Hà Nam là vùng đất cổ, nơi lưu dấu nhiều trầm tích văn hoá các thời kỳ lịch sử. “Đấy là vùng châu thổ tích tụ trũng phù sa mới xen đồi cót, một cái trũng vừa tự nhiên vừa nhân vi, bao quanh bởi đê sông Châu, sông Hồng, sông Đáy, sông Nam Định… Đấy là vùng sinh thái đồng chiêm điển hình ngày trước, nơi con người đất Việt trời Nam, Sơn Nam “sống ngâm da, chết ngâm xương” xưa kia, nơi có những người đàn bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng” theo chữ của cụ Nguyễn Khuyến”(1). Tất cả làm nên một vùng văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm và những di sản có ảnh hưởng, tác động đến đời sống tinh thần, tính cách, nghị lực con người Hà Nam. Dòng chảy lịch sử không bao giờ ngừng lặng khi con người biết khơi dậy những giá trị của quá khứ, đánh thức di sản sống trong đời sống hiện tại một cách tự nhiên để phát triển bền vững.
Hồi sinh di sản…
Hà Nam hiện có hơn 1.800 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có một bảo vật quốc gia, trên 90 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 128 di tích cấp tỉnh, 11 di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đền Trần Thương và chùa Long Đọi Sơn là hai Di tích quốc gia đặc biệt. Tất cả được coi là báu vật mà thiên nhiên ban tặng hoặc là kết tinh lao động sáng tạo của ông cha từ đời này qua đời khác dày công tạo nên. Như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) tại Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” ngày 27/7/2018: “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp cho sự phát triển bền vững. Như vậy, chúng ta có nhiệm vụ làm cho di sản hồi sinh và tồn tại có ích”.
Những năm qua, Hà Nam đã nỗ lực không ngừng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của di sản. Nhiều công trình nghiên cứu, khảo cứu về văn hóa được thực hiện, hoàn thành làm nổi bật giá trị văn hóa di tích, nhân vật lịch sử ở nhiều địa phương. Các cuộc hội thảo khoa học cấp quốc gia về các danh nhân lịch sử, cách mạng như: Lê Hoàn, nhà báo Hoàng Tùng, nhà cách mạng Lương Khánh Thiện… được tổ chức. Nhiều lễ hội được khôi phục, tổ chức thường niên gắn với sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã tạo nên nét đẹp trong ứng xử của con người ở mỗi làng quê nông thôn. Hàng trăm di tích lịch sử được tôn tạo, sửa chữa, bảo vệ trở thành di tích văn hóa lịch sử, nghệ thuật kiến trúc độc đáo của địa phương, là điểm đến hấp dẫn với du khách gần xa. Nhờ đó, hát Dậm Quyển Sơn, lễ hội đền Trần Thương, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, lễ hội vật võ Liễu Đôi, lễ hội đền Lảnh Giang, lễ hội chùa Bà Đanh, làng nghề thêu ren Thanh Hà, làng nghề dệt lụa Nha Xá… đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Di sản văn hóa Hà Nam đã tạo nên những giá trị vật chất và tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó phát triển du lịch di sản đã và đang được địa phương quan tâm nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Chỉ tính trong 5 năm (2015-2020), Hà Nam đã đón trên 7,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt gần 3.500 tỷ đồng. Kể từ khi lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, lễ hội phát lương Đức Thánh Trần, lễ hội chùa Tam Chúc được khôi phục, mỗi năm, Hà Nam đón thêm hàng chục vạn khách du lịch. Tam Chúc những năm qua trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Khu du lịch này được phê duyệt quy hoạch năm 2006 với chức năng văn hóa tâm linh – nghỉ dưỡng sinh thái – vui chơi giải trí với tổng nguồn vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng. Năm 2019, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (Vesak) lần thứ 16 được tổ chức tại đây, thu hút 1.650 đại biểu quốc tế từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Số lượt khách du lịch đến Hà Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 1,6 triệu lượt, điều chưa từng có đối với hoạt động du lịch địa phương… Tất cả nhờ sự hồi sinh di sản, nó đã được đánh thức sau bao nhiêu năm ngủ quên vì thiên tai, chiến tranh và nhận thức của con người.
