Non nước Thanh Liêm
Sông Đáy xuôi nguồn gặp thành phố Phủ Lý phân thủy ba ngả. Sóng xuôi sông Châu, ngược sông Nhuệ, còn hướng ra bể, đến bến đò Đoan Vĩ mà sử triều Nguyễn ghi điểm cực Tây đất Hà Nam giáp địa giới Ninh Bình. Lưu vực Đáy giang thuộc chi lưu sông Hồng là đất huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Núi không cao, sông không rộng nhưng mỗi ngọn bình sơn, bờ bến kể bao ngọn ngành huyền tích. Một dáng núi đứng chắn sóng gió gọi là Kẽm Trống. Thuyền giong buồm khởi gió, núi bên bờ ngóng reo, còn câu thơ đồng hiện…
Sông Đáy theo thuyền về bến Gián Thấp thoáng buồm nâu sóng đá vôi…
Sông theo thuyền hay núi theo buồm… thực ảo non nước Thanh Liêm. Đỉnh chùa Tiên, chim phượng bay về… Đàn trăm con mà rừng thông chỉ có 99 ngọn, thiếu chỗ đậu, cả đàn cất cánh bay tìm…, để nay mỗi Tết trồng cây theo lời Bác dạy, màu xanh dần phủ rợp đất trống đồi trọc, đường phố, làng quê… Non Cõi thiêng ngôi Mả Dấu, minh chứng nhà Tiền Lê phát tích trước khi vào xứ Thanh, đến Hoa Lư lập danh, lập tích. Ruộng nào chen chân núi Đụn, chùa Tiên, mùa Xuân Nhâm Ngọ (1042), Hoàng đế Lý Thái Tông theo điển lệ nhà Tiền Lê, Tịch điền Triều Lý…
Hang Thiên Kiện giấu kho tiền cổ Đại Việt. Lễ hội chùa Châu, kiệu rước thánh bà Thủy Tinh, Điện tiền phu nhân Phạm Ngũ Lão, danh tướng triều Trần. Am đá chùa Trinh Tiết còn bóng dáng công chúa vương Trần tu đạo. Qua dải Đồng Ao, ai nhớ chuyện nhà Hồ thuở ấy. Bến nước Thanh Thủy quê Vũ Cố đại vương, tham tướng trong kháng chiến chống giặc Minh, cùng bạn chăn trâu tập trận…
Dòng sông, cung đường thủy lộ chiến lược, công thì thắng, thủ thì giữ. Tây Đáy đường thiên lý hạ đạo từ Nam ra Bắc, từng đón rước vua Tiền Lê khai xuân Tịch điền. Hoàng đế Lý Thái Tổ thiên cố đô Hoa Lư lên Thăng Long dựng nền văn hiến. Vẫn cung đường huyền thoại, đoàn quân áo vải cờ đào từ phương Nam, bí mật thần tốc tiến đánh Ngọc Hồi, Đống Đa. Binh mã nghìn quân, đi không tiếng động, quân lệnh miệng ngậm lá cây nên có tên Gián Khẩu… Hoàng đế Triều Nguyễn kinh lý Bắc Hà, sai đào sông, thuyền rồng tránh vía Bà Chúa thơ Nôm…
Chưa xa thuở chiêm úng, nước lụt chấm kèo “Đầu húc mái nhà, tay rà bắc bục” (ngạn ngữ Liễu Đôi). Lũ sông Đáy ngập sân đình thì hát Trống quân trên truyền. Trai vật Đông Sấu giành giải thiên hạ mang theo bùa đất, nỡ khi sểnh miếng có hồn đất thiêng trợ sức (Chuyện chàng trai họ Đoàn). Hang đá Gióng Lở, người tiền sử trú ngụ, nơi hội quân chiến dịch Hà Nam Ninh thời chống Pháp là điểm đến của khách du lịch. Mỗi tấc đất núi Chùa còn thấm máu các anh hùng, liệt sỹ… Âm hưởng cuộc sống Thanh Liêm, Hà Nam hôm nay hiện lên muôn màu qua bức tranh thêu Hòa Ngãi.
Sự tích núi Đùng Núi mọc nơi nào khai sinh làng ấy. Núi Đùng thì gọi làng Đùng, nay ba làng hợp lại mới gọi Hạ Trung Ninh, xã Liêm Sơn (Thanh Liêm). Có thơ tả núi “Như con rồng lượn giữa đồng xanh”. Mạch núi dẫn hai truyền thuyết. Xưa, trúc mọc thành rừng. Cây to có thể dàn đòn tay cất nhà “Làm nhà chữ sinh, làm đình chữ lão”. Theo phép đếm đời người “sinh, lão, bệnh, tử”, nên xây nhà xem trọng lễ cất nóc, tính từ giọt gianh lên Thượng lương chọn chữ sinh, còn dựng đình cất chữ lão.
