Trận tuyến “vô hình” nhưng luôn căng thẳng, gay go Sự phát triển với tốc độ (có thể coi là) “khủng khiếp” của công nghệ thông tin và các ứng dụng trên không gian mạng đã làm thay đổi bộ mặt xã hội của cả thế giới. Không gian mạng xã hội đã làm “mờ” đi biên giới hữu hình của mọi quốc gia và tạo nên một “trường” thông tin với lượng tin tức khổng lồ và khả năng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cá nhân gần như vô hạn. Những lợi ích của sự phát triển đó của văn minh toàn cầu là không thể phủ nhận, càng không thể cưỡng lại xu hướng đó.
Việt Nam đứng trong nhóm 20 quốc gia có số người sử dụng internet và các trang mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng không nằm ngoài xu hướng không thể đảo ngược của toàn cầu hóa. Mạng xã hội bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ những năm 2000, dưới hình thức các trang nhật ký điện tử (blog). Theo số liệu thống kê, năm 2019, dân số Việt Nam là gần 97 triệu, trong đó số người sử dụng internet và mạng xã hội là 64 triệu, tăng 28% so với năm 2017. Thiết bị cầm tay thông minh, internet và mạng xã hội cũng đã là công cụ hữu hiệu tham gia công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước tới mỗi người dân. Nhưng đã thành quy luật biện chứng, bao giờ ngược với mặt sáng cũng là mặt tối. Từ phía đối lập, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các công cụ này để làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang xã hội, gây mầm chống phá dưới nhiều hình thức và bằng nhiều thủ đoạn.
Điều cần khẳng định trước tiên, đó là những thông tin xấu, độc được các thế lực thù địch đưa ra có chủ đích chống phá đường lối chính sách, gây hoang mang, làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn mà các thế lực thù địch thường dùng để phá hoại là lập các trang web, mở các “diễn đàn”, các “câu lạc bộ” ảo để tán phát tài liệu, tổ chức đăng tải các bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, tuyên truyền, kích động, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Công cụ được các lực lượng này lợi dụng tối đa là các website, các trang mạng xã hội với nhiều diễn đàn (forum), nhiều group chia sẻ trên các nền tảng Facebook, Twitter, Youtube, Zalo v.v. kết hợp với các đài phát thanh tiếng Việt và các tờ báo phản động ở nước ngoài để tuyên truyền phá hoại tư tưởng, chia rẽ nội bộ, xuyên tạc, bịa đặt, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhằm phá hoại nội bộ. Các đối tượng thù địch trong nước tích cực thu thập thông tin, phát tán tài liệu, video, trả lời phỏng vấn về các vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tạo ra các “chiến dịch truyền thông” tấn công trực diện vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Chiến thuật được sử dụng cũng đủ mọi chiêu bài, đủ mọi giọng điệu, như các bài viết với nhiều thể loại, các clip live stream… nội dung thường tập trung xuyên tạc, chống phá phê phán, đả kích Đảng như: moi móc khuyết điểm, sai lầm trong quá khứ; xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo sự thật, thổi phồng những mặt trái, vu cáo, đổ lỗi cho sự lãnh đạo của Đảng, lợi dụng một số vụ việc phức tạp xảy ra, trong đó tập trung vào các vụ việc, vụ án gây bức xúc (các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp), cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý. Đối tượng được nhằm đến là những người dân ít thông tin, cán bộ, đảng viên có biểu hiện do dự, dễ lôi kéo, thao túng. Thông tin chính thống từ các cơ quan thường được tổng hợp để tạo vẻ khách quan, sau đó cài các thông tin giả, thông tin xấu, độc với những luận điệu sai trái. Thông tin theo đường dẫn (link) lan truyền dễ dàng và nhanh chóng qua mạng xã hội dễ làm người dùng bị dẫn dắt, thụ động, và hầu như không có sự thẩm định và phản biện trong việc tiếp nhận thông tin, dễ tạo tâm lý đám đông để kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng thành lập các nhóm.
