Hàng hóa dồi dào, cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân
Thời gian qua, Sở Công thương đã theo dõi sát tình hình cung - cầu để có phương án điều tiết, cung ứng hàng hóa phù hợp, nhất là phục vụ người dân trong khu vực phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhà phân phối tìm kiếm, khai thác các nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân; hỗ trợ, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Sở Công thương yêu cầu các đơn vị chuyên cung cấp các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu cam kết cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid - 19.
Qua tìm hiểu cho thấy, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tiểu thương ở các chợ dự báo được nhu cầu của người dân đối với hàng hóa thiết yếu sẽ tăng nên đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung để đáp ứng. Tại hầu hết các điểm kinh doanh, giá cả của các loại hàng hóa được niêm yết rõ ràng, đầy đủ và ổn định, không có hiện tượng “sốt giá”.
Ông Nguyễn Ngọc Luân, chủ cửa hàng tự chọn Luân Miền, Công ty TNHH Thương Ngọc Luân (Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) cho biết: Thời gian này, rất ít người có tâm lý mua hàng hóa dự trữ. Về cơ bản, hoạt động mua bán vẫn ổn định, không có biến động nhiều. Cửa hàng cũng đã xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh. Trong đó, ưu tiên nhập bán các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao, như: gạo, mỳ tôm, thực phẩm, dầu ăn… Cửa hàng cũng đã chủ động tìm kiếm nguồn hàng, bảo đảm khi cần thiết có thể nhập thêm hàng trăm tấn gạo cũng như mì tôm và các loại nhu yếu phẩm khác để phục vụ nhu cầu của người dân.
Được biết, Sở Công thương cũng đã xây dựng kế hoạch bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân để ứng phó với dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu phòng kinh tế, phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân và nhân dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẵn có và đẩy mạnh sản xuất để ứng phó, phòng chống với dịch bệnh trong thời gian dài và liên tục; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh nắm chắc tình hình dịch bệnh, nhu cầu của người dân và có phương án bảo đảm nguồn hàng trong “mùa” dịch.
Trao đổi về nội dung này, ông Đặng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Công thương đã trực tiếp đến kiểm tra tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh và chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong các đợt dịch bệnh diễn biến phức tạp, các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch dự trữ, tăng lượng hàng hóa lên thêm 30-40% so với ngày thường. Các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh cũng duy trì tốt mức dự trữ lưu thông tối thiểu là 5% theo quy định.
Kết hợp chặt chẽ công tác phòng, chống dịch
Song song với việc khai thác hiệu quả các nguồn hàng bảo đảm nguồn cung hàng hóa sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống, công tác phòng, chống dịch trong lĩnh vực thương mại cũng được các ngành chức năng và đơn vị kinh doanh chú trọng thực hiện.
Sở Công thương đã gửi công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch, Bộ Y tế và UBND tỉnh đến tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đôn đốc, hướng dẫn các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, hộ sản xuất, kinh doanh thực hiện ngay việc đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại cơ sở theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; thống kê số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… để xây dựng bản đồ chung sống an toàn với dịch Covid-19; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Nhìn chung tại các chợ dân sinh, Ban Quản lý chợ đã chủ động đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những trường hợp kinh doanh, vận chuyển gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; chủ động tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc diệt khuẩn trong khuôn viên chợ ngoài giờ hoạt động; vận động tiểu thương kinh doanh trong chợ đeo khẩu trang y tế trong quá trình tiếp xúc, trao đổi mua bán, giao dịch với khách hàng…
Các siêu thị, đại lý, cửa hàng kinh doanh cũng tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, như: yêu cầu đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay với nước sát khuẩn ngay từ cổng vào. Toàn bộ nhân viên bán hàng được theo dõi sức khỏe và khai báo y tế thường xuyên. Tại các quầy thanh toán, điểm giãn cách và lá chắn nhựa cũng đã được thiết lập, các hoạt động không cần thiết đã được tạm dừng.
Đơn cử như tại Siêu thị Lan Chi Lý Nhân – địa điểm tập trung đông người dân trên địa bàn huyện Lý Nhân đến mua sắm, việc tăng cường dự trữ hàng hóa kết hợp làm tốt công tác phòng, chống dịch luôn được đơn vị quan tâm thực hiện tốt.
Ông Lê Văn Phòng, Giám đốc Siêu thị Lan Chi Lý Nhân cho biết: Hằng ngày, toàn bộ nhân viên, người lao động của siêu thị đều được gửi văn bản cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh trong tỉnh và trên cả nước. Siêu thị trang bị nước rửa tay sát khuẩn, bố trí các bàn ăn bảo đảm khoảng cách an toàn cho nhân viên và khách hàng. Nhằm chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch hiệu quả, siêu thị cũng đã chuẩn bị số lượng lớn khẩu trang vải, khẩu trang y tế để cấp phát cho nhân viên và bán cho khách hàng với mức giá không lợi nhuận. Bên cạnh đó, tăng cường dự trữ thêm từ 30% lượng hàng hóa thiết yếu nhằm sẵn sàng đối phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, việc nhập hàng hóa được quan tâm thực hiện bảo đảm các thủ tục an toàn trong khâu kiểm dịch, vận chuyển…
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn cả nước nói chung và tại tỉnh Hà Nam nói riêng dự báo sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, người dân cần tiếp tục tin tưởng vào sự chỉ đạo và giải pháp của các cấp, ngành chức năng. Việc dự trữ hàng hóa trên địa bàn tỉnh được chỉ đạo bảo đảm đầy đủ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của nhân dân. Theo đó, các gia đình không nên ồ ạt mua hàng dự trữ khiến hàng khan hiếm cục bộ tại một số thời điểm, từ đó có thể đẩy giá bán lên cao; đồng thời, cần hạn chế tập trung đông người để mua hàng hóa nhằm không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
2 ngày sau chiến thắng vô cùng ấn tượng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam tại ASEAN Cup 2024, phóng viên Báo Hà Nam có mặt tại nhà tuyển thủ quốc gia Phạm Tuấn Hải (tổ 4, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Phủ Lý) để trò chuyện và chia vui cùng gia đình Tuấn Hải-cầu thủ đã ghi 1 bàn thắng và kiến tạo 1 bàn khiến cầu thủ Thái Lan phản lưới nhà trong trận chung kết.
Đảng ta xác định, từ Đại hội XIV trở đi, đất nước ta sẽ chính thức bước vào kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Theo đó, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Đặc biệt, kỷ nguyên mới đòi hỏi phải phát huy cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - Chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới.
Chiều 7/1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao (TTATGT) thông năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh chủ trì hội nghị.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.