Một chủ đề thường xuyên bị lợi dụng
Ngày 14-3 vừa qua, tròn 33 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma năm 1988. Trong khi nhiều phương tiện truyền thông đại chúng có nhiều bài viết khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, cung cấp thêm nhiều tư liệu về cuộc đấu tranh gian nan của các chiến sĩ hải quân bảo vệ đảo và vùng biển, bày tỏ tấm lòng tri ân những người anh hùng hy sinh xương máu bảo vệ chủ quyền… với những bài viết mang thông tin cụ thể và sống động thì cũng xuất hiện trên “cõi mạng” hàng loạt bài viết lợi dụng chủ đề này để kích động chống phá. Nhưng có thể dễ nhìn nhận và đánh giá rằng: Sự kiện Gạc Ma chỉ là một cơ hội lớn nhất, dễ nhất để các thế lực chống phá sử / lợi dụng. Bất cứ sự kiện nào, vụ việc nào liên quan đến chủ quyền biển đảo cũng đều được các thế lực này tận dụng. Điều đó đã nhiều lần diễn ra như: Sự kiện ngày 19-1-1974, Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh (11-2012), sự kiện giàn khoan 981 (4-2014) và các dịp Trung Quốc có những hành động gây mất ổn định khác ở Biển Đông.
Những nội dung liên quan đến chủ quyền biển đảo thường được các thế lực thù địch lợi dụng tối đa. Đó cũng là điều dễ hiểu vì chủ đề này đặc biệt dễ chạm đến con tim của mỗi người dân Việt Nam yêu Tổ quốc. Khi chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị thách thức hoặc xâm phạm, lòng yêu nước lại bùng cháy mãnh liệt.
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước” (Hồ Chí Minh - Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II ). Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng thù địch đưa ra những thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, kích động người dân, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và quân đội. Khi phân tích, các sự kiện không được đặt trong mối tương quan lực lượng tổng thể và bối cảnh chính trị tại thời điểm lịch sử đó mà thường được kêu gào, tô đậm theo hướng cảm tính, một chiều.
Các “anh hùng bàn phím” với giọng điệu hung hăng thường kích động lòng yêu nước của nhân dân bằng những thông tin xuyên tạc về cuộc chiến đấu giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc, đưa ra những luận điểm kích động, gây rối, phủ nhận đường lối và chính sách ngoại giao của Đảng, Nhà nước, nêu những “thuyết âm mưu” kích động như: Việt Nam cần phải đi với nước này, chống nước kia, “không đánh nhau thì mất biển, mất đảo, thế nước lâm nguy”... Thậm chí họ tự cho mình có vai trò trong việc “chỉ dẫn” cho nhân dân và cả quân đội cách chống lại âm mưu và hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, cổ súy “bài Trung, thân Mỹ”, “tư vấn” cả về chiến thuật và vũ khí cho cuộc chiến tranh (sắp tới) để “giành lại biển đảo” (!). Họ tỏ ra rất “cao giọng” phê phán các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc nhưng cũng đồng thời quy chụp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam “phản ứng chậm” hoặc “hèn nhát”, “né tránh”, “không dám đối đầu”, “đang tâm để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa” (!) khiến lòng dân xáo động, mất niềm tin vào lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thậm chí nhiều đối tượng lợi dụng vấn đề chủ quyền quốc gia, trong đó nổi bật là vấn đề chủ quyền biển, đảo để kích động, kêu gọi người dân “xuống đường” thể hiện lòng yêu nước (!), từ đó gây mất an ninh, trật tự xã hội và kiếm cớ để tiếp tục chống phá nhiều hơn, mạnh hơn. Một thực tế khác cần nhìn nhận, đó là sự thiếu nhận thức đúng đắn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, chưa chắt lọc, kiểm chứng thông tin để nhận rõ đúng/sai nên một số quần chúng cũng dễ bị cuốn vào “ma trận” được các thế lực phản động giăng ra trên internet.
Cần có một trái tim yêu nước nóng bỏng và một nhận thức tỉnh táo, đúng đắn
Có trái tim cháy bỏng tình yêu đất nước và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng chúng ta còn luôn cần phải có khối óc tỉnh táo trước những âm mưu lợi dụng lòng yêu nước để chống phá. Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia cũng như cuộc sống hòa bình, ổn định của nhân dân để đất nước phát triển không phải bằng những lời kêu gào hung hăng và sáo rỗng. Đây là vấn đề chiến lược, đòi hỏi những chủ trương, đường lối, đối sách đúng đắn, phù hợp, hiệu quả và bền vững.
