Trong định hướng phát triển đô thị của huyện, Thanh Liêm xác định rõ chức năng nhiệm vụ để tập trung xây dựng ngay từ ban đầu. Cụ thể, Phố Cà là đô thị dịch vụ thương mại tổng hợp, hỗ trợ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và là động lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam của tỉnh; thị trấn Kiện Khê là đô thị cổ, điểm nhấn là KCN Thanh Liêm, ngành nghề khai thác chế biến vật liệu xây dựng; thị trấn Tân Thanh là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, trọng tâm là phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ và là một đô thị mới hiện đại, văn minh, đồng bộ về kết cấu hạ tầng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với toàn huyện.
Để đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, tương xứng với chức năng của đô thị trung tâm hành chính huyện, theo hướng đạt tiêu chí đô thị loại IV, Thanh Liêm bám sát các nội dung đồ án quy hoạch chung được phê duyệt, tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có chủ trương đầu tư; đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án mới theo từng lĩnh vực, ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn đô thị. Hiện nay, nhiều hạng mục, dự án hạ tầng kỹ thuật khung đang được tập trung đầu tư xây dựng, như: đường trục chính đô thị và các trục đường nội bộ khu ở, giao thông thôn xóm theo tiêu chuẩn đường đô thị; triển khai các bước xây dựng trụ sở hành chính huyện và thị trấn Tân Thanh. Bên cạnh đó, huyện đang xây dựng chi tiết các phân khu chức năng để kêu gọi thu hút đầu tư...
Ông Nguyễn Triều Dương, Trưởng phòng Công thương huyện Thanh Liêm cho biết: Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Liêm lần thứ XXX nhiệm kỳ 2020-2025; thực hiện quy hoạch chung xây dựng đô thị huyện lỵ, Thanh Liêm đã và đang tập trung hoàn thiện quy trình, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng trung tâm hành chính huyện, thị trấn và trụ sở làm việc các cơ quan ngành dọc, các công trình công cộng, công trình điểm nhấn kiến trúc cảnh quan để tạo sức hút và phát triển Tân Thanh thành đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, thương mại - dịch vụ, là hạt nhân tạo sự lan tỏa mở rộng phát triển đô thị trên địa bàn toàn huyện. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2024, hoàn thành và đưa vào hoạt động trụ sở cơ quan hành chính huyện; tiếp đó xây dựng trung tâm hành chính thành đô thị trung tâm huyện vào năm 2025, tiến tới xây dựng huyện Thanh Liêm đạt tiêu chí thị xã vào năm 2030.
Với phương châm tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng đô thị; thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy Về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, hiện nay huyện Thanh Liêm đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu thương mại dịch vụ. Quá trình đầu tư xây dựng huyện xác định rõ trọng điểm ưu tiên; đồng thời có kế hoạch bố trí vốn phù hợp với từng giai đoạn để sớm hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng, tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Trong đó, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, thiết yếu, có sức lan tỏa, các tuyến đường giao thông kết nối như đầu tư các công trình, dự án giao thông đối ngoại, trục chính đô thị.
Cụ thể, về giao thông, huyện sớm hoàn thiện trục đường giao thông đối ngoại T1 và triển khai xây dựng trục đường T4, đây là những công trình giao thông có tính kết nối cao trong khu vực. Tiếp theo là huyện nâng cấp đường tỉnh 495 và các trục ĐH06, ĐH07, ĐH10 theo quy mô đã quy hoạch để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thuận tiện trong khu vực.
Đường T1 (lộ giới 65,5m) được đánh giá là tuyến giao thông huyết mạch, nối quốc lộ 1A với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, là cửa ngõ ra vào khu Trung tâm hành chính Tân Thanh hiện đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo kế hoạch đến tháng 6/2022, đường T1 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông Đinh Đức Thắng, Chỉ huy trưởng công trường xây dựng đường T1 (Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường) cho biết: Bảo đảm tiến độ thi công công trình, doanh nghiệp bố trí đầy đủ nhân lực, vật lực; thực hiện “3 tại chỗ”, bố trí làm việc 3 ca liên tục, phấn đấu hoàn thành tuyến đường vào tháng 4/2022.
Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa của Thanh Liêm mới đạt 28%, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, tạo tiền đề để xây dựng toàn huyện đạt tiêu chí thị xã vào năm 2030, Thanh Liêm đã và đang thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, huy động nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, huyện đặc biệt quan tâm huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư về phát triển công nghiệp; xây dựng các khu đô thị mới, phát triển các khu nhà ở, cải tạo chỉnh trang khu dân cư hiện hữu theo hướng đô thị văn minh, hiện đại làm động lực thu hút và làm gia tăng dân số cơ học. Trên cơ sở quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm, địa phương tổ chức xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Huyện giao cho đơn vị chức năng rà soát danh mục đầu tư để bố trí theo thứ tự ưu tiên, đồng thời phân kỳ đầu tư cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Bí thư Huyện ủy Thanh Liêm cho biết: Quan điểm của huyện là ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, điểm nhấn cho phát triển đô thị. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng hạ tầng khung, trong đó có các tuyến giao thông trọng điểm, kết nối như các tuyến đường T4, T1, đường kết nối khu công nghiệp, đường gom phía đông đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Bên cạnh đó, Thanh Liêm chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ gắn liền với khai thác tiềm năng du lịch và lợi thế vị trí địa lý để tạo chuyển biến rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo động lực cho phát triển nói chung và đô thị nói riêng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Liêm quan tâm thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Đa dạng hóa các kênh, các hình thức huy động vốn cho đầu tư phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, phấn đấu đến năm 2025 có tỷ lệ đô thị hóa đạt 35%.
Sáng 26/11, tại Trường THCS thị trấn Quế (Kim Bảng), Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức khai mạc Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp THCS tỉnh Hà Nam năm học 2024-2025.
Sáng 26/11, Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh tổ chức hội nghị thảo luận cho ý kiến, cho chủ trương các nội dung theo quyền. Các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.