chính trị  |  16:11 02/12/2024

Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC