Trong những ngày hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), hình ảnh về con tàu và những đồng đội trên tuyến đường huyền thoại năm xưa như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm thức, là niềm tự hào không bao giờ mờ phai trong cuộc đời binh nghiệp của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Bá Cương (thôn 4, xã Phù Vân, TP Phủ Lý)…
Tháng 5/1969, sau 12 tháng học thông tin báo vụ, báo vụ Nguyễn Bá Cương cùng 9 chiến sĩ báo vụ về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 126, Bộ Tư lệnh Hải quân. Sau nửa năm thực hiện nhiệm vụ ở Ban Thông tin, Trung đoàn 126 (đóng tại Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh), đầu năm 1970, báo vụ Nguyễn Bá Cương được điều sang Tổ Công tác đặc biệt Z100 để huấn luyện, chuẩn bị đi chiến trường bằng đường biển. Những ngày sau đó là khoảng thời gian báo vụ Nguyễn Bá Cương háo hức cùng hai nhân viên cơ yếu: Đỗ Văn Đoàn (quê Thanh Trì, Hà Nội), Đoàn Bơn (quê Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và một số cán bộ, chiến sĩ tổ công tác trong đội huấn luyện Z100 thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân thực hành huấn luyện trên các đảo Hạ Mai, Hòn Dấu, Cát Hải, Cát Bà và Đồ Sơn. Trung tuần tháng 9/1970, Tổ công tác được Bộ Tư lệnh Hải quân giao nhiệm vụ đi chiến trường bằng đường biển, gồm: Nguyễn Bá Cương (báo vụ máy thông tin 15W); Đỗ Văn Đoàn (Đài trưởng máy thông tin 15W); Tư Hưng (nhân viên cơ yếu, quê Hải Hưng cũ; Trung úy hàng hải Bông Văn Thon (Tổ trưởng, là cháu anh hùng LLVT Bông Văn Rĩa); Trung úy Tư Giai hàng hải (tổ phó, quê Hải Hưng cũ), cùng 2 chiến đấu viên: Nguyễn Chí Loát (quê Hoằng Hóa, Thanh Hóa); Trịnh Kim Quyền (quê Gia Viễn, Ninh Bình) làm nhiệm vụ phục vụ thông tin liên lạc và chiến đấu viên. Tổ công tác đặc biệt được chuyển về Trung đoàn 125, khẩn trương làm công tác chuẩn bị, đưa vũ khí, khí tài, máy thông tin, nhu yếu phẩm, hậu cần xuống tàu sẵn sàng khi có lệnh là lên đường. Tối ngày 18/9/1970, Tổ công tác và chỉ huy, thủy thủ tàu C121 được lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tại Hải Phòng tổ chức gặp mặt liên hoan.
CCB Nguyễn Bá Cương nhớ lại: Trong buổi chia tay ấy, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát nắm chặt tay chúng tôi và nói “Hẹn ngày chiến thắng trở về”, chúng tôi cứ nhớ mãi… Sau đêm gặp mặt lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, tàu của Đoàn 125 đưa 7 cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác đặc biệt rời bến cảng ra bến K15 Đồ Sơn tập kết. Tất cả vũ khí, máy móc, trang thiết bị, hậu cần cho cuộc hành trình của con tàu không số “C121” đã được chuẩn bị sẵn sàng. Các thủy thủ tàu cùng cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác đặc biệt sẵn sàng chờ lệnh xuất phát.
Đúng giờ G ngày 20/9/1970, con tàu không số được cải trang là tàu đánh cá và những chiến sĩ trên tàu là những người đánh cá nhổ neo xuất phát, vượt trùng khơi ra biển Đông nhằm hướng Nam thẳng tiến. Trên mặt boong tàu phủ kín ngụy trang bằng lưới đánh bắt cá, xung quanh tàu đã áp sẵn súng máy, thuốc nổ, phòng khi bị địch phát hiện, bao vây thì tự kích nổ hủy tàu. Và nếu điều đó xảy ra, có nghĩa, toàn bộ thủy thủ tàu và chiến sĩ sẽ sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ bí mật. Trên hành trình hơn 7 ngày 7 đêm trên biển, con tàu không số mang biệt danh C121 ấy mang trong mình hơn 30 tấn vũ khí, khí tài cùng với cán bộ thủy thủ tàu đưa 7 cán bộ, chiến sĩ Tổ công tác đặc biệt cập bến Cồn Lợi (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Trên suốt hành trình ấy, không ngày nào là không có máy bay địch theo đuổi chụp ảnh, rồi tàu chiến địch bám đuổi theo dõi. Nhưng với quyết tâm bằng mọi giá đem được vũ khí vào chiến trường miền Nam phục vụ cuộc kháng chiến, thủy thủ tàu đã khôn khéo đánh lạc hướng quân địch và chuyến tàu đã cập bến an toàn. Đi biển trong điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn, say sóng, song mọi người luôn động viên cùng nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Với tinh thần quyết tâm, dũng cảm, khôn khéo của cán bộ, chiến sỹ, chuyến đi ấy đã thành công, bảo toàn được hơn 30 tấn vũ khí, khí tài cùng với cán bộ thủy thủ tàu đưa 7 anh em Tổ công tác đặc biệt cập bến an toàn.
Sau 3 ngày đêm, con tàu không số biệt danh C121 lại bí mật rời bến Cồn Lợi trở về miền Bắc để chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai, vận chuyển vũ khí khí tài cho chiến trường miền Nam. Báo vụ Nguyễn Bá Cương và Tổ công tác đặc biệt được giao nhiệm vụ ở lại Bến Tre xây dựng bến cảng, tiếp tục tiếp nhận người, vũ khí chi viện từ phía Bắc bằng đường biển trên những đoàn tàu không số cho chiến trường miền Nam.
Nhớ về những năm tháng đó, CCB Nguyễn Bá Cương không thể nào nguôi quên, nhất là đối với chuyến đi của đồng đội ngay sau chuyến thành công của con tàu C121. Đó là con tàu không số mang phiên hiệu 176, sau gần 1 tháng lênh đênh trên biển để đánh lạc hướng nhưng quân địch vẫn ráo riết bám đuổi. Khi tàu gần cập bến, quân địch đã nổ súng bao vây, truy bắt. Quyết không để số vũ khí lọt vào tay địch, các chiến sĩ thủy thủ tàu 176 đã chống trả quyết liệt, và cuối cùng buộc phải hủy nổ toàn bộ vũ khí, đạn dược, 13 chiến sĩ trên chuyến tàu ấy đã anh dũng hy sinh. Một số ít chiến sĩ may mắn bơi được vào bờ với khoảng cách trên 20km, trong số đó có CCB Ngô Quốc Huy (quê ở Thái Đô, Thái Thụy, Thái Bình). Những chiến sĩ trên đoàn tàu không số, trước khi đi làm nhiệm vụ đều được tổ chức lễ truy điệu sống nên tất cả luôn xác định sẽ chiến đấu đến cùng, sẵn sàng hy sinh, không chịu để hàng hóa, vũ khí lọt vào tay địch.
Sự hy sinh anh dũng của những người lính trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển ấy luôn nhắc nhớ ông và đồng đội thêm vững vàng, quyết tâm chiến đấu, chiến thắng kẻ thù. Những năm sau này, ở lại chiến trường miền Nam, báo vụ Nguyễn Bá Cương luôn nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 1976, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở về quê hương.
Hôm nay, cùng với niềm vui, tự hào bên những kỷ vật về cuộc đời binh nghiệp của mình, CCB Nguyễn Bá Cương luôn mong muốn những người đồng đội từng tham gia “Đoàn tàu không số” năm xưa nếu còn sống sẽ tiếp tục kết nối, sẻ chia, động viên nhau trong cuộc sống đời thường, nhắc nhớ nhau về một thời sống, chiến đấu kiên cường, về một tuyến đường huyền thoại trong cuộc chiến tranh hào hùng của dân tộc.
Chiều 16/1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp mặt phóng viên báo chí, văn nghệ sỹ trên địa bàn nhân dịp Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi gặp mặt.
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chiều 16/1, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 do Thiếu tướng Bùi Công Chức, Phó Chính ủy làm trưởng đoàn đã về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Nam. Tham gia đoàn công tác có các đồng chí đại diện các cơ quan Quân khu. Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Xuân Huy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đại tá Trịnh Hồng Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh...
Sáng 16/1, tại UBND xã Thanh Hương, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Thanh Liêm phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin huyện và Tập đoàn GELEX tổ chức chương trình trao quà cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi CĐDC/dioxin và người khuyết tật trên địa bàn nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.