Phát triển chợ truyền thống trong xu thế mới

Thương mại - Dịch vụ 05:53 20/07/2021 Nguyễn Oanh
Hơn một năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội. Thói quen tiêu dùng của người dân cũng có nhiều thay đổi khi mua sắm trực tuyến có sự tăng trưởng mạnh. Điều này đồng nghĩa với việc kinh doanh ở các chợ truyền thống gặp khó khăn vì hàng hóa ế ẩm. Các tiểu thương ở chợ truyền thống đang bắt đầu tiếp cận các kênh bán hàng trực tuyến để bắt kịp xu thế dù số lượng tham gia chưa nhiều.

Theo Sở Công thương, hiện trên địa bàn Hà Nam có 110 chợ đang hoạt động, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho hơn 20 nghìn hộ kinh doanh. Những năm gần đây, sự xuất hiện ngày càng nhiều kênh bán lẻ hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... đã làm tăng áp lực cạnh tranh lên chợ truyền thống. Thậm chí, ngay cả các chợ cóc, chợ tạm, chợ tự phát tại các khu vực dân cư từ thành thị đến nông thôn cũng đã và đang ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua tại chợ truyền thống, nhất là ở những khu vực tập trung đông công nhân lao động. 

Khách hàng mua sắm tại một quầy hàng bán ba lô, túi xách ở chợ Bầu, thành phố Phủ Lý.

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Dương Thúy Hòa, Trưởng Ban Quản lý chợ Bầu (thành phố Phủ Lý) cho biết: Chợ truyền thống thường hoạt động theo khung giờ cố định, còn các cửa hàng tiện lợi có lợi thế về thời gian linh hoạt. Đối với dịch vụ ăn uống, hàng quán tại nhiều chợ còn nhỏ lẻ, thiếu các khu dịch vụ vui chơi nên không thu hút được nhiều đối tượng khách hàng. Ngoài ra, nhiều mặt hàng bày bán tại chợ không đa dạng bằng các siêu thị; tem nhãn, nguồn gốc một số loại hàng hóa không rõ ràng cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều chợ truyền thống gặp khó khăn. 

Theo phản ánh của ban quản lý một số chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, mua sắm trực tuyến tăng cao, yêu cầu về an toàn thực phẩm khắt khe hơn, sức mua tại các chợ giảm đến 40% so với bình thường và ngày càng cho thấy rõ, các tiểu thương chợ truyền thống đang vấp phải sự cạnh tranh của các kênh bán lẻ hiện đại. Trước thực tế này, ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền cho tiểu thương nâng cao chất lượng phục vụ, bảo đảm kinh doanh thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh. 

Chia sẻ của nhiều tiểu thương đang hoạt động tại chợ Bầu cũng cho thấy, thời gian qua, sức mua nhiều mặt hàng như nông sản, thủy hải sản, thực phẩm tươi sống… tại chợ chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự phát triển của các kênh bán lẻ mới, hiện đại với nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn. Chị Trần Thu Hương, một tiểu thương bán thịt bò lâu năm tại chợ Bầu cho biết: Chưa khi nào việc kinh doanh lại gặp khó khăn như trong hơn một năm qua. Dịch Covid – 19 đã khiến lượng khách vào chợ mua sắm giảm mạnh. Có thời điểm, lượng thịt bán ra mỗi ngày chỉ bằng 30% so với trước đây. Biết sức mua giảm nên tôi không lấy nhiều hàng về bán như trước. Tôi chọn lọc bán loại thịt ngon, chất lượng để cung cấp cho khách quen.

Bên cạnh những mặt hạn chế thì chợ truyền thống cũng có những lợi thế nhất định so với siêu thị, cửa hàng tiện ích. Đó là thực phẩm tươi mới, việc mua sắm diễn ra nhanh, gọn, phương thức thanh toán linh hoạt, khách hàng có thể thương lượng được giá cả, thậm chí có thể mua “chịu” (trả sau)... 

