Độc đáo thần tích, thần sắc Hà Nam

Di sản 06:15 20/02/2022 Chu Bình
Thần tích, thần sắc được lưu giữ trên đất Hà Nam chính là những dấu tích lịch sử giúp hậu thế hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh phong phú, với hiện thực lịch sử của người dân Hà Nam thời cổ - một Hà Nam đất lề quê thói, thuần phác và nhân hậu.

Hà Nam - vùng đất quan trọng của trấn Sơn Nam xưa, dưới thời Nguyễn cũng là một phủ lớn của Hà Nội. Năm 1890, phủ Lý Nhân tách ra khỏi Hà Nội, tỉnh Hà Nam chính thức được thành lập. Từ năm 1975 đến nay, sau nhiều lần sáp nhập với các tỉnh liền kề và năm 1997 lại trở về là tỉnh cũ thì vùng đất Hà Nam vẫn ổn định các đơn vị hành chính cơ sở đó là làng xã. Sự ổn định này tạo môi trường cho những nét văn hóa về phong tục, tập quán, ngôn ngữ, tín ngưỡng, ca dao, dân ca, lễ hội, văn khắc, thần tích, thần sắc… được bảo tồn. Trong những sắc thái văn hóa này, thần tích, thần sắc là sự tích về các vị thần được thờ tại làng xã và là văn bản quan trọng được nhà nước phong kiến mà đại diện là vua ban cho các làng xã trong việc thờ phụng tại địa phương. Đó chính là những dấu ấn của truyền thống, của văn hóa được lưu giữ, truyền lại.

Toàn tỉnh Hà Nam có gần 1.800 di tích nên hệ thống thần, thành hoàng làng được thờ ở các làng xã khá đa dạng và phong phú. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Vinh thì tỉnh Hà Nam có khoảng hơn 1.000 bản khai thần tích, thần sắc. Thần tích, thần sắc Hà Nam ghi lại dấu ấn các vị thần và thành hoàng làng gồm các vị anh hùng có công chống giặc ngoại xâm, có công che chở cho dân, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm, chữa bệnh cho dân... 

 Hệ thống thần và thành hoàng Hà Nam có thể được chia theo 4 nhóm: Nhóm các vị được nhân dân kính trọng và coi như phúc thần, được các triều đại phong từ thượng đẳng thần trở lên đều là các anh hùng cứu nước chống giặc ngoại xâm như: các nữ tướng của Hai Bà Trưng, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn và nhiều các vị tướng khác. Những nơi thờ các vị phúc thần này đều rất thiêng liêng, được người dân coi trọng, nhất là những lễ nghi trong việc thờ cúng, và tổ chức lễ hội tưởng nhớ. Nhóm thứ hai là hệ thống thờ các vị có công che chở cho dân làng. Các vị này rất đông đảo và có nguồn gốc xuất thân khác nhau. Có vị là người sở tại, cũng có vị từ nơi khác đến, có vị nghèo khó, cũng có vị nhà giàu có nhưng nhờ có nhân đức đã chữa bệnh, trừ tai dịch cho dân, cầu mưa, dạy dân cày ruộng, hình thành các làng nghề, khai hoang lập ấp, có vị dạy dân học chữ, dạy đạo lý làm người, giúp dân tạo nên thuần phong mỹ tục. Các vị này có ảnh hưởng nhất định trong phạm vi thôn, làng và được người dân trong phạm vi tôn thờ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thế Vinh giới thiệu hình ảnh, kiểu dáng của một bản thần sắc.

Nhóm thứ ba là các bậc khoa bảng, những người trung nghĩa. Đặc biệt, trong số các vị thần trung nghĩa nhưng không phải là nhân vật chính diện của lịch sử như Đoàn Thượng và các tướng lĩnh của ông lại được thờ phụng nhiều nơi tại Hà Nam. Ngoài ra, cũng có những vị gốc gác bình dân, không có tài năng đặc biệt, thậm chí còn là nạn nhân của cuộc giao tranh, của thói tục, một lỗi lầm nào đó nhưng ở họ thể hiện một niềm ước mơ của nhân dân về một cuộc sống hạnh phúc trần thế mà trong đời thường khó lòng vươn tới được. Các vị thần ấy đa phần là thánh mẫu, công chúa, đức bà như Vũ Thị Thiết, Liễu Hạnh…

