"Lái mới" có đáng sợ bằng... "lâu lâu mới lái"?

Ô tô - Xe máy 06:12 15/01/2022 DT
Đề xuất người có bằng lái dưới 1 năm không chạy ôtô quá 60 km/h và không lái xe trên đường cao tốc vừa được công bố đã bị rút lại trong vòng chưa đến 24 giờ, nhưng cũng kịp gây nhiều bức xúc...

Một đề xuất "gây bão"

Mới đây, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã gửi Bộ Giao thông vận tải bản góp ý sửa đổi bổ sung một số quy định của Thông tư 38/2019 và Thông tư 12/2015 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải đề nghị Bộ xem xét quy định người có giấy phép lái xe ô tô trong vòng một năm (kể từ ngày cấp lần đầu) không lưu thông với tốc độ trên 60 km/h và không lưu thông trên đường cao tốc. Lý do được đưa ra là nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, hạn chế tai nạn xảy ra, đặc biệt là đối với những người mới được cấp giấy phép lái xe.

Đề xuất này vừa được công bố trên các phương tiện truyền thông đã lập tức vấp phải những ý kiến phản bác gay gắt của người dân. 

"Thật vô lý! Hãy thử so sánh kỹ năng lái xe của một tài xế taxi mới lấy bằng và hành nghề được 11 tháng ở các đô thị lớn, giao thông đông đúc, với một người đã có bằng lái vài năm nhưng... chỉ "cất tủ", chưa dám lái xe ra đường bao giờ, hoặc thậm chí còn chưa có xe", anh Thế Vinh (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu ý kiến.

(Minh họa: Ngọc Diệp).

Trong khi đó, chị Thúy Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng khi công dân đã được cấp giấy phép lái xe tức là đủ điều kiện điều khiển ô tô tham gia giao thông; việc cần làm là xem xét lại và siết chặt khâu cấp bằng lái, chứ không phải là kiểm tra, kiểm soát xem một người đã lấy bằng lái được bao lâu.

Chị Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đồng tình với các ý kiến đề xuất tăng độ khó của việc cấp giấy phép lái xe, đồng thời cho rằng việc xử phạt vi phạm giao thông thật nghiêm, thật nặng sẽ khiến các tài xế có ý thức chấp hành luật giao thông hơn, từ đó có thể nâng cao an toàn giao thông và hạn chế tai nạn.

Trên thực tế, tại các cơ sở dạy lái xe hiện nay, giảng viên chủ yếu dạy học viên cách để vượt qua được kỳ sát hạch, với mục tiêu cao nhất là lấy bằng, chứ không thực sự là dạy kỹ năng lái xe và xử lý tình huống. Thực trạng này dẫn tới việc phần đông người mới lấy bằng lái lại phải thuê thầy hoặc nhờ người nhà bổ túc tay lái để có thể tự tin ra đường. Như vậy là có bằng rồi mới học lái xe, trong khi đáng ra phải ngược lại.

Ngoài ra, không thể phủ nhận việc rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra liên quan tới tài xế mới có bằng lái, do thiếu kỹ năng điều khiển phương tiện và xử lý tình huống.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cần ra quy định hạn chế quyền lưu thông của người mới có bằng lái. Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện đủ khả năng lái xe, có giấy phép lái xe, đóng bảo hiểm đầy đủ… được quyền lưu thông trên tất cả các tuyến đường. 

Vì vậy, trước các ý kiến trái chiều của người dân, chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ thông tin được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã xin thu hồi văn bản nêu trên.

Các nước quy định như thế nào với "lái mới"?

Nhật Bản là một trong những nước hiếm hoi có quy định pháp luật dành cho "lái mới". Cụ thể, những người mới lấy bằng lái xe ở Nhật phải dán biểu tượng Shoshinsha, hay Wakaba, có hình mũi tên nửa màu xanh nửa màu vàng ở trước hoặc sau xe trong một năm, nhằm thông báo cho mọi người rằng sau vô lăng là người mới biết lái xe, có thể còn chưa rành luật, lái chưa thạo..., mong mọi người kiên nhẫn và thông cảm.

