Trang điểm, xịt nước hoa cho trâu… để thu về đô la
Trước nhu cầu trải nghiệm khám phá đồng quê ven phố cổ Hội An của nhiều du khách, năm 2010, ông Trần Văn Khoa, giám đốc một công ty lữ hành đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào làm xe trâu bằng tre, trạm dừng chân bằng tranh tre nứa lá, khuyến khích người dân ở xã Cẩm Thanh nuôi trâu làm du lịch.
Theo ông Trần Văn Khoa, hiện nay mạng lưới của ông đang hợp tác với 30 nông dân quanh Hội An. Khi tham gia dẫn khách, các chủ trâu cũng được trải qua các lớp huấn luyện đón tiếp, nhiều chủ trâu tới nay nói tiếng Anh thành thạo, sở hữu trong tay hàng chục con trâu trưởng thành, cả gia đình sống nhờ vào nghề độc đáo này.
Câu cửa miệng "cực như trâu" không còn đúng với cánh đồng ruộng quanh phố cổ Hội An. Thay vì è cổ kéo cày, những chú trâu ở đây thì phải… làm đẹp, hiền lành và thơm tho để kiếm về đô la cho chủ.
Ông Lê Nhiên (trú phường Cẩm Châu) là một trong những người nuôi trâu nhiều nhất Hội An với 25 con.
Trong 25 con trâu này ông dành 5 con trâu thật đẹp, khỏe để phục vụ cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm khi đến Hội An du lịch.
Ông Lê Nhiên cho biết: "Trước kia tôi nuôi trâu chủ yếu để làm ruộng nên chỉ nuôi hai con để lấy sức kéo. Nhưng bây giờ tôi tham gia làm du lịch bằng cách do thuê nên nuôi trâu nhiều hơn.
Mỗi tháng công ty du lịch trả chi phí cho tôi và 5 con trâu 15 triệu đồng, dù không quá cao nhưng cũng giúp trang trải cuộc sống. Trước đây con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng bây giờ con trâu là đầu du lịch".
Với bản năng có thể giúp nông dân cày bừa và một số công việc đồng áng khác, những chú trâu tham gia làm du lịch hàng ngày chỉ giúp chủ của nó tái hiện các thao tác cày bừa, kéo xe giúp du khách thăm thú cảnh đồng quê, hay làm "mẫu ảnh" để khách thỏa thích chụp hình.
Để trâu có thể dạn dĩ và đặc biệt thân thiện, gần gũi với con người, nhất là với khách du lịch, những hộ nuôi trâu phải bỏ ra một thời gian để huấn luyện. Từ việc làm quen với các khẩu lệnh, đến việc làm quen với mùi nước hoa, kem chống nắng… vì trâu dị ứng với mùi hương công nghiệp.
Cứ mỗi lần cưỡi trâu du khách sẽ trả cho chủ từ 20.000 đồng đến hàng trăm ngàn đồng. Mỗi chú trâu mỗi ngày cao điểm du lịch có thể kiếm được về cho chủ 500.000-700.000 đồng, thậm chí cả triệu đồng.
Một sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo
Một trong những thú vui của du khách, nhất là khách đến từ Châu Âu, Mỹ… khi đến Hội An là cưỡi trâu đi dạo trên những cánh đồng lúa ở ngoại ô; hay khách đi cày, bừa với trâu, rồi trồng lúa, trải nghiệm làm nông dân.
Nếu như trên đồng lúa, người nông dân là "nhân vật chính"của những bức hình đồng quê thì chú trâu cũng là "nhân vật" không thể thiếu. Bằng cách chăn trâu béo núc béo tròn, huấn luyện trâu làm dáng thành thục, thân quen cùng khách, nông dân Hội An đã tạo ra hàng triệu bức hình thú vị về phố cổ đi khắp thế giới.
Công ty của ông Trần Văn Khoa là đơn vị đầu tiên đưa ý tưởng đưa trâu vào phục vụ du lịch trải nghiệm. Từ 10 năm trở lại đây, nhiều đơn vị du lịch cũng tổ chức mô hình này. Ước tính trên địa bàn Hội An có khoảng 50 hộ chuyên cung cấp trâu phục vụ du lịch với số lượng khoảng 60-70 con.
Mỗi tháng, công ty ông Khoa phục vụ từ 2.000-3.000 lượt khách cưỡi trâu trải nghiệm. Ông Khoa cho biết, du khách Tây rất thích cưỡi trâu dạo đồng lúa ngắm cảnh, hay tập làm nông dân với "con trâu đi trước, cái cày đi sau".
Cùng với giá trị kinh tế, sự hiện diện của trâu trong các tour du lịch đồng quê giúp du khách cảm nhận được không gian yên bình và đời sống mộc mạc của những vùng quê Việt Nam; qua đó góp phần đưa hình ảnh thân thiện trong sinh hoạt của người nông dân và con trâu, biểu tượng của nền nông nghiệp lúa nước đến với du khách bốn phương.
"Nhiều khách Tây lần đầu đến Hội An trên tay cầm theo những trang báo nước ngoài có các bức ảnh chụp hình chúng tôi. Họ kể rằng thấy thú vị và tìm cách đặt tour để được ngắm tận mắt", ông Lê Nhiên tự hào.
Ông Khoa cho biết trong năm 2020, ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến ngành du lịch nói chung và tour cưỡi trâu bị ảnh hưởng nặng nề. Trong năm 2021, ông Khoa xác định mục đích của tour sẽ hướng đến thị trường trong nước. Do đó, tour đã giảm 50% để thu hút khách nội địa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 47/CT-TTg chỉ đạo tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.
Hưởng ứng Lễ hội Xuân hồng năm 2025, ngày 26/12, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện huyện Kim Bảng phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương tổ chức Ngày hội hiến máu tình nguyện năm 2025.
Chiều 26/12, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thảo luận các nội dung trình Kỳ họp chuyên đề năm 2025, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 – 2026 và các nội dung khác theo Quy chế làm việc. Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì phiên họp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.