Hằng năm, Hà Nam có hàng trăm lễ hội lớn, nhỏ. Mỗi lễ hội đều mang một màu sắc, một tín ngưỡng riêng nhưng đều hướng tới một khát vọng cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Khi nói đến lễ hội nông nghiệp ở Hà Nam, trước tiên phải nói đến lễ hội Tịch điền dưới chân núi Đọi (nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên). Một lễ hội nông nghiệp tiêu biểu diễn ra vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm. Theo “Việt lược sử”, vào năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987) vua Lê Đại Hành đã về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền văn minh lúa nước.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ hội Tịch điền đã trở thành một mỹ tục được một số triều đại sau thực hiện một cách thành kính và trang nghiêm. Tuy nhiên, sau nhiều năm, chiến tranh loạn lạc, mỹ tục này đã bị thất truyền, mãi đến năm 2009, Lễ hội Tịch điền mới được cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Nam quyết tâm phục dựng và bảo tồn, duy trì đến nay. Điểm nhấn trong lễ hội này chính là việc tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành đi những đường cày đầu tiên trong dịp đầu Xuân mới.
Sau những nghi thức tế lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, vua đích thân xuống đồng cày ruộng, mở đầu cho niên vụ mới. Hình ảnh một Lão cao niên trong làng khoác áo long bào, nhập linh khí quân vương, khoan thai đi những xá cày đầu tiên, không chỉ mang ý nghĩa khuyến khích, coi trọng việc nông tang, Lễ hội Tịch điền ngày nay còn tái hiện hình ảnh đất nước thanh bình, mùa màng bội thu; đồng thời, đề cao vai trò của người nông dân trong chiến lược phát triển nông nghiệp. Với một quốc gia có nền văn minh lúa nước hàng nghìn năm như nước ta thì điều đó càng có ý nghĩa lớn lao vô cùng.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã trở thành một điểm nhấn văn hóa đầu năm, một mỹ tục ăn sâu vào tiềm thức người dân Hà Nam và du khách thập phương. Một lễ hội văn hóa vừa có ý nghĩa lịch sử vừa có ý nghĩa hiện đại. Lễ hội Tịch điền ngày nay không chỉ kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống mà còn nhắc nhở, giáo dục con cháu tiếp tục con đường công nghiệp hóa - nông nghiệp hóa nông thôn, xây dựng thành công chương trình xây dựng nông thôn mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Lễ hội Tịch điền cũng thể hiện tâm thế và văn hóa ứng xử của con người đối với thiên nhiên…
Đồng chí Lê Xuân Huy, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Hà Nam
Nếu như Lễ hội Tịch điền có nghi lễ thờ Thần Nông thì Lễ hội chùa Bà Đanh có tục thờ Tứ pháp, đó là Pháp Vân (thần mây), Pháp Vũ (thần mưa), Pháp Phong (thần gió), Pháp Điện (thần sét); lễ hội Đình đá Tiên Phong thờ Nguyệt Nga công chúa, người đã đem nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa để dạy cho người dân địa phương… Hay Lễ hội đền Trúc ở Quyển Sơn- Kim Bảng thờ danh tướng Lý Thường Kiệt thường được mở hội từ ngày mùng 1 tháng giêng đến mùng 1 tháng hai âm lịch hằng năm. Sau phần lễ, phần múa hát thờ, hội đua thuyền cũng được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng hai trên sông Đáy. Hội đua thuyền này mang rất nhiều tầng ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một cuộc đua mang tính thể thao, một nghi lễ tưởng niệm cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt trên sông trong lần tiễn phạt quân Chiêm Thành, còn là một hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hòa, cho mùa màng tốt tươi.
Nói lễ hội chính là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh phong phú, có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân là vậy. Căn cứ vào những dấu ấn của nền văn minh lúa nước trong lễ hội truyền thống, thiết nghĩ, ngoài việc tìm hiểu, sưu tầm và phục dựng những lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của cộng đồng, chúng ta cũng nên nhìn nhận lại các chủ trương, chính sách, sự quan tâm đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp. Xây dựng một nền nông nghiệp sạch, bền vững, cũng chính là thể hiện thái độ ứng xử thân thiện, văn minh đối với môi trường và thiên nhiên.
Thực tế hàng nghìn năm qua đã chứng minh, dù ở thời đại nào thì tư tưởng trọng nông vẫn được đặc biệt coi trọng... Tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp trong các lễ hội truyền thống ở Hà Nam vẫn được bảo tồn và phát huy. Những nghi lễ thượng điền, hạ điền, thường tân (cơm mới), cầu mưa thuận gió hòa… vẫn được tổ chức hằng năm, kết thúc chu trình sản xuất nông nghiệp, chuẩn bị cho vụ mới với mong ước mùa màng bội thu.
Vẫn biết, việc bảo tồn và phát huy những mỹ tục là việc cần thiết phải làm, tuy nhiên, để khát vọng mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng bội thu không chỉ là lời nguyện cầu trong tín ngưỡng thờ thần của các lễ hội nông nghiệp, không còn cách nào khác chúng ta phải thay đổi cách ứng xử với thiên nhiên, phải chung sống hòa bình với thiên nhiên, thân thiện với môi trường thiên nhiên. Cơn giận dữ của mẹ thiên nhiên ập xuống dải đất miền Trung trong những ngày tháng 10 năm 2020 vừa qua khiến chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng đó chính là cách đáp trả gay gắt của tự nhiên trước những hành xử vô cảm của con người; một lời cảnh tỉnh đanh thép khi nguy cơ môi trường tự nhiên bị phá hoại nghiêm trọng.
Nói như vậy, để thấy, việc tổ chức các lễ hội truyền thống hằng năm không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng mà thêm một lần nhắc nhở mỗi chúng ta cần trân trọng hơn những giá trị nhân văn mà các bậc tiền nhân đã để lại. Dù ở thời đại nào, muốn phát triển bền vững cũng phải bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và văn hóa chính là căn cốt để tạo nên giá trị, bản sắc của một dân tộc.
Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chiều 24/12, Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp hoạt động (PHHĐ) huyện Bình Lục tổ chức sơ kết hoạt động phối hợp công tác dân vận năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Chiều 25/12, Ban Chỉ đạo chương trình phối hợp hoạt động (PHHĐ) thành phố Phủ Lý tổ chức sơ kết chương trình hoạt động năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.