Tại cửa hàng tiện ích Luân Miền, Công ty TNHH Thương mại Ngọc Luân, Phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), các mặt hàng được bày bán khá đa dạng: đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm… Qua quan sát thấy, hầu hết các sản phẩm là hàng Việt Nam.
Giải thích rõ hơn về lý do hàng Việt chiếm tới xấp xỉ 90% cơ cấu hàng hóa trong cửa hàng, ông Nguyễn Ngọc Luân, chủ cửa hàng cho biết: Nếu như trước đây, hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc với mẫu mã, kiểu dáng bắt mắt, giá cả phải chăng được nhiều khách hàng lựa chọn thì hiện nay, sản phẩm của các thương hiệu Việt đã được phần đông người tiêu dùng chủ động tìm mua. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid – 19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhiều mặt hàng đầu vào nhập khẩu bị tăng giá thì hàng Việt với chất lượng bảo đảm đi kèm với các hình thức khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn đã “lấy lòng” được người tiêu dùng.
Dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng các mặt hàng sản xuất trong nước không có biến động nhiều về giá, hàng hóa ở các siêu thị, cửa hàng, chợ khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Chẳng hạn như Siêu thị Lan Chi (tại thị xã Duy Tiên và huyện Lý Nhân) luôn bày bán hàng nghìn mặt hàng các loại, trong đó, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn. Để tạo điều kiện cho hàng hóa trong nước đến tay người tiêu dùng, siêu thị đã sắp xếp lại các kệ hàng nhằm ưu tiên hàng hóa trong nước, nhất là với sản phẩm nông sản sạch. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước, giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, người dân vượt qua khó khăn trước ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid -19.
Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi (thị trấn Vĩnh Trụ, Lý Nhân) cho biết: Ưu điểm dễ dàng nhận thấy của hàng Việt hiện nay là chất lượng ngày càng được nâng cao. Hàng Việt có hướng dẫn sử dụng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nên người tiêu dùng cảm thấy yên tâm khi sử dụng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, siêu thị đã chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, nhà sản xuất để cung ứng nguồn hàng bảo đảm uy tín với mức giá ổn định. Đồng thời, siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá và bán hàng không lợi nhuận một số sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch để kích thích sức mua.
Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhiều chương trình, mô hình, cách làm hay để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm đã được các sở, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh triển khai hiệu quả, như: Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản hàng hóa; tổ chức hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại; mở cửa hàng bày bán các sản phẩm nông sản; xây dựng quầy hàng “Nông dân tin dùng” để giới thiệu các mặt hàng tiêu dùng Việt chất lượng cao, giá cả phải chăng…
Qua trao đổi với ông Nguyễn Liên Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công thương, được biết, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, Sở Công thương Hà Nam đã kết nối với Sở Công thương các tỉnh trong khu vực để đưa hàng hóa sản xuất trong tỉnh giới thiệu và thâm nhập thị trường các tỉnh. Trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021, Sở đã tổ chức cho các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia hàng chục hội nghị giao thương trực tuyến toàn quốc đối với những ngành hàng trọng điểm, như nông sản, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ; hỗ trợ trên 100 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Ngoài doanh số bán lẻ tại mỗi hội chợ ước đạt hàng trăm triệu đồng, các doanh nghiệp trong tỉnh còn ký kết được nhiều hợp đồng phân phối tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, nhất là với chuỗi Siêu thị Big C, Vinmart trên cả nước.
Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư Tung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, trong giai đoạn 2021-2025, Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh xác định trọng tâm của CVĐ trong bối cảnh mới cần tập trung vào các nội dung chính là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đang tiến hành khảo sát, điều tra thị trường tiêu dùng để làm cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp định hướng phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tham gia các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước; hỗ trợ đổi mới, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng…
Thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, toàn tỉnh đã xây dựng được 2 điểm bán hàng Việt mang tên “Tự hào hàng Việt Nam”; 90% người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh, cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa do doanh nghiệp trong nước cung ứng; 85% sản phẩm hàng hóa Việt Nam được bày bán trong các cửa hàng bán lẻ; trên 90% sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu học tập của học sinh là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Không những thế, hàng Việt còn liên tục mở rộng thị trường và chủng loại sản phẩm xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 1.825 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã chuyển dần từ gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu nguyên vật liệu đối với hàng dệt may… Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc triển khai CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới với mục tiêu quan trọng là phát triển thị trường trong nước từ khâu nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ, chống đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm.
2 ngày sau chiến thắng vô cùng ấn tượng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, phóng viên Báo Hà Nam có mặt tại nhà tuyển thủ quốc gia Phạm Tuấn Hải (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý) để trò chuyện và chia vui cùng gia đình Tuấn Hải-cầu thủ đã ghi 1 bàn thắng và kiến tạo 1 bàn khiến cầu thủ Thái Lan phản lưới nhà trong trận chung kết.
Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo đó, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới.
Chiều 7/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) thông năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.