Ở tầm vĩ mô, Ðảng ta khẳng định đường lối: “Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh theo tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước. Tiếp tục thúc đẩy giải quyết các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Củng cố đường biên giới hoà bình, an ninh, hợp tác và phát triển; giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến đường biên giới trên bộ với các nước láng giềng” (Báo cáo chính trị, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII). Những năm qua, trên phạm vi quốc tế, bằng chủ trương giải quyết các vấn đề liên quan chủ quyền ở Biển Ðông thông qua biện pháp hoà bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả thoả thuận quan trọng với các nước trong khu vực để/và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy những nước “lớn” luôn có những toan tính chiến lược riêng. Những toan tính đó thành công đến mức nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh những vấn đề trong quan hệ quốc tế (kể cả những vấn đề song phương giữa hai nước) đều được đặt trong tương quan với các mối quan hệ khu vực, trong một thế giới đang toàn cầu hóa và mỗi nước “lớn” đều phải cân nhắc đến phản ứng của những nước “lớn” khác - những tính toán này không thể không quan tâm đến tiếng nói của khu vực và từng nước liên quan.
Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, những nhân tố bất ổn khó lường vẫn rình rập ở Biển Đông, lúc tiềm ẩn, lúc bùng phát. Chúng ta nỗ lực xây dựng hòa bình trong cục diện quan hệ quốc tế mới với những mối quan hệ đan xen phức tạp. Chúng ta kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích và không mắc mưu khiêu khích, kiềm chế, không để nước ngoài lấn chiếm và tránh không để xảy ra xung đột, đụng độ. Việt Nam cùng với các nước trong khu vực kiên trì chủ trương giữ vững quan hệ hoà bình, hợp tác và ổn định để cùng phát triển nhưng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình. Mối quan hệ phức tạp, đan xen chi phối lẫn nhau, sự cân bằng quyền lực mong manh giữa các thế lực có liên quan rất dễ bị phá vỡ trong bối cảnh địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế mới trong vùng Biển Đông. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những chiến lược đúng đắn và thông minh trên nền tảng công pháp quốc tế. Về đối ngoại, chúng ta đang đẩy mạnh hơn nữa chiến lược ngoại giao bằng cách tăng cường quan hệ nhiều mặt với bên ngoài, đặc biệt là các nước vùng Thái Bình Dương và Biển Đông theo hướng đa phương hóa, tạo ra thế và lực cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển. Chúng ta không bác bỏ giải quyết tranh chấp trên biển bằng con đường đàm phán song phương, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ trương giải quyết đa phương đối với các tranh chấp có liên quan đến nhiều bên, hoan nghênh sự quan tâm và tham gia của các nước, các tổ chức khu vực và quốc tế với động cơ góp phần ngăn chặn xung đột vũ trang, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đàm phán giải quyết hòa bình các tranh chấp trong Biển Đông.
Chúng ta vẫn không một phút giây lơi lỏng bảo vệ chủ quyền cùng với việc thực hiện một chính sách ngoại giao hướng đến hòa bình và ổn định và chúng ta vẫn tôn vinh, tưởng niệm những tấm gương Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hằng năm, chúng ta vẫn ghi nhớ sự kiện Gạc Ma bi tráng. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma gồm một quần thể các công trình quảng trường, tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, con đường hoài niệm được hoàn thành xây dựng từ tháng 7-2017 ở phía đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đã trở thành “địa chỉ đỏ” để nhân dân, chiến sĩ đến tưởng niệm và giáo dục chủ quyền biển, đảo cho thế hệ trẻ. Tình cảm của nhân dân, chiến sĩ cả nước càng làm thêm ấm lòng và chắc tay súng của các chiến sĩ trên những vùng biển đảo của Tổ quốc. Sự vững chắc của những tiền đồn xa xôi cũng làm tăng thêm quyết tâm và tin tưởng của nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh kiên trì cho sự vững mạnh của chủ quyền quốc gia dân tộc.
_________________________________________
(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 7, tr. 38
Các biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến đường của tỉnh nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho việc quan sát của người tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông.
Sáng 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” năm 2023, 2024.
Sáng 27/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) tỉnh tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.