Việc dán biểu tượng Shoshinsha (còn gọi là Wakaba) đã được luật hóa tại Nhật Bản (Ảnh: Legit Car Club).

Trên thực tế, sau một năm, nếu tài xế cảm thấy chưa đủ tự tin thì vẫn có thể giữ hình dán này trên xe.

Trong khi đó, hầu hết các nước không có quy định dành riêng cho lái mới, nhưng nhiều nước phân hạng bằng lái theo trình độ, thời gian cầm lái.

Ví dụ, tại Australia, người đủ tuổi trước tiên sẽ phải thi lý thuyết dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý thông qua camera. Các trường hợp gian lận sẽ lập tức bị đánh trượt. Nếu qua được phần thi lý thuyết, học viên sẽ được cấp giấy phép lái xe hạng L (dành cho người học lái) để treo ở trước hoặc sau xe. Tùy quy định của từng bang, người có bằng L khi lái xe ra đường phải có người bằng Full  ngồi kèm và không được lái xe với tốc độ quá 90 km/h. Kế đến là giấy phép lái xe P1. Lúc này, người có bằng P1 phải thi phần lý thuyết khác, nếu đạt thì mới được chuyển tiếp lên bằng P2, với quy định không được lái xe quá 100 km/h cùng một số hạn chế khác. Hai năm sau, người có bằng P2 mới được thi để chuyển lên bằng Full.

Tại Canada, từng địa phương cũng có quy định cấp bằng lái xe khác nhau. Ở New Brunswick, để có bằng lái Full, tài xế phải mất tối thiểu 24 tháng, trước tiên là lấy bằng Level 1 (Cấp độ 1) sau khi qua được bài thi lý thuyết, rồi tới bằng Level 2 (Cấp độ) nếu qua được bài thi thực hành lái xe trên đường. Người có bằng Level 1 phải đợi 12 tháng mới được thi thực hành để chuyển sang bằng Level 2, không được lái xe ra đường một mình hoặc chở người khác mà không phải là tài xế giám sát (người có ít nhất 3 năm kinh nghiệm), không được tham gia giao thông trong thời gian 0-5 giờ sáng. Trong khi đó, người có bằng lái Level 2 được phép chở tối đa 3 người trên xe, nhưng vẫn bị cấm lái xe ra đường trong khoảng thời gian trên, trừ khi có tài xế giám sát đi cùng, hoặc trong trường hợp khẩn cấp.

Nhìn chung, để được cấp bằng lái ở nhiều nước không đơn giản; đồng thời việc xử phạt vi phạm giao thông được thực hiện nghiêm, có tính răn đe cao, các yếu tố được cho là cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành luật và đảm bảo an toàn giao thông.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Thế giới đối mặt với nguy cơ vượt ngưỡng 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris

Quốc tế  |  19:45 10/01/2025

Ngày 10/1, theo tờ Politico, cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu xác nhận rằng năm 2024 là lần đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 12 tháng liên tiếp vượt 1,6°C so với mức thời tiền công nghiệp.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của tuổi trẻ trong công tác chuyển đổi số

Chuyển đổi số  |  19:27 10/01/2025

Chiều 10/1, Đoàn Thanh niên cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh - Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh tổ chức hội nghị ra mắt Cổng thông tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam; công bố Bộ Tư liệu trực quan tuyên truyền di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; triển khai mạng lưới chia sẻ kiến thức cho thanh thiếu niên và phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Vượng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, phát biểu chỉ đạo.

Bộ CHQS tỉnh triển khai nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị năm 2025

Quốc phòng  |  18:37 10/01/2025

Đánh giá kết quả hoạt động công tác Đảng (CTĐ), công tác chính trị (CTCT) của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh năm 2024 cho thấy: Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình địa phương, đơn vị, chủ động triển khai thực hiện hoàn thành toàn diện các mặt công tác và đạt kết quả thiết thực.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC