Chợ Thanh Châu, phường Thanh Châu (thành phố Phủ Lý) có gần 50 hộ kinh doanh cố định, trong đó có 5 quầy bán đồ ăn trực tiếp trong khu vực chợ. Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Phủ Lý, thời gian qua, Ban quản lý chợ Thanh Châu đã tích cực phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn hộ kinh doanh và khách đến mua hàng chấp hành nghiêm quy định “5K” về phòng dịch.
Ban quản lý chợ cũng đã đặt biển thông báo tại cổng chợ, yêu cầu khách vào chợ phải đeo khẩu trang; tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường trong chợ; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở hạn chế tập trung đông người tại quầy hàng, quán ăn; hướng dẫn hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ bảo đảm khoảng cách an toàn giữa các khách hàng và có vách ngăn chống giọt bắn…
Ông Lê Đức Hạnh, Trưởng Ban quản lý chợ Thanh Châu cho biết: Khi phổ biến, tuyên truyền tới các hộ kinh doanh trong chợ, ban quản lý đặc biệt nhấn mạnh: Giữ an toàn dịch bệnh tại chợ chính là giữ sức khỏe và “miếng cơm” của bản thân và gia đình mình. Bởi lẽ, nếu xuất hiện ca F0 trong chợ, chợ sẽ phải tạm ngừng hoạt động, tất cả hộ kinh doanh sẽ phải ngừng công việc mưu sinh trong một thời gian dài.
Qua khảo sát thực tế tại chợ Thanh Châu, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được số đông hộ kinh doanh và khách hàng thực hiện nghiêm túc. Người bán, người mua đều đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người tại các quầy hàng. Đặc biệt, tại các quán ăn uống trực tiếp không còn cảnh người ngồi ăn đông đúc như trước đây. Bà K. (chủ một quán bán bún ăn sáng tại chợ Thanh Châu) chia sẻ: Từ khi được chính quyền địa phương và ban quản lý chợ hướng dẫn về biện pháp phòng dịch, tôi đã chủ động cắt giảm 2/3 số lượng bàn, ghế phục vụ khách ngồi ăn trực tiếp. Hiện tại, quán chỉ giữ lại 2 bàn ăn, mỗi bàn để 2 chiếc ghế ở 2 đầu bàn cho thực khách. Lo ngại dịch bệnh lây lan nên lượng khách ngồi ăn tại quán thời gian này giảm đáng kể, thay vào đó là khách mua mang về.
Tương tự, tại một số chợ truyền thống khác, như: Chợ Bầu (thành phố Phủ Lý), chợ Phủ (Bình Lục) và các chợ Hòa Mạc, Đồng Văn (thị xã Duy Tiên)… các hộ kinh doanh đã ý thức rất rõ trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Không để lực lượng chức năng phải nhắc nhở, trong quá trình mua bán hàng hóa, các hộ kinh doanh trong những chợ này chủ động giữ khoảng cách từ 2m với khách hàng và nhắc nhở khách hàng đeo khẩu trang đúng quy định khi đến mua sắm, ăn uống. Hầu hết quán ăn trong chợ đều trang bị nước sát khuẩn tay đặt ở vị trí trung tâm để khách hàng dễ nhìn và tiện sử dụng; đồng thời lắp đặt vách ngăn chống giọt bắn và bố trí bàn ăn với khoảng cách hợp lý, an toàn. Nhờ đó, tạo được tâm lý yên tâm cho khách hàng mỗi khi sử dụng dịch vụ.
Văn bản số 1957/UBND-KGVX của UBND tỉnh (ban hành ngày 30/7/2021 về việc tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh) đã quy định rõ: Nhà hàng, quán ăn uống trong nhà được hoạt động nếu bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch, nhất là thực hiện biện pháp “5K”; phải có vách ngăn, màng chắn tại quầy, bàn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải chợ nào cũng chấp hành đúng quy định, mặc dù chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí xử phạt, răn đe.
Chợ Quế (thị trấn Quế, huyện Kim Bảng) vừa trải qua một đợt tạm dừng hoạt động do xuất hiện trường hợp F0 tại xã Thi Sơn. Tuy nhiên, sau khi được phép hoạt động trở lại, một số hộ kinh doanh, đặc biệt là hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ vẫn chưa bảo đảm nghiêm các biện pháp phòng dịch. Tại thời điểm phóng viên khảo sát, có khá nhiều quán ăn uống trong chợ vẫn tiếp đón cùng lúc nhiều thực khách. Hàng chục khách hàng vô tư ngồi ăn uống sát nhau, không bảo đảm đúng khoảng cách; quán ăn không có màng chắn, vách ngăn; thậm chí có người ngồi bán hàng ăn còn không đeo khẩu trang, hoặc có đeo nhưng cốt chỉ để đối phó, khẩu trang được kéo xuống tận dưới cằm, cổ, không đúng quy cách…
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Quế cho biết: Để bảo đảm an toàn phòng dịch tại chợ, UBND thị trấn đã thành lập tổ công tác (gồm lãnh đạo UBND thị trấn, đại diện lực lượng công an, y tế, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội) thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, nhắc nhở, xử phạt những cá nhân vi phạm quy định phòng dịch tại chợ Quế nói riêng, các hộ kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn thị trấn nói chung. Riêng trong chợ Quế đã phát hiện, xử phạt hành chính 7 trường hợp người bán hàng, khách hàng không đeo khẩu trang, 1 hộ kinh doanh cố tình bán hàng tại lề đường trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Với những hộ kinh doanh quán ăn, uống tại chợ, tổ công tác thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền cho người bán hàng và khách hàng cần nghiêm túc bảo đảm khoảng cách, chủ động bán mang về, cũng như giao hàng tận nơi.
Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Công Khương, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế cho biết: Để bảo đảm an toàn phòng dịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cần tuân thủ chấp hành đúng quy định của chính quyền địa phương và hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid -19 (trong Quyết định số 2225/QĐ-BCĐQG ngày 28/5/2020 về việc ban hành hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng). Trong đó, trọng tâm và xuyên suốt là việc chấp hành khuyến cáo “5K”. Ngoài ra, khu vực chế biến thức ăn, đồ uống phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay cho người sơ chế, chế biến thực phẩm, đồ uống. Khu vực ăn uống phải có nơi rửa tay, có đủ nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát, bố trí đủ thùng đựng rác có nắp đậy, có biển hướng dẫn các quy định về phòng, chống dịch…
Việc tuân thủ, chấp hành tốt quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh nói chung, quán ăn nói riêng tại chợ là hết sức quan trọng, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, kéo dài, UBND các huyện, thành phố, thị xã đang tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các phòng chức năng, UBND phường, xã, thị trấn tăng cường giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch tại chợ; tổ chức cho hộ kinh doanh, quán ăn trong chợ ký cam kết tuân thủ nghiêm biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
2 ngày sau chiến thắng vô cùng ấn tượng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, phóng viên Báo Hà Nam có mặt tại nhà tuyển thủ quốc gia Phạm Tuấn Hải (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý) để trò chuyện và chia vui cùng gia đình Tuấn Hải-cầu thủ đã ghi 1 bàn thắng và kiến tạo 1 bàn khiến cầu thủ Thái Lan phản lưới nhà trong trận chung kết.
Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo đó, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới.
Chiều 7/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) thông năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.