Nhóm thứ tư khá đặc biệt và hãn hữu là những vị thần không có gốc gác Đại Việt như: Cao Sơn Đại Vương, Hạc Lai, Mỵ Ê… Nhiều nơi ở Hà Nam thờ Cao Sơn Đại Vương là tiến sỹ thời nhà Minh. Theo sự tích ghi chép lại, ông có công giúp vua Lê Tương Dực dẹp nội loạn và phù trợ Lê Lợi đánh giặc. Nhân dân các thôn, làng ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm đều thờ Hạc Lai vốn là người nước Minh như một vị thành hoàng làng của mình, vì ông đã có công dạy văn chương, binh thuật cho Vũ Cố - một người con ưu tú của quê hương. Việc các vị thần ngoài Đại Việt nhờ có công lao, đức độ được nhân dân thờ phụng, được các triều vua ban tặng sắc phong đã thể hiện người Hà Nam có lòng nhân hậu, nhân nghĩa.

Từ thần sắc, thần tích của Hà Nam mà ta thêm hiểu hơn về sự tích của các vị thần, thành hoàng làng đang được thờ tự ở các làng, xã Hà Nam. Như qua thần tích về vua Lê Đại Hành ta khẳng định được quê nội của nhà vua là ở Hà Nam. Tại Hà Nam hiện có 3 nơi thờ ngài: thôn Cẩm Du, xã Thanh Lưu; thôn Ninh Thái (nay là thôn Ngũ Cõi) xã Liêm Cần; thôn Ứng Liêm, xã Thanh Hà. Các thần tích nơi này đều ghi ngài quê ở Bảo Thái, huyện Thanh Liêm. Ngài phù vua Đinh Tiên Hoàng làm quan đến Thập đạo Tướng quân Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ. Khi nhà Đinh suy, các quan cùng tướng sĩ tôn ngài làm Hoàng đế, lấy hiệu là Thiên Phúc. Ngài băng hà năm 1005, thọ 65 tuổi, trị vì 24 năm. Ngài có công phá quân Tống, chinh phục Chiêm Thành, dẹp yên giặc trong nước. Đền thờ ở Ngũ Cõi (đền Lăng) phối thờ vua Đinh Tiên Hoàng và các vua nhà Tiền Lê có nhiều đạo sắc phong của các triều vua, sớm nhất là năm 1635 và cuối cùng là năm 1924. Ngày 26/1/1999, đền Lăng đã được xếp hạng di tích loại hình lịch sử. Đền Lăng và các di tích liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của vua Lê Đại Hành tại Liêm Cần đã được lập quy hoạch, đang trong quá trình xây dựng, tu bổ để trở thành địa điểm tham quan, du lịch của tỉnh ta.

Thần tích, thần sắc được lưu giữ trên đất Hà Nam chính là những dấu tích lịch sử giúp hậu thế hiểu rõ hơn về đời sống tâm linh phong phú, với hiện thực lịch sử của người dân Hà Nam thời cổ - một Hà Nam đất lề quê thói, thuần phác và nhân hậu.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Tuyển chọn lao động đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp (VLMA)

Thông tin - Quảng bá  |  14:50 23/12/2024

V/v tuyển chọn lao động đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp (VLMA)

Mở rộng mạng lưới ATM, POS ở khu vực nông thôn

Tài chính - Ngân hàng  |  12:27 23/12/2024

Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở rộng mạng lưới máy rút tiền tự động (ATM) và máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS). Trong đó, quan tâm lắp đặt máy tại khu vực nông thôn, vùng xa khó tiếp cận các điểm giao dịch của ngân hàng. Việc mở rộng mạng lưới ATM, POS đã tạo điều kiện giúp khách hàng thanh toán, rút tiền thuận tiện, nhanh chóng, nhất là những đối tượng có tài khoản an sinh xã hội (ASXH) được tiếp cận dịch vụ tiện ích của ngân hàng.

Hội Cựu chiến binh, Hội Cựu CAND Phủ Lý triển khai chương trình phối hợp hoạt động 

Đoàn - Hội  |  12:25 23/12/2024

Sáng 23/12, Hội Cựu Chiến binh (CCB), Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị triển khai chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2029.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC