Cô giáo dạy Âm nhạc và “nghiệp” sáng tác thơ
Qua lời giới thiệu, tôi đã có dịp được gặp cô giáo Lê Thị Thúy Mây, giáo viên dạy Âm nhạc, Trường Tiểu học A thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục). Ấn tượng đầu tiên khi gặp cô giáo Mây không phải là sự lãng mạn vốn thấy ở những người có tâm hồn thơ mà là sự giản dị, dễ gần đến lạ. Trong câu chuyện về thơ, về việc sáng tác thơ và chia sẻ về những tác phẩm của mình, Lê Thị Thúy Mây đã cho tôi đi từ cảm xúc này tới cảm xúc khác.
Mây thích học Văn, thích đọc truyện từ khi còn rất bé và bắt đầu tập tành làm thơ lúc học lớp 9. Những bài thơ ngắn thuở ấy được Mây sáng tác rất tự nhiên, có khi chỉ là cảm xúc lúc chia tay mùa hạ, có khi lại để “trả bài” cho cô giáo nhưng đã toát lên sự chững chạc về cách thể hiện: “Cành phượng buồn oằn nhánh cõng mùa thi/ Gió thoắt thổi gọi xôn xao niềm nhớ/ Ngó mắt bạn chợt thấy điều trăn trở/ Mùa thi ơi! Mi gợi mở những gì…” (Suy tư mùa hạ); “…Lời như gió thoảng trăng sao/ Mà sao văng vẳng sóng trào trong tâm/ Giật mình Kiều tỉnh giấc mòng/ Nhìn bên chỉ thấy phòng không lạnh lùng…” (Nhại Kiều).
Đến với thơ, Mây không quá sa đà vào sự lãng đãng, phiêu bồng mà khao khát kiếm tìm được cảm giác mới lạ về ngôn từ, cách chơi câu chữ và thỏa mãn niềm đam mê làm thơ qua những hiện thực của cuộc sống. Trong thơ của Mây không tồn tại sự cẩu thả, dễ dãi về câu, về chữ, về tứ và có sự trải nghiệm ở hầu hết các thể thơ.
Sau này, đã có hơn 10 năm Mây là giáo viên dạy Ngữ văn của một trường THCS. Chính trong thời gian đó, việc sáng tác thơ của Mây có mật độ dày hơn, có độ “chín” bởi tư duy của người đã trưởng thành. Có không ít bài thơ đã được sáng tác từ chính những bài giảng cho học sinh về các tác phẩm thơ văn trong chương trình.
Giảng cho học sinh về bài thơ “Tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật, Mây đã sáng tác bài “Bài thơ Trường Sơn” với chất thơ hào sảng, đầy cảm xúc: “…Còn nhớ không? Hỡi những anh hùng/ 20 tuổi đã ra đi vì Tổ quốc/ Bước chân Trường Sơn không kẻ thù nào ngăn được/ Trái tim hồng thắp đuốc vượt đêm đen...”. Khi giảng tới các tác phẩm của Hàn Mặc Tử, hồn thơ trong Mây cũng như nức nở, thổn thức: “…Gặp hồn thơ Mặc người cõi trước/ Ngỡ thấy tương liên chốn nhân sinh/ Tiếc sao chẳng có duyên kì ngộ/ Đành viết mấy câu ngỏ tấm tình…” (Tri âm)… Hay chỉ từ cảm hứng với mấy câu thơ trong trích “Đoạn trường tân thanh” của đại thi hào Nguyễn Du, một “Khúc tri âm” của Mây đã ra đời: “Ngõ hoang… sương lạnh/ Bối rối trăng tàn…/Tiếng dế kêu than… tựa tiếng đàn Bá Nha kiếp trước/ Dẫu Trương Chi chẳng mong lời hẹn ước/ Ngọc cũng tan theo nước mắt cố nhân…”.
Không những thế, tình yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người cũng đã mang tới cho Mây thật nhiều xúc cảm để có những: Tản mạn sông quê, Tự khúc sông Châu, Âm vang khúc quân hành, Đợi, Thu phai, Vẳng nghe khúc đồng dao… Đọc thơ Mây sẽ thấy, trong thơ có ảnh, có màu, có sắc, có âm và có cả chiều sâu về ngữ điệu, chứa đựng, gửi gắm nhiều nội dung sâu sắc, mang tới những dư âm về sự trải nghiệm cuộc sống hiếm thấy của một người trẻ.
Yêu thơ, say mê sáng tác, đến nay, cô giáo Lê Thị Thúy Mây đã có riêng cho mình hàng trăm bài thơ, trong đó có tuyển tập hơn 70 bài thơ tiêu biểu được Nhà xuất bản Hội Nhà văn chọn in trong hai tập thơ: Tâm hồn của đá (xuất bản năm 2014) và Ru đá ngàn năm (xuất bản năm 2015). Đây là hai tập thơ được đánh giá khá tốt về chất lượng, tiếp cận được dần với những yêu cầu khắt khe về chuyên môn, tạo thêm động lực để Lê Thị Thúy Mây đi được những bước xa hơn với niềm đam mê sáng tác thơ của mình.