Dòng họ Lại trên 700 năm, họ Trần hơn 300 năm, họ Đào ngoài hai thế kỷ và Bùi tộc gốc Mường xa hơn thế nữa, những cư dân làm chủ đầu tiên khai khẩn vùng này. Người họ Bùi giữ bí quyết nghề làm pháo từ thời Lê sơ, gọi là bộc trúc. Tết đến Xuân về, lên núi lựa cây ưng ý, gióng đều, không sâu, kiến, cắt khúc, nhồi thuốc, đặt ngòi nổ. Khi đốt tiếng pháo nổ đùng đanh giòn. Lại còn pháo nêu, mỗi khúc cây đặt mồi nổ, ngày mồng 7 hạ nêu, hóa pháo tiếng nổ liên hồi, mừng xuân mới, mở đầu một năm làm lụng, phong đăng hòa cốc. Tục lạ này nay không còn. Cổ thi có câu “Bộc trúc thanh trung nhất tuế trừ” (Đốt ống pháo trúc, một năm trôi qua)… Còn thời Đinh, Khuông Việt đại sư vịnh Tết có chữ “Bộc trúc”. Sách “Hà Nội tỉnh chí”, của Tiến sĩ Khiếu Năng Tĩnh (1912) có chép bài thơ của ông Đội Nhưng quê ở núi Đùng (dịch):
Xuân mới hôm nay đến núi này/ Ống tre lại nổ ở thôn đây/ Đào hồng môi đỏ lời hoan hỷ/ Già mới quay về mấy kẻ hay…
Lại thêm chuyện kể, xưa trên đỉnh núi Bàn Cờ đặt hai khẩu thần công, khi bắn thức dậy cả vùng Đùng.
Từ chân núi, cây tỏa thành từng bụi, tiếng cổ gọi là Sọng. Người đến quần cư lập làng thành Sọng Nội, Sọng Hạ, thôn mới sáp nhập đơn vị hành chính vẫn giữ Sọng Nội Lẻ.
Núi Thầy Tu, Chúa Ngự, Bàn Cờ. Đường lên Khe Mường qua dốc Hàm Lợn, lối sang làng Thong (Thanh Tâm), Đồi Ngang (Thanh Lưu), các làng cổ Bưởi, Non, Chè, Khoái, Quán, Lời…, chỉ có một chữ. Phong thủy hậu tựa sơn, tiền Kinh thủy, văn hóa đồng chiêm bảo tồn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu qua mấy thập kỷ. Chưa ai rành rẽ câu ca:
Bao giờ vua ngự chùa Đùng Đồi Ngang mới hết anh hùng nước Nam …
Chè xanh núi đất Thanh Liêm thắm đượm tình quê, sóng sánh câu truyền khẩu. Đẹp thay cô gái làng Nghè/ Tài khêu ốc vặn, cắp chè bán rong… Cây song mật núi Đùng, làm nhạc cụ để hát trống quân. Rừng tạo sinh thái, khí hậu đặc trưng vùng miền, mát mùa hạ, ấm mùa đông.
Ông Tú Kép Trà quê Duy Tiên, lều chõng thi Hương cùng nhà thơ Tú Xương (Nam Định). Thơ viết trước năm 1930 “Duy Tiên bún trắng hai chiều chợ/ Kim Bảng sim xanh mấy ngọn đồi/ Bình Lục phì phèo mồi thuốc vặt/ Thanh Liêm bỏm bẻm miếng trầu vôi/ Nam Xang mang tiếng dân cò trắng/ Đồng rộng ao sâu lắm ốc nhồi”.
Hữu duyên gặp lại… Đường du lịch vào chùa, đôi làn xe chạy, đang trải nhựa. Tấm biển báo ở cầu Đùng dẫn khách thăm chùa Địa Tạng Phi Lai cách một tuần nhang.
Nhìn từ xa, dãy núi uốn mình tựa con rồng thời Lý. Lạ lùng thay, nhìn lên núi, ban ngày dáng rồng xanh cuốn vào nền mây trắng. Khi ánh trời khuất sau rặng cây, màn đêm thắp lên muôn ánh sao điện lung linh, huyền ảo hình minh long, xán lạn vùng quê núi.
Ngôi cổ tự mang tên chùa Đùng có từ thời Lý - Trần, được đức vua Triều Nguyễn ngự lãm, nay sư trụ trì thỉnh pháp tự Địa Tạng Phi Lai, nghĩa là Phật Địa Tạng bay về ngự chốn sơn lâm. Theo giáo thuyết, Địa Tạng Phật cứu độ chúng sinh chẳng may đọa vào cửa ngục.
Cổ tự trăm gian xưa tọa đỉnh non Đùng, nay chùa cảnh vẫn rừng thông vi vút, suối khe róc rách. Chuông gió cửa chư tiên reo thoảng hương trầm, hòa thanh huyền diệu. Trước lần trùng tu thứ ba (2015), tượng cổ xếp lại gọi là nghĩa địa tượng. Gỗ chùa xếp chật ao, ngói cổ mũi hài còn mang lợp đình. Chất liệu hai pho đại pháp tạo được nhiều pho tượng thờ. Ngôi tam bảo ba tầng, gam màu chủ đạo nâu, vàng, trắng. Tượng đức Địa Tạng, vị thần chủ đặt nơi chính điện, nhà tổ thờ 42 vị thầy truyền thừa... Khác với những công trình tôn giáo thường gặp, tượng Phật chùa này bằng đất, không sơn son thếp vàng, “Chùa xưa tượng đất giấy bồi/Vàng phong sắc chỉ từ thời vua Lê” (Trường ca Đồng chiêm). Sân chùa trải đá trắng, mỗi sớm sư bác dùng gậy trúc vẽ 12 vòng tròn duyên khởi, biểu tượng trong động có tĩnh, trong tĩnh có tâm, trong tâm có Phật, để ai hữu duyên đến đây như được trở về với thiên nhiên, an bình trong thực tại.
