Trải qua chiều dài lịch sử mấy thế kỷ dưới chế độ quân chủ, pháp thuộc, kháng chiến, giành độc lập, nhất là thời kỳ đổi mới, vùng đất lỵ sở Trấn Sơn Nam ven sông Hồng phía đông bắc Duy Tiên luôn giữ được khung cảnh thanh bình, trù mật hiếm thấy.
Theo tài liệu do Ban khánh tiết đình, chùa Tường Thụy, Trác Văn sưu tầm, lưu giữ: Trấn Sơn Nam là vùng đất phía nam Hoàng thành Đông Kinh bao gồm 11 phủ: Lỵ Nhân, Thường Tín, Ưng Thiên, Khoái Châu, Thiên Trường, Nghĩa Hưng, Thái Bình, Tân Hưng, Kiến Xương, Trường An, Thiên Quang (nay thuộc các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên và phần lớn tỉnh Hà Tây cũ). Lỵ sở (nơi đặt các cơ quan hành chính) Trấn Sơn Nam ra đời và phát triển song hành với thương cảng nổi tiếng Phố Hiến (Hưng Yên) và nằm ở hai bên bờ hữu ngạn, tả ngạn sông Hồng. Theo đó, trị sở Đô ty (cơ quan phụ trách quân sự), Thừa ty (cơ quan phụ trách dân sự) nằm ở Phố Hiến (Hưng Yên), còn trị sở Hiến ty (cơ quan thực thi pháp luật và an ninh trật tự, giám sát công việc của quan lại… thời chính quyền phong kiến) của Trấn Sơn Nam nằm ở hữu ngạn sông Hồng trên đất Hà Nam thuộc địa phận Tường Lân (nay là Tường Thụy, Trác Văn). Điều này được minh chứng bởi nội dung ghi trên tấm bia Tường Lân (hiện lưu giữ tại Tường Thụy). Theo nội dung ghi trên bia: Tường Lân (theo nghĩa chữ hán là mảnh đất cao ráo, tốt lành) từ thời hậu Lê (thế kỷ XV) đã được chọn là nơi đặt trị sở Hiến ty Trấn Sơn Nam. Dân chúng trong vùng Tường Lân theo đó được triều đình miễn mọi thứ sưu thuế, phu phen, tạp dịch hằng năm. Cuối thế kỷ XVII, nha môn của Hiến ty được xây dựng lại. Bài ký trên tấm bia Tường Lân viết về sự kiện này như sau: Hai vị (Hiến Sát sứ và Hiến Sát phó sứ) cùng nhau bàn bạc, xem khắp hình thế, bèn nhân di tích cũ cho dựng trị sở mới ở phía trước bản thôn. Ở giữa xây công đường để coi việc, hai bên dựng các dãy nhà để yên chỗ cho các quan. Dân chúng trong vùng đổ xô đến góp công, các thợ đều có tài khéo léo. Sau một thời gian xây xong, cổng chính uy nghiêm, hiên vách rộng lớn… Nội dung văn bia còn ca tụng công đức hai vị quan Hiến ty- Hiến Sát sứ và Hiến Sát phó sứ: Hai vị làm quan liêm khiết giữ mình, nhân đức yên dân, dùng uy thế dẹp gian tà, lấy phép công để xét việc, thi hành chính sự khoan nới để thể đức bề trên, thỏa lòng dân muốn. Văn bia cũng đã dành nhiều mỹ tự ca ngợi cảnh thái bình, thịnh trị của vùng lỵ sở Trấn Sơn Nam thuộc hữu ngạn sông Hồng thời kỳ này một cách rất sinh động, giàu hình ảnh: Trong cõi gió lồng nhạn lớp, vườn tược an toàn, nhà nhà xây đắp nền giàu thịnh, chốn chốn hưng nếp lễ nghi. Chính sự bình yên, kiện tụng được xét quyết. Quan lại xứng chức, dân chúng yên vui…
Đầu thế kỷ XVIII, do sông Hồng thay đổi dòng chảy, thương cảng Phố Hiến bị bồi lắng, không còn thuận tiện cho việc ra vào cập bến của thuyền bè. Triều đình chuyển thương cảng từ Phố Hiến sang bờ hữu ngạn thuộc Lảnh Trì (Mộc Nam, Duy Tiên). Đồng thời, chuyển hai cơ quan hành chính của lỵ sở Trấn Sơn Nam (Đô ty, Thừa ty) từ Phố Hiến sang Tường Lân. Từ đây, cả ba cơ quan hành chính quan trọng nhất của lỵ sở Trấn Sơn Nam (Hiến ty, Đô ty, Thừa ty) đều đóng trên đất Tường Lân cùng với thương cảng Lảnh Trì góp phần cho dải đất hữu ngạn sông Hồng: Mộc Nam, Chuyên Ngoại, Trác Văn… trở nên sầm uất đông vui. Những địa danh Nha Xá (Mộc Nam); Quan phố (Chuyên Ngoại); Quán Đồn, Đường Hiến (Trác Văn); Quan Nha Trại, Quan Nha Làng (Hòa Mạc)… cùng câu ca "Trăm cảnh, nghìn cảnh không bằng bến Lảnh, đền Mây"… còn lưu giữ đến bây giờ đã phần nào nói lên cảnh sầm uất, đông vui, trù mật đó.
Thời kỳ tiếp sau, triều đình phong kiến đổi trấn thành lộ, Trấn Sơn Nam được tách thành hai lộ: Sơn Nam Thượng (gồm toàn bộ tỉnh Hà Nam, các huyện phía nam Hưng Yên, tỉnh Hà Đông cũ) và Sơn Nam Hạ. Lỵ sở lộ Sơn Nam Thượng sau đó được chuyển về Châu Cầu (Phủ Lý ngày nay).
Tường Lân, sau này là Tường Thụy, cắt một phần đất thành lập thị trấn Hòa Mạc - huyện lỵ Duy Tiên mà ngày nay với những khu công nghiệp, khu đô thị Hòa Mạc, Cầu Giát là nét phác thảo đầy khởi sắc về diện mạo của một vùng quê mở mang, phát triển. Mảnh đất lỵ sở Trấn Sơn Nam vẫn còn đó nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu của một vùng quê địa linh, dân chúng thuần hậu, hiếu học. Ngôi đình Tường Thụy (tương truyền được xây trên thế đất hình con rùa) uy nghi, cổ kính với tam tòa (hậu cung, đình trung, đình ngoài) thờ công đồng lục vị thành hoàng làng (gồm năm vị tướng tài và một hoàng phi thời Hùng Vương). 5 giáp của Tường Thụy xưa ứng với 5 xóm Tường Thụy ngày nay đều có 5 ngôi đền (từ đệ nhất, đệ nhị… đệ ngũ) thờ sáu vị thành hoàng làng oanh linh đó. Bà con Tường Thụy tự hào vì đây nổi tiếng là vùng đất lành, con người giỏi giang, tháo vát, hiếu học, thành đạt. Từ thời phong kiến, Tường Thụy đã có trường học, có bia khuyến học. Người làng Tường Thụy có chí học hành, đỗ đạt đều được tôn vinh, ghi danh tại văn chỉ, lại được cấp ruộng (học điền) để động viên, khuyến khích. Việc làng (12 tháng Chạp) hằng năm là dịp chức dịch, dân làng sửa soạn lễ vật dâng cúng tri ân công ơn lục vị thành hoàng và mở hội khích lệ tinh thần tự hào quê hương trong quan viên trăm họ. Cùng với đình Tường Thụy, nơi đây còn có ngôi chùa cổ Bạch Liên (Bạch Liên Tự- Bông sen trắng) được công nhận di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật với nhiều nét chạm trổ cực kỳ tinh xảo, độc đáo hiếm có.
Hôm nay, về Trác văn, Chuyên Ngoại, Mộc Nam… đến thăm những địa danh phảng phất gợi lại dấu tích vùng lỵ sở Trấn Sơn Nam: Nha Xá, Quan Phố, Quan Nha, Tường Vân, Quán Đồn, Đường Hiến… gần như quanh năm bốn mùa du khách đều bắt gặp khung cảnh cuộc sống trù mật, thanh bình với bát ngát xanh non những vạt cây màu, hoa quả đồng bãi. Cầu Yên Lệnh vắt ngang dòng Đại Hà nối thông miền quê Tường Lân với thương cảng Phố Hiến xưa càng làm cho vùng đất lỵ sở Trấn Sơn Nam vốn đã trù mật, thanh bình lại có thêm nét trẻ trung, thông thoáng về đường hướng phát triển.
Trước thêm xuân mới Đinh Dậu, nghe đôi câu đối được vị đại diện Ban khánh tiết đình, chùa Tường Thụy xướng lên ngân nga trong kỳ việc làng cuối năm: "Rùa vàng nhả ngọc quý, sen trắng nở ao linh" du khách xa gần hẳn sẽ có thêm cảm nhận về niềm tự hào của người dân mảnh đất Tường Lân - Lỵ sở Trấn Sơn Nam vang bóng một thời.
Thế Vĩnh
Chiều 16/5, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác bảo đảm TTATGT quý I, triển khai phương hướng, nhiệm vụ quý II/2025. Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia; các thành viên Ủy ban ATGT quốc gia; đại diện các bộ, ban, ngành liên quan. Dự, chủ trì tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban ATGT tỉnh; đại diện Ban ATGT tỉnh và một số sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố.
"Phát huy truyền thống báo chí cách mạng, tiên phong chuyển đổi số, đồng hành cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên mới" là chủ đề Hội thảo báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ 30 diễn ra sáng 16/5, tại Hà Nội do Báo Hànộimới đăng cai tổ chức. Hội thảo là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6-2025).
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 16/5, Quốc hội thảo luận ở tổ cho ý kiến về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận ở tổ 16.
BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ
Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017
Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam
Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ
Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342
Email: baohanam.dientu@gmail.com
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.