Để chợ truyền thống hoạt động hiệu quả, thời gian qua, Sở Công thương đã quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về quản lý, vận hành chợ, nâng cao kỹ năng kinh doanh dành cho tiểu thương trong chợ... Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) khẳng định: Thông qua việc xây dựng các mô hình chợ an toàn thực phẩm và tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức của các địa phương phụ trách lĩnh vực thương mại, dịch vụ, quản lý chợ đã được hướng dẫn nội dung cơ bản về xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh thương mại; các giải pháp nâng cao công tác quản lý, kinh doanh và khai thác chợ… Đặc biệt, thời gian vừa qua, sở còn yêu cầu, hướng dẫn các chợ xây dựng kế hoạch, phương án sẵn sàng ứng phó với đại dịch Covid – 19. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, các tiểu thương chợ truyền thống cũng đang dần tiếp cận với kênh bán hàng trực tuyến thông qua điện thoại di động, mạng internet để bắt kịp xu thế. Chị Phạm Thu Trang, một tiểu thương kinh doanh quần áo, hàng mỹ phẩm tại chợ Bầu cho hay: Tôi bắt đầu làm quen với việc bán hàng online từ đầu năm 2020. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, khách hàng mua trực tiếp tại sạp hàng của tôi giảm hẳn. Để cầm cự qua dịch bệnh, tôi đã đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của mình thông qua các trang mạng xã hội, kết hợp quay video phát trực tiếp trên facebook (live stream). Nhờ đó, trên 80% sản phẩm bán ra thị trường của tôi hiện nay là qua kênh online. Doanh thu nhờ đó vẫn bảo đảm.

Trên thực tế, thời gian qua cũng đã có một số cơ sở kinh doanh quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hà Nam; đăng ký bán hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, khu vực chợ truyền thống dù đã “bắt sóng” số hóa trong kinh doanh nhưng vẫn còn chậm. Một số tiểu thương cũng đã chuyển sang kinh doanh song song 2 hình thức: bán trực tiếp tại sạp hàng và bán online nhưng phần lớn họ là những người trẻ, sử dụng tốt công nghệ với các mặt hàng chủ yếu là: quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm…

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, ngoài 110 chợ truyền thống, tỉnh Hà Nam còn có gần 37.000 cơ sở, hộ kinh doanh dịch vụ, thương mại. Các kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Quá trình chuyển đổi từ hình thức đi chợ trực tiếp sang trực tuyến sẽ khó diễn ra nhanh chóng dù đây là xu hướng tất yếu. Để làm được điều này, đòi hỏi các hộ kinh doanh cần đầu tư nghiêm túc cho công nghệ. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo uy tín và tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, không có thị trường hay xu hướng nào tồn tại mãi mãi. Vì vậy, các hộ kinh doanh vẫn cần linh hoạt tích hợp giữa thương mại trực tuyến và thương mại truyền thống để nâng cao trải nghiệm mua hàng cho người tiêu dùng.

TIN MỚI CẬP NHẬT

Từ 1/7, chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Chuyển đổi số  |  05:59 04/05/2024

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị để thống nhất sử dụng một tài khoản duy nhất là VNeID trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến từ ngày 1/7/2024.

Đề cử ứng viên tham gia Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2024

Chuyển đổi số  |  05:50 04/05/2024

Sau hơn 2 tuần phát động Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam 2024 (VDA), ngày 3/5, Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Hội Truyền thông số Việt Nam đã có văn bản gửi các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp mời tham gia và giới thiệu ứng viên tham gia bình chọn Giải thưởng Giải thưởng.

Tuyển sinh Đại học 2024: Thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển từ ngày 18/7

Thông tin  |  05:45 04/05/2024

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành văn bản gửi các đại học, học viện, trường đại học; các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học; các trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non; các Sở Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

DANH MỤC