Đưa công nghệ đánh thức di sản
Một nhà báo người Hà Nam làm ở Báo Nhân Dân nói: “Bây giờ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh ta đã nâng dần tỷ trọng dịch vụ và du lịch. Du lịch ở tỉnh ta rất phong phú. Bao nhiêu người ao ước đến làng Đại Hoàng thăm quê Chí Phèo mà đã về được đâu. Thậm chí người ta cứ nhầm bảo chuối ngự là đặc sản của Nam Định”. Rõ ràng, các di tích văn hóa lịch sử ở Hà Nam đã được tôn tạo, lễ hội được khôi phục nhưng việc tổ chức xây dựng các sản phẩm du lịch vẫn chưa xứng với giá trị của di sản. Nguồn tài nguyên du lịch của Hà Nam được phân bố tập trung, dễ tiếp cận, thuận lợi cho việc liên kết và phát triển du lịch, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thực sự được đầu tư và khai thác hợp lý. Làm gì để giải quyết hài hòa lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch là vấn đề Hà Nam cần hướng tới trong thực hiện chiến lược phát triển văn hóa Hà Nam. Trước mắt, trong điều kiện khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, các hoạt động du lịch bị đình trệ, công nghệ số sẽ được đưa vào đánh thức di sản, dẫn dắt di sản hòa nhập cuộc sống để tồn tại, phát triển đúng với xu hướng xã hội hiện đại.
Năm 2021, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) chỉ đạo Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tiến hành điều tra, khảo sát hệ thống các di tích trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhằm phát hiện, nghiên cứu những địa điểm khảo cổ, di tích, dấu tích và di vật để tìm hiểu, góp phần bồi đắp thêm truyền thống lịch sử - văn hóa Hà Nam trong từng thời kỳ lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng cho biết: “Cuộc điền dã, điều tra, khảo sát chưa thể tiến hành trên toàn bộ các địa điểm di tích nhưng là điểm mở đầu cho công việc điều tra, khảo sát khảo cổ tổng thể, từ đó cung cấp tư liệu cho nghiên cứu, bảo tồn và lập quy hoạch khoanh vùng bảo vệ các di tích. Trên cơ sở đó, ngành VH-TT&DL sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, trọng tâm vào công tác bảo tồn, tôn tạo, ghi danh, xếp hạng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu; công tác lập quy hoạch di tích, điểm du lịch văn hóa tâm linh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”. Cũng trong năm nay, Bảo tàng Hà Nam đã phối hợp với Công ty Du lịch Tam Chúc mời một số chuyên gia ở Hà Nội về thực hiện tư liệu hóa, hình ảnh hóa hơn 1.000 hiện vật khai quật được ở chùa Long Đọi Sơn. Những hiện vật này, tư liệu này đã được các chuyên gia trong lĩnh vực khảo cổ học, bảo tàng họ sắp đặt lại, xác định những mảnh vỡ đúng vị trí ban đầu của nó, trên cơ sở đó phân loại cấu trúc hiện vật, di tích để từ đó hình dung ra được kiến trúc, không gian di tích như thế nào. Một trong những hiện vật đã được tư liệu số hóa là bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi Sơn, bia chùa Dầu và một số hiện vật ở chùa Địa Tạng Phi Lai… Tất cả các tư liệu này sau khi số hóa sẽ được trích dẫn và bổ sung thông tin để từ đó người xem có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu những kiến thức chứa đựng trong các di sản tư liệu này.
Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng tỉnh khẳng định: “Việc thực hiện số hóa di sản chính là cách mang đến cho di sản một sức sống mới, một con đường mới tiếp cận công chúng, để nó không nằm yên trong bảo tàng. Công chúng của bảo tàng sẽ không bị bó hẹp ở một giới hạn địa lý nào đó, công nghệ thông tin sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, công chúng ở khắp mọi nơi trên thế giới chiêm ngưỡng và tìm hiểu sâu sắc hơn, thuận tiện hơn về các di sản đó dưới nhiều góc độ khác nhau. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, du khách không thể đến bảo tàng để tham quan hay chiêm ngưỡng các hiện vật, tư liệu thì việc số hóa di sản sẽ giúp họ ngồi ở nhà cũng có thể nhìn thấy, nghe thấy những hình ảnh và âm thanh ở các di tích mà mình muốn tìm hiểu”./.
V/v tuyển chọn lao động đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp (VLMA)
Để đáp ứng nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã đầu tư mở rộng mạng lưới máy rút tiền tự động (ATM) và máy chấp nhận thẻ thanh toán (POS). Trong đó, quan tâm lắp đặt máy tại khu vực nông thôn, vùng xa khó tiếp cận các điểm giao dịch của ngân hàng. Việc mở rộng mạng lưới ATM, POS đã tạo điều kiện giúp khách hàng thanh toán, rút tiền thuận tiện, nhanh chóng, nhất là những đối tượng có tài khoản an sinh xã hội (ASXH) được tiếp cận dịch vụ tiện ích của ngân hàng.
Sáng 23/12, Hội Cựu Chiến binh (CCB), Hội Cựu Công an nhân dân (CAND) thành phố Phủ Lý tổ chức hội nghị triển khai chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2029.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.