Tết là thời điểm chúng ta đón một năm mới và tạm biệt năm cũ; tiễn một mùa đông giá lạnh đón một mùa xuân ấm áp. Một năm mới với nhiều khởi đầu mới như một mùa xuân tươi xanh với chồi non lộc biếc. Năm mới đến, ai cũng có ước mơ, hoài bão riêng mình, mong chờ những điều tốt đẹp sẽ đến. Chính vì thế mà phong tục chúc Tết những ngày đầu năm được hình thành. Mọi người trao những lời hay, ý đẹp để mong bạn bè, người thân đạt được những ý nguyện của mình. Đây là truyền thống văn hóa riêng có của người Việt vào ngày Tết đã được lưu truyền từ ngàn đời nay, được các thế hệ nối tiếp trao truyền.
Phong tục chúc Tết của người Việt được đúc kết trong câu nói: “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy”. Mùng 1 là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ hướng về nội tộc. Con cháu đến chúc Tết ông bà, bố mẹ có sức khỏe, sống lâu, sống thọ, anh em chúc nhau làm ăn phát đạt, gia đình an khang, thịnh vượng. Rồi cùng nhau đi chúc Tết những gia đình trong họ, dành những lời chúc Tết đẹp nhất, ý nghĩa nhất trao cho nhau. Mùng 2 là ngày chúc Tết bên họ mẹ. Bên cạnh những câu hỏi han, thăm nom là những lời chúc mong năm mới có sức khỏe, cuộc sống an bình, con cái mạnh giỏi. Cũng giống như họ nội, cả gia đình sẽ đến thăm, chúc Tết ông bà và các anh chị em gần xa. Người Việt có truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn nên Tết đến, mọi người thường đến chúc Tết những thày cô giáo đã và đang có công dạy dỗ mình. Trẻ nhỏ được bố mẹ dẫn đến chúc Tết thầy cô, trẻ lớn hơn tụm thành từng nhóm đến chúc Tết thầy cô hết sức thành kính và vui vẻ. Chúc Tết, mọi người trao nhau những món quà, những phong bao lì xì với mong muốn một năm mới gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi và hanh thông.
Tùy vào hoàn cảnh, tính cách, địa vị từng người để chúc Tết. Với những bậc bề trên, người cao tuổi phải dùng những lời nói trân trọng, nghiêm trang chúc Tết. Thường là những câu chúc sống lâu trăm tuổi, con cháu hiếu thuận, thành đạt. Những người thân trong gia đình, biết rõ không nói, nhưng những người xa lâu ngày không gặp, hoặc người mới không biết cũng phải tìm hiểu để có những câu chúc Tết thích hợp. Với những người làm ăn buôn bán quanh năm, chúc mua may bán đắt, làm ăn gấp năm gấp mười năm ngoái; người đang công tác chúc công thành danh toại, người đang học hành chúc đỗ đạt cao, trẻ em chúc chăm ngoan, học giỏi… Những lời chúc Tết chân thành, vui vẻ, ròn rã trong những ngày Tết làm lòng người thêm phấn chấn, hân hoan, không khí Tết thêm thi vị và tràn ngập hy vọng vào một năm mới đang đến.
Tết nay, với các bạn trẻ, họ sáng tạo ra nhiều câu chúc Tết khá hài hước, phóng đại mang đến tiếng cười vui vẻ dành cho nhau. Có rất nhiều câu như: “Chúc năm mới sức khỏe dẻo dai, công việc thăng tiến dài dài, phi những nước đại tiến tới thành công”; “Hoa đào nở, chim én về, mùa xuân lại đến. Chúc một năm mới: nghìn sự như ý, vạn sự như mơ, triệu sự bất ngờ, tỷ lần hạnh phúc”; “Năm hết, Tết đến, chúc bạn thật nhiều sức khỏe, miệng cười vui vẻ, tiền vào mạnh mẽ, cái gì cũng được suôn sẻ, để sống tiếp một cuộc đời thật là đẹp đẽ”; “Sang năm mới chúc bạn có một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương, một đại dương tình cảm, một điệp khúc tình yêu, một người yêu chung thủy, một tình bạn mênh mông, một gia đình thịnh vượng”; “Chúc sang năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, làm việc như thơ, đời vui như nhạc”… Những câu nói vần vè, dí dỏm, nhưng vẫn không nằm ngoài những ước mong chung của mọi người.
Một số năm trở lại đây, khi điện thoại di động phủ sóng toàn dân cũng thấy ít đi những câu chúc Tết vang lên hoan hỉ khi Tết đến Xuân về, mà thay vào đấy là tiếng nhắc điện thoại có tin nhắn mới. Tuy không nói trực tiếp, nhưng những tin nhắn chúc Tết chân thành hay hài hước dần trở nên quen thuộc và dễ chấp nhận. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi, những người thân thiết trong gia đình, những lời chúc trực tiếp từ đáy lòng vẫn mang một giá trị không thay đổi, nó nối kết cảm xúc, gắn chặt tình thân, mong muốn cho nhau những điều tốt đẹp nhất khi năm mới đến.
Phong tục chúc Tết đầu Xuân được hình thành nên từ tính cách, tư tưởng của người Việt. Là một phong tục bản địa, là một nét riêng trong nghi thức đón Tết của người Việt, vẫn luôn được bảo tồn và lưu truyền đến tận ngày nay./.
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 06/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Liêm đã chỉ đạo biên soạn, xuất bản Bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng bộ huyện (giai đoạn 1930-2020) đưa vào giảng dạy trong các trường học và trung tâm chính trị trên địa bàn.
BỒ ĐÀO NHA - 132 con chuột hamster (chuột đuôi cụt) đã thoát khỏi lồng trong khoang hàng hóa, gây ảnh hưởng không nhỏ tới một máy bay chở khách của hãng hàng không TAP Air Portugal.
Lá hẹ, một loại rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn của người Việt, không chỉ làm tăng hương vị cho món ăn mà còn ẩn chứa nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời. Với hàm lượng vitamin và khoáng chất dồi dào, lá hẹ được ví như "thần dược" từ thiên nhiên, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.