Đã thành thông lệ, chuẩn bị cho ngày Táo quân chầu trời (ngày 23 tháng Chạp), từ rằm tháng Chạp, người người, nhà nhà nô nức đi chợ chọn mua quần áo, mũ, hài ông Công. Đặc biệt, trước và trong ngày 23, cá chép cúng ông Công là mặt hàng được bán chạy nhất ở khắp các chợ từ thành thị tới nông thôn. Đi chợ về, cầm túi cá vàng khỏe khoắn, bơi lội tung tăng trên tay thím tôi cười nói: Ngày trước, tìm mua được cá chép nhỏ thường cũng khó, đâu có cá chép cúng ông Công đẹp, đa dạng, đủ loại như bây giờ... Nói xong, thím nhẹ nhàng đặt túi cá vào một chiếc thau nhỏ, cẩn thận để lên phòng thờ.
Năm nào cũng vậy, như bao gia đình khác, ngày 23 tháng Chạp mọi người trong gia đình tôi dậy từ sớm, người lo tỉa chân nhang, dọn bàn thờ; người lo làm mâm cơm cúng để “tiễn” ông Công, ông Táo lên thiên đình báo cáo với Ngọc Hoàng công việc một năm ở dưới hạ giới. Mâm cơm cúng có đủ xôi, gà, giò, rượu, trầu cau... Đặc biệt, trên bàn thờ không thể thiếu quần áo, mũ hài ông Công và cá chép (cá chép thật hoặc cá chép giấy, hoặc cả hai loại – theo dân gian truyền lại, đây là phương tiện để ông Công ông Táo “cưỡi” lên trời). Đợi tàn tuần nhang, trước khi hạ cỗ mọi người đi hóa mã và thả cá chép. Ngày trước, ao, hồ, đầm nhiều, nước lại không bị ô nhiễm như ngày nay nên việc thả cá chép hết sức đơn giản, thuận lợi. Những năm gần đây, nhiều ao hồ bị lấp, bị ô nhiễm nên việc chọn nơi thả cả, nhất là ở thành phố, thị xã không đơn giản. Nhiều nhà phải đi mấy cây số mới tìm được nơi thả cá.
Trao đổi với chúng tôi về nét văn hóa truyền thống “thả cá phóng sinh” ngày Táo quân lên trời, nhà thơ Nguyễn Thế Vinh, thành viên Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo chia sẻ: Từ lâu, thả cá chép phóng sinh ngày ông Công ông Táo lên trời là nét đẹp văn hóa của người dân Việt, thể hiện lòng từ bi, nhân ái và yêu thương.
Ngày trước, ở quê, cứ dịp tát ao, gạn ao cuối năm, mọi người thường “để dành” những chú cá chép nhỏ cho ngày 23 tháng Chạp. Thời nay, công nghệ nuôi cá chép vàng, cá chép đỏ chuyên phục vụ ngày Táo quân lên trời phát triển; trước, trong ngày 23 tháng Chạp ở chợ bày bán rất nhiều loại cá chép với đủ loại kích cỡ, giá cả khác nhau, người dân thoải mái lựa chọn.
Tuy nhiên, sau khi cúng, việc thả cá chép phóng sinh cũng phải đúng cách mới thể hiện được ý nghĩa của nét văn hóa truyền thống và tấm lòng từ bi, nhân ái của người thả. Thả cá phải chọn nơi nước sạch, thông thoáng, thả nhẹ nhàng để cá từ từ bơi ra sông, ra hồ. Có như vậy, khi trở về với môi trường tự nhiên cá mới sống khỏe, tiếp tục sinh sôi, nẩy nở. Khi thả cá xong, không được vứt túi ni lông bừa bãi, phải thu dọn, để gọn vào nơi đổ rác.
Những năm gần đây, có tình trạng người đi thả cá đứng trên cầu (hoặc trên bờ) quăng, cả cá, cả túi ni lông xuống sông, không cần biết cá có bơi được ra khỏi túi bóng, có sống được hay không? Có người cầm thau đổ từ trên cao đổ xuống... Hành động này không thể hiện được lòng từ bi, nhân ái của người thực tâm muốn thả cá phóng sinh, mà là hành động làm cho có hoặc làm theo phong trào. Đáng lên án hơn, có người còn đi thuyền bắt cá phóng sinh ở đoạn sông người dân thường tập trung ra thả cá...
Thả cá phóng sinh ngày ông Công ông Táo lên trời là tục đẹp của dân tộc, vừa thể hiện lòng từ bi, nhân ái, đồng thời thể hiện mong muốn một năm mới thuận lợi, bình an và may mắn sẽ tới. Mong rằng, dịp ông Công ông Táo lên trời năm nay, mọi người cần hiểu đúng và làm đúng khi thả cá phóng sinh, cùng đoàn kết góp phần gìn giữ, phát huy giá trị và ý nghĩa tốt đẹp của nét văn hóa truyền thống cha ông để lại.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.