Và kỳ diệu thay, núi Đùng nơi tọa ngôi cổ tự đã thành di chỉ cổ vật. Theo khảo cứu ban đầu của giới chuyên môn, những đồ sành, đồ gốm thu lượm được là loại mỹ nghệ có niên đại Lý - Trần. Nếu trước đây, Thanh Liêm hiện diện văn hóa Liễu Đôi thì nay có thể gọi thêm văn hóa núi Đùng.
Văn hóa núi Đùng
Thăm nhà ông Đào Trung Phong, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Liêm Sơn, người góp nhiều công sức trong việc bảo tồn văn hóa làng. Ông từng tham gia chiến dịch Mậu Thân (1968), dời quân ngũ lại tay cuốc, tay cày… Đất vườn, cành bưởi treo quả vàng đợi Tết. Dưới lòng đất đào chỗ nào cũng gặp những mảnh sành, mảnh gốm, có thứ còn nguyên vẹn, đang chờ lên tiếng. Nguyên vùng này, từ thời các cụ là đất lò gạch. Ông tự đào đất, lên rừng kiếm bổi, đóng mộc, nhóm lò nung hàng vạn viên gạch hồng xây nên cơ ngơi, an cư lạc nghiệp, hăng say công tác xã hội… Góc sân bên chậu cảnh đặt mảnh gốm cổ năm tầng hoa văn sóng nước và những họa tiết dấu chấm hồi văn, hiện hình rồng thực ảo cũng đào được ngay dưới gốc cây.
Khi thăm chùa, chứng kiến kho cổ vật chưa từng công bố, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi số lượng đồ sành, đồ gốm đào được ngày động thổ giác móng chùa cách nay chưa lâu.
Tầng hầm dưới ngôi tam bảo dành làm kho chứa cổ vật. Các nhà khoa học khảo cứu bước đầu đặt mã số, phân loại hạng mục xếp thứ tự theo cách bài trí của bảo tàng. Cổ vật từ thế kỷ XIII, XIV còn chiếc lon sành, đĩa men ngọc chất liệu gốm màu. Thế kỷ XVII, XVIII có bát men nâu, bình vôi cỡ nhỏ, nguyên liệu gốm men thời Lê Trung Hưng (mã số GM120). Rất nhiều những mảnh gốm, có mảnh hoa văn nguyên dáng rồng cuộn, gạch ngói... Đồ thờ thời Nguyễn, chiếc bát hương nguyên vẹn, chất liệu gốm men da lươn, còn đọc được chữ “Thánh cung vạn tuế”. Một mảng bệ thờ xếp tám hàng gốm mỏng ngấn hoa văn sóng nước kỷ hà. Sư trụ trì cho hay còn nhiều đồ gồm mỹ nghệ, tượng chim thần đã được lưu giữ, tiếp tục phân loại, nghiên cứu, thẩm định.
Nhà sử học Lê Văn Lan xác minh qua những hiện vật tìm được ở núi Đùng cho rằng khung thời gian thịnh trị vào thời Trần, có nền từ thời Lý kéo dài đến thời Lê, thời Nguyễn. Còn theo PGS, TS Chu Quang Trứ, người có nhiều công trình khảo cứu mỹ thuật Phật giáo thời Lý - Trần, nhận xét những đồ gốm có hoa văn loại này, tìm thấy ở mảnh thạp Thanh Hóa, bình hoa Bát Tràng cùng các loại liễn, bình vôi, bát đĩa cỡ vừa và nhỏ ở các di chỉ cùng niên đại Lý - Trần. Những phát hiện mới về cổ vật núi Đùng rất cần được nghiên cứu và bảo tồn. Ước nguyện của sư trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm muốn được hiến tặng tỉnh Hà Nam để phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, văn hóa vùng núi Đọi, sông Châu, sông Đáy.../.
Ngày 2/12, các quốc gia đang cố gắng đàm phán một thỏa thuận toàn cầu về việc xử lý các đại dịch trong tương lai đã bắt đầu một tuần họp mới trong vòng đàm phán thứ 12.
Tối 2/12, tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã (2/12/1964-2/12/2024) do Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức trọng thể.
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bảng đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan triển khai mô hình “Tổ CCB tự quản bảo đảm an toàn giao thông” tại các cổng trường. Bằng những việc làm thiết thực, tổ tự quản an toàn giao thông (ATGT) đã góp phần giảm ùn tắc giao thông vào giờ tan học, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông nói riêng và pháp luật nói chung cho học sinh và cha mẹ học sinh.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.