Cũng từ không gian mạng, các hoạt động truyền thông được các thế lực thù địch tận dụng triệt để, tạo nên sự hỗn loạn, nhiễu loạn thông tin trong xã hội với mưu toan làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta dao động về tư tưởng, mất phương hướng về chính trị, có thể thay đổi cả thái độ, lập trường, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tác hại của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến tư tưởng, dư luận xã hội, gây nghi ngờ, hoang mang, làm giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đây là mối nguy cơ hiện hữu và không thể xem nhẹ. Tuy nhiên, công tác đấu tranh của chúng ta với việc lợi dụng mạng xã hội để chống phá của các thế lực thù địch có lúc, có nơi, có khâu chưa đáp ứng được yêu cầu cao của nhiệm vụ và vẫn còn những hạn chế đã được chỉ ra như: thông tin nội bộ của nhiều tổ chức và cá nhân chưa được bảo mật tốt. Công tác tuyên truyền, khẳng định cái tốt và đấu tranh phản bác cái xấu, độc, sai trái, thù địch chưa kịp thời. Năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật để phát hiện, thu thập chứng cứ phục vụ đấu tranh với các đối tượng còn gặp nhiều khó khăn cũng làm giảm hiệu quả đấu tranh.
“Phòng” và “chống” là hai mặt biện chứng cần được thực hiện đồng thời
Cuộc đấu tranh với những việc lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá sự nghiệp cách mạng của chúng ta là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài và phải đồng thời làm tốt cả hai lĩnh vực “phòng” và “chống”. “Phòng” tích cực cũng là góp phần để trận địa “chống” vững hơn và “chống” tốt sẽ càng làm cho “phòng” có hiệu quả. Trước hết cần nhận diện những quan điểm cơ bản mà các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước:
- Phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận học thuyết Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.
- Công kích đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là định hướng xây dựng đất nước.
- Xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo cao cấp. Để việc đấu tranh phòng, chống quan điểm sai trái và ngăn chặn hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp quan trọng và hữu hiệu nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân, trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Đây là nội dung cốt lõi của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Công tác tư tưởng của Đảng phải bồi dưỡng nâng cao được bản lĩnh chính trị, kĩ năng và phương pháp đúng đắn, khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay. Có nhận thức đúng mới có tinh thần trách nhiệm cao và có hành động hiệu quả. Có bản lĩnh vững vàng, nhận thức đầy đủ, hiểu biết thấu đáo, trình độ tri thức được nâng cao, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân mới có thể đủ sức “đề kháng” để tự “phòng vệ” - theo phương châm của đông y “nhân cường (thì) tật nhược”, cơ thể khỏe mạnh thì bệnh tật tự lui - trước các luồng thông tin, để dễ dàng phân định rõ thông tin đúng - sai, thông tin độc hại - thông tin hữu ích. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên cần phải biết tự sàng lọc, không sử dụng các trang mạng có nội dung xấu, độc và giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, chống phá trên các trang mạng xã hội.
Để tạo môi trường thông tin thuận lợi cho việc phát huy vai trò của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong cuộc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch trên mạng xã hội, cần chú ý đến tính công khai, minh bạch, cập nhật về thông tin, tăng cường thông tin chính thống, đặc biệt là những thông tin liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, công tác nhân sự, các vụ án tham nhũng… để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội, tránh gây hoang mang, nghi ngờ có thể làm nảy sinh dư luận không tốt trong nhân dân.
Ngoài ra, còn cần tăng cường các biện pháp kỹ thuật. Cần đầu tư thỏa đáng cho các cơ quan có trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn không gian mạng. Tuyển dụng, đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, có khả năng thực hiện hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ kỹ thuật. Đồng thời, khuyến khích phát triển mạng xã hội của Việt Nam, phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn từ nước ngoài như Facebook, Google, Twitter, Youtube để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những thông tin mang nguy cơ ảnh hưởng xấu đến an toàn xã hội, an ninh quốc gia.
Các biển báo giao thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và chỉ dẫn cần thiết cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay trên một số tuyến đường của tỉnh nhiều biển báo giao thông bị che khuất, gây khó khăn cho việc quan sát của người tham gia giao thông, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, va chạm giao thông.
Sáng 27/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức hội nghị biểu dương tập thể, cá nhân thực hiện Đề án 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” năm 2023, 2024.
Sáng 27/11, Đảng ủy Quân sự (ĐUQS) tỉnh tổ chức hội nghị ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.