Để phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ” là dự phòng, cách ly điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, phòng hộ tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo phương án phòng, chống dịch của Bộ Y tế; đảm bảo đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả; không để thiếu kinh phí, nhất là kinh phí mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương để thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định tại Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong tổ chức thực hiện, trường hợp địa phương có khó khăn về cân đối ngân sách địa phương, UBND tỉnh kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để xem xét xử lý theo quy định.
Trường hợp cấp bách, địa phương được chỉ định thầu
Về cơ chế mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện đối với công tác mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của pháp luật liên quan.
Về hình thức lựa chọn nhà thầu, căn cứ Quyết định 447/QĐ-TTg ngày 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch COVID-19 và tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý tổ chức đấu thầu theo các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại các Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 Luật Đấu thầu.
Theo đó, trong thời gian có dịch được cấp có thẩm quyền công bố, các địa phương được quyết định theo thẩm quyền việc thực hiện chỉ định thầu đối với các gói thầu mua sắm thuộc phạm vi quản lý để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Chủ tịch tỉnh quyết định việc xác định giá gói thầu
Về giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công văn nêu rõ, giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, khi xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần căn cứ vào ít nhất một trong các tài liệu sau:
Thứ nhất, giá hàng hóa cần mua của ít nhất 3 đơn vị cung cấp hàng hóa khác nhau trên địa bàn để làm căn cứ xác định giá gói thầu; trong trường hợp không đủ 3 đơn vị trên địa bàn có thể tham khảo trên địa bàn khác đảm bảo đủ 3 báo giá.
Thứ hai, dự toán mua sắm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (gồm: Chủng loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ, số lượng, đơn giá hoặc toàn bộ dự toán được bố trí để mua sắm một loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong năm).
Thứ ba, kết quả thẩm định giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thẩm định giá tài sản, doanh nghiệp thẩm định giá đối với các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ phải thẩm định giá theo quy định của Luật Giá.
Thứ tư, giá thị trường tại thời điểm mua sắm được tham khảo từ thông tin chính thống do các nhà cung cấp theo quy định của pháp luật Việt Nam công bố được khai thác qua mạng Internet.
Thứ năm, giá của gói thầu mua sắm loại hàng hóa tương tự trong thời gian trước đó gần nhất, tối đa không quá 30 ngày.
Căn cứ quy định nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, quyết định việc xác định giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định; không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm. Giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm về chất lượng, giá cả, tổ chức quản lý, phân phối, sử dụng bảo đảm công khai, minh bạch, không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát ngân sách, tài sản của nhà nước; không để xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng chỉ đạo, tình huống và kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.
Bộ Tài chính cũng đề nghị cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước các cấp tại địa phương thực hiện quản lý kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị, hóa chất, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định của pháp luật, không được phát sinh thêm thủ tục hành chính làm chậm trễ, ách tắc trong việc mua sắm.
Bằng nhiều phong trào, việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần "Tương thân, tương ái", các cấp hội chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Thanh Liêm đã và đang phát huy vai trò nòng cốt là cầu nối giữa nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân ổn định cuộc sống, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề không chỉ liên quan đến sức khỏe, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống và sự phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định về ATTP vẫn xảy ra, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí là tính mạng người tiêu dùng. Do vậy, việc tăng cường truyền thông về ATTP là rất cần thiết để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, giúp bảo vệ sức khỏe và tạo dựng môi trường tiêu dùng an toàn.
Nhân dịp đón năm mới 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc".
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.