Làm thơ để dạy Văn tốt hơn
Không có được sự liên tục trong sáng tác, cũng chưa có thật nhiều tác phẩm thơ như Lê Thị Thúy Mây nhưng với cô giáo Đặng Thị Huế, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), từ lâu thơ đã là một phần của cuộc sống. Vốn yêu thơ từ thuở học sinh, sau này lại là một sinh viên Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm và trở thành cô giáo dạy Ngữ văn, con đường đến với sáng tác thơ của Đặng Thị Huế rất tự nhiên, không có lộ trình, không có sự sắp đặt, đoán định trước. Bởi vậy, thơ của Huế cũng nhẹ nhàng, giản dị, mộc mạc. Với Huế, thơ là tình, thơ là cảm xúc. Mà tình và cảm xúc là hai yếu tố không thể khiên cưỡng, cứ bảo viết thành thơ là sẽ viết được nên Huế cứ để tâm hồn thơ của mình thảnh thơi, chờ đợi sự thăng hoa cảm xúc, cảm hứng. Khi đó, hồn thơ và tình người sẽ hòa quyện để thành thơ.
Là một giáo viên, tình yêu của cô giáo Huế dường như dành cả cho trường lớp, cho nghề và cho những lứa học sinh của mình. Trong thơ Huế, hình ảnh học sinh và tình cảm thầy trò dường như chiếm gần hết những sáng tác. Đó là ấn tượng của những ngày đầu tiên đi dạy học: “Tạm biệt giảng đường sư phạm/ Tôi lên dạy học vùng cao/ Con đường đất đỏ cheo leo/ Mây giăng trắng núi, hanh hao gió mùa/ Đường trơn bạc trắng hạt mưa/ Bàn chân con gái đá trơ sỏi mòn…”; là hình ảnh những học sinh vùng cao vượt khó tới trường: “…Học trò lội suối, trèo non/ Tóc khô, da cháy, bàn chân chai sần…”; là những nỗi niềm của một cô giáo miền xuôi lên dạy học nơi núi rừng xa xôi: “… Đã qua rồi một mùa xuân/ Quen dần ngày chợ theo phiên thuở nào/ Quen dần câu hát soong hao/ Quen rồi tiếng suối rì rào sớm khuya/ Quen rồi cả những cơn mưa/ Bất chợt đổ xuống giữa trưa nắng hè/ Quen rồi lớp học vắng hoe/ Mưa dầm, gió bấc em không đến trường...”.
Trở về sau một thời gian “cắm bản”, đã có lúc việc làm thơ, sáng tác thơ của Huế bị chững lại bởi sự tác động của cuộc sống, công việc, gia đình nhưng tình yêu với thơ vẫn cứ như một ngọn lửa cháy âm ỉ trong tim cô. Và, Huế biết, ngọn lửa đó sẽ không bao giờ tàn lụi, sẽ lại được khơi bùng lên khi cảm xúc thơ đến với cô. Hiện tại, là một giáo viên biết sáng tác thơ và thấy sáng tác giúp cho mình dạy tốt hơn môn Ngữ văn cấp THCS nên trong quá trình giảng dạy, cô giáo Đặng Thị Huế đã lồng ghép việc học các bài thơ, văn trên lớp với việc đọc cho học sinh nghe các bài thơ cô đã sáng tác. Qua đó, cho các em thấy được giá trị của việc học Văn đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển sự tư duy về ngôn ngữ và vốn từ, dần hình thành trong các em những con người nhân văn. Cùng với đó, cô giáo Huế cũng thử tập cho học sinh sáng tác để học tốt môn Ngữ văn hơn; khuyến khích các em đọc nhiều hơn, biết vận dụng kiến thức và ngôn ngữ một cách sáng tạo; gợi mở cho các em niềm yêu thích văn chương.
Cho dù chưa có thống kê một cách đầy đủ về số lượng những nhà giáo biết sáng tác thơ, văn nhưng từ thực tế của chất lượng giảng dạy, qua các hoạt động phong trào - nhất là phong trào văn hóa, văn nghệ đang được phát triển mạnh mẽ hiện nay trong các nhà trường, có thể khẳng định sức sáng tác của đội ngũ nhà giáo là không hề nhỏ. Hoạt động sáng tác thơ, văn đã và đang có tác động tích cực, nhiều chiều tới chất lượng giáo dục chung cả về trí dục, đức dục nên cần có sự khuyến khích, động viên phát triển hơn nữa.
Ngày 2/12, tại thành phố Hưng Yên (Hưng Yên), Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên đã tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tại Lễ tổng kết, trao giải Cuộc thi và khai mạc Triển lãm “Ảnh nghệ thuật Nam Định” năm 2024 tổ chức sáng 2/12 ở Trung tâm văn hóa Thanh thiến niên (tỉnh Nam Định), nhà báo Bùi Hữu Tuấn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam đã được trao giải Nhất với tác phẩm “Những thiếu nữ đồng chiêm”.
Làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, sáng 2/12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, ngành Tòa án cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng cơ quan tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực hiệu quả; gắn với nâng cao chất lượng, sức chiến đấu của cơ quan, tổ chức Đảng, tổ chức bộ máy tòa án các cấp.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.